CSGT Đồng Nai tố cấp trên 'bảo kê' xe vi phạm: Địa phương làm có khách quan?

25/11/2019 07:55 GMT+7

'Biết nói gì nữa đây, thật là buồn và thất vọng!', một bạn đọc đã cảm thán trước vụ việc cán bộ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai tố cấp trên 'bảo kê' xe vi phạm

“Biết nói gì nữa đây, thật là buồn và thất vọng!”, một bạn đọc đã cảm thán trước vụ việc cán bộ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai tố cấp trên "bảo kê" xe vi phạm và không chi trả các khoản chi phí về tiền ăn, lễ tết, trực ca đêm.
Như Thanh Niên đã thông tin, vụ việc bắt nguồn từ thông tin, clip được cho là của một số CSGT cung cấp ghi lại việc tổ tuần tra CSGT thuộc Trạm CSGT số 2 (xã Phú Túc, H.Định Quán, Đồng Nai) đang làm nhiệm vụ trên QL20 và xử lý một xe tải vi phạm giao thông. Tuy nhiên, sau đó tổ tuần tra nhận cuộc gọi của một "sếp" CSGT (được cho là Trưởng trạm số 2), thì chiếc xe trên được cho đi mà không bị xử phạt. Khi cho đi, cán bộ CSGT này còn nói với tài xế: “Sếp chỉ đạo thì cho đi, nhưng phải chấp hành đàng hoàng. Đừng nói gửi sếp rồi muốn chở sao chở nha”.

Con giun xéo lắm cũng oằn là đây.

Huy Nguyễn (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Ngoài việc tố “sếp” bảo kê xe vi phạm, những người tố cáo còn đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ các khoản tiền ăn, trực lễ tết, trực ca đêm... Vì theo những người này, có cả trăm cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an tỉnh Đồng Nai chỉ ký tên vào danh sách, chứ không nhận được tiền với nhiều tỉ đồng/năm.

Bộ Công an cần vào cuộc

Hôm qua 24.11, PV Thanh Niên đã liên lạc với trung tá Phạm Hải Cảng, Trạm trưởng Trạm CSGT số 2, người bị tố cáo, thì ông Cảng phủ nhận việc gọi điện cho cấp dưới can thiệp quá trình xử lý. Trong khi đó, đại tá Văn Quyết Thắng, Phó giám đốc phụ trách điều hành Công an tỉnh Đồng Nai, nói hôm nay (25.11), Công an tỉnh sẽ họp “xử lý theo quy định nếu cán bộ, chiến sĩ nào sai phạm”.

Chỉ khi nào nội bộ có vấn đề, chuyện như thế này mới lộ ra.

Thanh Phan Tan (TP.HCM)

Bạn đọc (BĐ) Vũ Hàn Phong (TP.HCM) cho rằng, vụ này không làm rõ trắng đen và cho ra khỏi ngành cán bộ sai phạm thì dân mất niềm tin. Tuy nhiên, BĐ Nguyễn Quang (TP.HCM) phân tích: “Không nên để Công an Đồng Nai tự mình giải quyết vụ tiêu cực của CSGT vì e rằng khó khách quan, thậm chí những người tố cáo có thể bị trù dập... Đề nghị T.Ư vào cuộc chấn chỉnh”. Đồng quan điểm, BĐ Phạm Ngân (TP.HCM) bày tỏ: “Tố Công an Đồng Nai thì phải thanh tra Bộ Công an mới công tâm; còn giao chính Đồng Nai thanh tra cũng như không”.

Đồng Nai có là cá biệt ?

BĐ Tuấn Hữu (Hà Nội) đặt vấn đề: “Sự việc có dấu hiệu ăn chặn kiểu này liệu chỉ có ở Đồng Nai hay phổ biến trong lực lượng CSGT nhiều nơi? Đó là chưa nói tới “luật ngầm” mà dư luận lâu nay xì xào là việc “khoán” cho các cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ về phải chung chi sao đó... Đề nghị Bộ Công an và cơ quan giám sát liên quan vào cuộc làm rõ nhằm trong sạch bộ máy CSGT và lấy lại lòng tin trong nhân dân, bởi nếu có như vậy thì họ - những CSGT khi làm nhiệm vụ - phải vi phạm tiêu cực mới sống nổi”.
Bên cạnh đó, nhiều BĐ cũng bày tỏ lo ngại cho những người tố cáo. “Thật dũng cảm! Nhưng người tố cáo chắc khó tồn tại được trong ngành công an. Mong rằng vụ này không chỉ họp kiểm điểm “rút kinh nghiệm” là xong!”.

Báo Thanh Niên cần lên tiếng mạnh mẽ để kêu gọi Bộ Công an vào cuộc và để bảo vệ người tố cáo.

Hưng Long (Cao Bằng)

Theo BĐ Hồng Phúc (TP.HCM), nên sa thải những lãnh đạo công an bảo kê cho xe vi phạm luật giao thông vì họ không khác gì “bảo kê” cho những kẻ lái ẩu gây bao nhiêu cái chết cho dân lành. Nhiều BĐ cho rằng phải làm nghiêm để lấy lại niềm tin của người dân vào lực lượng CSGT. Theo đó, nếu có đủ chứng cứ thì cần khởi tố những nhóm CSGT “bảo kê” cho xe vi phạm; đồng thời, Bộ Công an nên tuyên dương số cán bộ dũng cảm đứng ra tố cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.