Củ nưa đưa tiền về nhà

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/11/2021 06:09 GMT+7

Con cá, chột nưa, bài thơ của Tố Hữu quen thuộc với nhiều người. Cá vụn mà nấu với chột (thân) cây nưa ăn ngon khó quên. Còn ở Trà Vinh, có củ nưa… đưa tiền về nhà, vì làm ra thứ bột ngon nức tiếng.

Thái Sơn Ngoan (22 tuổi) quê xã An Quảng Hữu, H.Trà Cú, chàng trai vừa tốt nghiệp Trường đại học Trà Vinh, nhà mấy đời trồng nưa và 2 người bạn của mình đã khởi nghiệp với loại củ đặc biệt này.

Trồng nưa lời gấp hàng chục lần trồng mía

Ý tưởng khởi nghiệp đến với Ngoan từ năm học thứ 2 ĐH. Anh cho hay giống nưa trồng lấy củ ở Trà Vinh có một số khác biệt với nưa ở miền Bắc và miền Trung. Củ nưa ở Trà Vinh tròn, nhỏ, vỏ màu vàng nhạt như củ khoai tây. Trong khi ở các vùng khác, củ nưa lớn hơn, vỏ màu nâu, đen. Bột nưa đã quen thuộc trong đời sống văn hóa của người Khmer ở Trà Vinh. Vào ngày hội Ok Om Bok, bà con sẽ khuấy bột nưa thành món ăn trong lễ cúng trăng. Đồng thời, đây là một thực phẩm ngon, tốt cho sức khỏe. Song bà con quê anh chưa khai thác hết giá trị của nông sản.

Ngoan trong một lần giới thiệu sản phẩm bột nưa tới mọi người

NVCC

“Nhiều cơ sở sản xuất bột nưa chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa ứng dụng công nghệ máy móc, không có thương hiệu. Chúng tôi áp dụng công nghệ mới trong sản xuất như: nghiền, sấy, trích ly, phân ly… đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, dự án xây dựng thương hiệu gắn liền với địa phương, có tên thương hiệu, mã QR để kiểm tra xuất xứ, nâng cao năng lực sản xuất…”, Ngoan nói.

Về giá trị kinh tế, Ngoan phân tích, ở quê anh có 2 cây trồng chủ lực là cây mía và cây nưa. Nưa trồng 6 tháng đã cho thu hoạch. 1 công (1.000 m2) trồng nưa cho 3 - 4 tấn củ. Giá củ nưa bán thô là 8.000 - 15.000 đồng/kg. Khi chế biến thành sản phẩm, giá bột tinh khiết cho từ 180.000 đến 260.000 đồng/kg.

Còn mía phải trồng trong 12 tháng, 1 công chỉ thu hoạch được khoảng 3 tấn. Song giá mía rất thấp, nhiều năm qua giá mía cây bán ra chỉ khoảng 1.000 đồng/kg. Như vậy, trên cùng một diện tích đất, trồng nưa lợi nhuận hơn trồng mía hàng chục lần.

Đáng chú ý, cây nưa trồng trên đất cát lại có nhiều củ hơn. Không cần phân bón, hóa chất, cây nưa vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Giống cây này chịu được đất ngập mặn, khi đất không trồng được gì nữa thì cây nưa vẫn sống rất tốt, như vậy thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, không ảnh hưởng tới diện tích đất trồng lúa.

Đặc biệt, bột nưa có giá trị dinh dưỡng cao. Có thể pha với nước dừa tươi hoặc sữa, chanh trở thành thức uống. Hoặc khuấy chín để ăn, sử dụng như một nguyên liệu để làm bún, mì, trân châu... Người ăn kiêng, giảm béo cũng hay dùng bột nưa vì có nhiều chất xơ, không có nhiều calo.

“Trong cuộc sống hiện đại, ai cũng quan tâm chăm sóc sức khỏe và ngày càng chuộng các sản phẩm hữu cơ, tinh khiết, nên chúng tôi không lo về đầu ra cho sản phẩm này”, Ngoan tự tin.

Củ nưa Trà Vinh và bột nưa do nhóm Ngoan sản xuất, sản phẩm được vào top 5 Techfest Mekong 2020

Làm du lịch từ cây nưa

Thái Sơn Ngoan là cử nhân ngành luật, hai người cùng làm dự án với anh là Kim Ngọc Lâm (22 tuổi), cũng tốt nghiệp ngành luật và Nguyễn Nhật Minh (20 tuổi), sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Trà Vinh. Dự án còn có sự hỗ trợ về chuyên môn của một bạn trẻ học ngành công nghiệp thực phẩm. Đam mê kinh doanh và nặng lòng với nông sản quê hương, họ đặt tên cho dự án là bột nưa Klen Farm và theo đuổi hơn 1 năm qua.

Trong cuộc sống hiện đại, ai cũng quan tâm chăm sóc sức khỏe và ngày càng chuộng các sản phẩm hữu cơ, tinh khiết, nên chúng tôi không lo về đầu ra cho sản phẩm này

Thái Sơn Ngoan, quê xã An Quảng Hữu, H.Trà Cú, Trà Vinh

Klen trong tiếng địa phương mang nghĩa “hương vị”. Klen Farm nghĩa là hương vị của nông sản. Nhắc tới Trà Vinh, người ta nhắc tới bánh tét Trà Cuông, dừa sáp Cầu Kè… Còn Ngoan, Lâm và Minh muốn người ta sẽ còn nhắc tới bột nưa như một đặc sản không thể không nếm thử.

3 bạn trẻ đã đăng ký doanh nghiệp. Hiện tại, họ có 10.000 m2 đất của gia đình để chủ động vùng nguyên liệu trồng nưa. Đồng thời, họ liên kết với các hộ nông dân ở các xã An Quảng Hữu, Thanh Sơn (H.Trà Cú) để có thêm sản lượng nưa củ cần thiết để sản xuất bột.

Bên cạnh bột nưa nguyên chất, dự án đang phát triển thêm các sản phẩm bột nưa óc chó, kiwi, hạnh nhân, bột nưa tinh chất nghệ, mật ong và các loại hạt dinh dưỡng, thuận tiện cho các bữa sáng… Trong quá trình sản xuất, họ sẽ lấy bã nưa để làm nguyên liệu trồng nấm, đồng thời lâu dài sẽ kết hợp nông trại nưa với du lịch trải nghiệm, ẩm thực…

“Sau dịch Covid-19, lực lượng lao động từ TP.HCM và các thành phố lớn trở về quê rất nhiều. Chúng tôi mong muốn củ nưa đưa việc làm cho mọi người, để ai cũng có thể sống tốt trên quê hương mình”, Ngoan nói.

Từ tháng 10.2020 tới nay, các bạn trẻ đã bán ra 1 tấn bột nưa với giá 240.000 - 260.000 đồng/kg. Dự án khởi nghiệp với củ nưa của nhóm nằm trong top 50 vòng chung kết cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Dự án cũng vào top 5 sản phẩm tiêu biểu tham gia ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (Techfest Mekong) năm 2020.

Anh Trầm Minh Thuần, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, cho hay dự án bột nưa Klen Farm được lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh đánh giá cao. “Riêng cá nhân tôi cho rằng đây là dự án mang tính cộng đồng, thể hiện rõ bản sắc dân tộc của người Khmer tại Trà Vinh. Dự án của các bạn rất khả thi, giúp nâng tầm nông sản quê nhà trong thời gian tới”, anh Thuần nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.