Cụ cử Can lập đạo kinh doanh: Có cha ấy, có con ấy

16/11/2022 07:21 GMT+7

Tiểu sử cụ Lương Văn Can (1854 - 1927), được Nguyễn Hiến Lê khái lược vài dòng trong tác phẩm Đông Kinh nghĩa thục. Theo đó cụ quê làng Nhị Khê, Hà Đông.

Nước nhà trên hết

Sinh ra trong gia đình nghèo, lúc nhỏ từng làm thợ sơn dăm tháng. Đậu cử nhân năm 21 tuổi, sau thường được gọi là cử Can; triều đình bổ chức giáo thụ Phủ Hoài nhưng từ chối. Tiếp sau chính phủ bảo hộ cử làm thành viên Hội đồng thành phố Hà Nội cụ cũng không nhận, chỉ ở nhà làm nghề dạy học.

Về vấn đề nghị viên Hà Nội, trong Lương gia tộc phả, cụ Lương Văn Can viết “dẫu có ứng cử ra làm nghị viên thành phố, nghị viên bản tỉnh, nhưng thấy lúc nghị sự, thời quyền về tay người Pháp, nghị viên ta chỉ dạ dạ, vâng vâng như “côn trùng ứng thanh”, chẳng làm được ích quốc lợi dân gì cả, bèn từ không làm nữa, ở nhà dạy học”. Xem Đăng cổ tùng báo, quả là tên cụ có trong danh sách bầu nghị viên thành phố Hà Nội cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Bạch Thái Bưởi… Cùng dấu ấn duy tân giáo dục, cử Can còn là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị: Hán học tiệp kính, Ấu học tùng đàm, Lương Ôn Như gia huấn, Đại Việt địa dư, Luận Ngữ loại ngữ, Tri thức phổ thông mới, Kim cổ cách ngôn, Thương học phương châm.

Đăng cổ tùng báo số 799, ngày 9.5.1907 có tên cụ Lương Văn Can trong danh sách bầu hội viên thành phố Hà Nội

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Trong nghiên cứu Đông Kinh nghĩa thục, Chương Thâu cho biết sau khi trường bị chính quyền bắt đóng cửa, rồi xảy ra vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, cụ cử Can bị sở Liêm phóng tra hỏi, nhưng không khai thác được gì. Đến năm 1913, khách sạn ở Hà Nội bị Việt Nam quang phục hội ném bom, cụ Lương bị bắt, thực dân đưa đi an trí tận Cao Miên trong 10 năm. Cụ cử Can có đề cập đến nguyên do bị đi đày trong phần “Tựa” tác phẩm Ấu học tùng đàm (Nhà in Thụy Ký, 1925) là do “không hay su [xu] nịnh tùy thời để lập công danh, lại súc [xúc] phạm về sự kỵ húy, phải chín năm cơ lưu ở nước khác”. Sau đó, thực dân cho cụ trở về nhà. Cụ lại mở Trường Ôn Như tiếp tục việc dạy học.

Là chí sĩ yêu nước có tiếng, ngày cuối đời của cụ Lương còn gây ấn tượng mạnh đối với đồng bào. Hà Thành ngọ báo số 35, ngày 13.6.1927 thông tin Lương Văn Can tạ thế 8 giờ sáng ngày 13.6 tại nhà riêng số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Tin được đăng trên trang nhất Hà Thành ngọ báo số 35 bởi học trò Trường Ôn Như. Đám tang cụ Lương Văn Can tuy cử hành gấp gáp vì nhà cầm quyền dựa vào thư nặc danh nói cụ mất vì bệnh có nguy cơ truyền nhiễm, trong khi thực tế là do bệnh già, nhưng người đưa đám rất đông, thể hiện sự ngưỡng mộ, tiếc thương nhà yêu nước.

Ấu học tùng đàm bản in lần thứ nhất, 1925

Hà Thành ngọ báo số 36, ngày 14.6.1927 tường thuật: “Lạ có một điều là số người đi đưa đám lúc ban đầu ước chừng ba bốn trăm người, rồi dần dần đám qua các phố, người theo đưa thêm đông dần, đến lúc hạ huyệt thì có đến non nghìn người đứng vòng quanh dự lễ để kính chào nhà chí sĩ lần cuối cùng”. Thành phần đưa nhà yêu nước về nơi yên nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Hợp Thiện đủ cả hội viên thành phố, học sinh Trường Ôn Như, báo giới, thân hào nghĩa sĩ như Ngô Đức Kế, Hoàng Tăng Bí… Biết tin nhà yêu nước mất, theo Nam Phong tạp chí số 117, tháng 7.1927 thông tin, ở Nam Kỳ cũng muốn làm lễ truy điệu nhưng bị chính quyền thực dân cấm.

Những người con giỏi giang vì nước

Quả là hổ phụ sinh hổ tử, những người con của cụ Lương, cũng theo gương cha, cùng bầu máu nóng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thực hành yêu nước bằng nhiều cách khác nhau. Sau cuộc hội kiến giữa cụ Hoàng Tăng Bí và cụ cử Can bàn quốc sự chú trọng đến việc “trồng người”, hai người con cụ cử Can là Lương Ngọc Quyến (Lương Lập Nham) và Lương Nhị Khanh thành những sinh viên Đông Du. Quyến theo học Chấn võ học hiệu, Khanh học Đồng văn thư viện tại Nhật. Người anh cả Lương Trúc Đàm, thì đảm nhiệm việc tìm anh tài đất Bắc.

Đại Việt địa dư ca lục bát, bản in năm 1925.

Lương Trúc Đàm (1879 - 1908) được biết đến là người thông minh, ham học. Năm 1903, Đàm thi đỗ cử nhân, nhận chức Hậu bổ tại tỉnh Hà Đông. Khi Đông Kinh nghĩa thục được lập, Đàm có chân trong Ban giáo dục và Ban tu thư, theo nghiên cứu Phong trào Duy Tân của Nguyễn Văn Xuân. Những bài giảng của Lương Trúc Đàm được in thành sách Nam quốc địa dư năm 1907 giúp học trò “hiểu biết những nét lớn về hình thể, đời sống trong nước để khích lệ phát động tư tưởng quốc gia”, Phàm lệ của sách ghi. Không lâu sau khi trường phải đóng cửa, Đàm bị bệnh rồi mất giữa năm 1908.

Với Lương Nhị Khanh, theo Nguyễn Hiến Lê thì Khanh tham gia phong trào Đông Du, học ở Đồng văn thư viện. Năm 1916 Khanh sang Xiêm, bí mật về Phnom Penh nơi cụ Lương bị an trí. Tuổi đời dù còn trẻ, nhưng Khanh sau đó ốm chết khi mới 30.

Được lịch sử ghi nhận nhiều nhất, phải nói đến Lương Ngọc Quyến (1885 - 1917). Cụ Phan Bội Châu tiếp xúc với Quyến đã tấm tắc khen trong Ngục trung thư là “thanh niên chứa sẵn kỳ khí, có hoài bão cao xa” và xem Quyến là du học sinh đầu tiên Đông Du. Tốt nghiệp Trường Chấn võ, Quyến sang Tàu, rồi về nước hoạt động. Sau bị bắt và trải qua nhiều nhà giam.

Tại Thái Nguyên, Quyến liên minh với Đội Cấn cùng những người yêu nước đã ghi dấu ấn với cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.

Cụ cử Can lập đạo kinh doanh

Kế trăm năm không gì bằng trồng người

Phương châm kinh doanh cho giới doanh thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.