Cư dân 4 tỉnh ở Ukraine bắt đầu trưng cầu dân ý để gia nhập Nga
Hãng thông tấn Nga TASS ngày 23.9 đưa tin cư dân tại các tỉnh Donetsk, Luhansk ở miền đông và tỉnh Kherson và tỉnh Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine từ ngày 23-27.9 tham gia bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga.
Tự động phát
Các vùng này chiếm khoảng 15% diện tích Ukraine.
Kế hoạch trưng cầu dân ý đã được các lãnh đạo địa phương do Nga hậu thuẫn công bố ngày 20.9. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài phát biểu sau đó cũng cho biết Moscow sẽ ủng hộ quyết định được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý.
Theo Reuters, việc trưng cầu dân ý đã được giới chức thân Nga tại Ukraine bàn bạc trong nhiều tháng qua, nhưng các thắng lợi trên chiến trường gần đây của Ukraine đã khiến họ phải đẩy nhanh tiến độ.
Một thành viên của ban bầu cử chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk |
reuters |
Hãng tin TASS cho biết do giới hạn thời gian và các vấn đề kỹ thuật, các vùng đã quyết định bỏ phiếu giấy và không bỏ phiếu kỹ thuật số. Người dân sẽ được bỏ phiếu trực tiếp duy nhất vào ngày 27.9 trong khi những ngày còn lại, việc trưng cầu dân ý sẽ được thực hiện ở từng cộng đồng và theo hình thức gõ cửa từng nhà vì vấn đề an ninh.
Cư dân tại "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" tự xưng (LPR) và "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng (DPR) sẽ được hỏi liệu họ có "ủng hộ việc gia nhập Nga và trở thành một chủ thể của liên bang hay không". Trong khi đó, cư dân Zaporizhzhia và Kherson sẽ được hỏi liệu họ có "ủng hộ việc ly khai Ukraine, tạo ra một quốc gia độc lập và sau đó gia nhập Nga để trở thành một chủ thể của liên bang hay không".
Ở DPR và LPR, các lá phiếu sẽ được in bằng tiếng Nga, còn phiếu ở Zaporizhzhia và Kherson sẽ được in bằng cả tiếng Ukraine và tiếng Nga.
Reuters nhận định kết quả nghiêng về Nga trong các cuộc trưng cầu dân ý này được coi là điều không thể tránh khỏi. Đây là một thách thức đối với phương Tây và có thể khiến xung đột leo thang mạnh mẽ. Ukraine và các đồng minh phương Tây đã nói rõ rằng họ sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu.
Việc trưng cầu dân ý đã bị một loạt lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối. Các tổ chức quốc tế như NATO, Liên minh châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) cũng chỉ trích hành động này.
Ukraine tuyên bố các cuộc trưng cầu dân ý là một dấu hiệu cho thấy Nga đang sợ hãi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Bất kỳ quyết định nào mà giới lãnh đạo Nga đưa ra có thể không thay đổi được gì đối với Ukraine”.
Bình luận (0)