Trời cho mình sức khỏe để làm điều tốt
Mỗi chiều, cụ Năm đi dọc các mé vườn hái rau dại, rau muống để sáng sớm hôm mang ra chợ bán. Cụ còn dành hẳn khoảnh đất cạnh nhà trồng khoai lang khi có rau hái bán. Rồi với suy nghĩ kiếm được đồng nào hay đồng đó, cụ lại đi xin cây chuối con về bào để bán.
Cứ 3 giờ sáng, cụ tẩn mẩn ngồi bào rau muống, chuối con, ngâm nước để có thêm món gỏi chuối, gỏi rau muống mang bán. 5 giờ sáng, cụ chất hàng lên xe đạp, chạy lọc cọc ra chợ cách nhà khoảng 1 km bày bán. Đến chợ, cụ nhận thêm các loại rau, trái của tiểu thương để kiếm thêm chút thu nhập. Cụ còn nhận lời bán giùm bà con nông dân những nải chuối, mớ chanh, trái hạnh, trái gấc.
Cụ thổ lộ: “Tôi bán tính lời rất ít, bởi chợ quê mà, quanh đi quẩn lại toàn người quen. Vì thế, mỗi ngày chỉ kiếm khoảng 50.000 - 60.000 đồng. Tuy ít, nhưng góp gió thành bão, sẽ giúp được biết bao người”. Nhiều người thấy cụ cực quá nên khuyên ở nhà nghỉ ngơi, nhưng cụ cười nói vui: “Tôi nghĩ mình chịu cực chút có sao đâu. Vả lại trời cho mình sức khỏe để mình làm điều gì đó giúp xã hội, chứ ở không ngồi nhà bứt rứt lắm”.
Tiền lời chắt chiu từ những ngày tần tảo được cụ mua thuốc, mua gạo mang cho những trường hợp nghèo khó, neo đơn, bệnh tật. Ngoài ra, cụ còn tặng gạo cho tổ từ thiện của Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp. Suốt hàng chục năm nay, cụ đã chia sẻ với bao phận đời bất hạnh.
Chẳng hạn như gia đình anh Lê Huỳnh Tấn (ngụ cùng với cụ Năm). Vợ anh Tấn bị bệnh nan y, con trai đang học lớp 5 nên một mình anh phải gồng sức làm thuê nuôi cả gia đình. Cụ Năm biết được hoàn cảnh của anh Tấn nên thường giúp gạo, nhờ vậy mà anh đỡ bớt phần nào khó khăn, có thêm động lực lo cho vợ và nuôi con ăn học. Hay như cụ Trần Thị Thái
(78 tuổi, ngụ xã Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới) cũng là người thường xuyên được cụ Năm tặng gạo. Cụ Thái nói bằng giọng rưng rưng xúc động: “Chị Năm tốt với tôi nhiều lắm. Cứ lâu lâu, chị ghé thăm khi thì cho gạo, khi thì cho tiền mua thuốc. Thiệt tôi cảm ơn chị rất nhiều”.
|
Nhờ giúp người mà đêm ngủ ngon giấc
Vợ chồng cụ Năm có đến 10 người con. Trước đây cụ Năm buôn bán đồ rẫy ở chợ xã, còn chồng thì làm vườn. Rồi khi các con khôn lớn, yên bề gia thất cũng là lúc cụ ông mãn phần, còn cụ Năm tuổi cũng đã cao nên nghỉ bán ở nhà với gia đình người con gái.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồngCâu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021)
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng
2 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên
Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
|
Lúc đó, cũng có nhiều lời ra tiếng vào. Người thì khuyên già rồi làm chi cho cực khổ. Người thì nói thẳng nếu có bán thì lấy tiền lời đó phòng thân lo chuyện hậu sự hoặc cho con cho cháu, chứ đâu phí sức lo cho người dưng như vậy. Người thì cười cợt, nhà đã nghèo, tuổi lại cao mà còn lo làm chuyện bao đồng. Mặc kệ, cụ lặng thinh, bền chí thực hiện ý nguyện của mình. Cụ nói bằng giọng xúc động: “Tôi đã lớn tuổi rồi. Cuộc sống đếm từng ngày, không biết mất lúc nào, vô thường lắm, nên giúp đỡ được ai ngày nào hay ngày nấy. Thực ra, tôi giúp bà con cũng chính là giúp mình có những phút thanh thản, an lạc cuối đời. Vả lại các bác sĩ, y tá đã cứu mạng tôi nên tôi nghĩ mình phải trả ơn cho các vị ấy bằng cách đi giúp người khác”.
Riêng các con của cụ, lúc đầu thấy mẹ già quá cực, lại bị thiên hạ xầm xì nên khuyên mẹ đừng làm, nhưng rồi cũng bị cụ thuyết phục. Thấy mẹ vui khi được làm việc thiện nên họ quay ra ủng hộ mẹ. Vậy là, ngoài việc lo tròn chữ hiếu, các con của cụ còn chung tay góp tiền để giúp mẹ hoàn thành tâm nguyện, mặc dù hoàn cảnh của họ cũng chỉ đủ ăn, người làm công nhân, người bán dạo, người làm nông chỉ canh tác có một vài công ruộng. Cụ Năm tươi cười nói: “Tôi nghèo nhưng được cái các con đều có hiếu, chiều theo ý mẹ. Khi thì đứa này đưa vài chục ngàn đồng, khi thì đứa khác đưa vài trăm ngàn đồng để tôi giúp bà con nghèo”.
Tấm lòng thơm thảo của cụ Năm được nhiều người quý mến và ủng hộ. Người tặng cụ cây chuối con, người chung tay gửi gạo hoặc tiền để cụ trao cho những hoàn cảnh khốn khó. Những điều này là động lực để cụ làm việc tử tế trong tâm trạng hoan hỉ. Cụ Năm tâm sự: “Thấy mọi người ủng hộ tôi rất vui. Bởi càng nhiều người làm thì sẽ có nhiều hoàn cảnh được giúp đỡ nên tôi sẽ mần tới chừng nào sức khỏe yếu không mần được thì mới nghỉ. Nói thật, nhờ hái rau buôn bán giúp mọi người mà tôi thấy khỏe khoắn trong người. Đêm ngủ rất ngon giấc”.
Chị Trần Thị Điệp, hàng xóm của cụ Năm, chia sẻ: “Bà Năm tính tình hiền lành, sống có tình có nghĩa với hàng xóm. Mặc dù hoàn cảnh cũng chật vật nhưng suốt ngày bà chỉ lo làm việc thiện giúp đời. Thiệt hiếm ai được như bà Năm”.
Cứ vậy, suốt 10 năm qua, nhịp sống của cụ Năm chầm chậm trôi trong sự thiện nguyện ấm áp, giống như việc cụ đã tặng những phần gạo, những đồng tiền thấm đượm nghĩa tình. Từ đó, ngọn lửa yêu thương giữa những người dân quê cháy đượm từ năm này sang năm khác.
|
Bình luận (0)