Ngày 18.5, tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận cụ ông N.V.H (74 tuổi, ngụ TP.HCM) trong tình trạng đau bụng âm ỉ, kèm nôn ói, cơn đau ngày càng tăng, sốt cao. Gia đình bệnh nhân cho biết, tình trạng này xuất hiện sau khi bệnh nhân ăn cơm với cá hú.
Cụ ông nguy kịch vì nuốt xương cá hú |
BVCC |
Qua thăm khám lâm sàng và chụp bụng cắt lớp cản quang, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nhiễm trùng nghi do thủng đại tràng ngang vì mắc xương cá hú. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu.
Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã thực hiện phẫu thuật nội soi gỡ các tổ chức bao quanh khối viêm ở ruột, phát hiện cọng xương cá hú xuyên thủng từ trong đại tràng ngang ra, kích thước xương cá hú 30mm x 1,5mm. Các bác sĩ đã lấy chiếc xương cá hú ra và rửa sạch bụng.
Sau mổ lấy xương cá hú, bệnh nhân được hồi sức tích cực, sử dụng thuốc vận mạch, thở máy. Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm, ngưng thuốc vận mạch, rút máy thở và đang được theo dõi.
TS-BS Huỳnh Thanh Long, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, thủng đường tiêu hóa do dị vật là bệnh cảnh ít gặp. Các dị vật ống tiêu hóa thường gặp: tăm, xương cá, vỉ thuốc, mảnh lược ngà cài tóc… Đa số dị vật không sắc nhọn thường được đào thải ra ngoài đường tiêu hóa trong vài ngày và không để lại di chứng.
Tuy nhiên, đối với những dị vật sắc nhọn như xương cá hú, khi di chuyển sâu xuống đường tiêu hóa rất dễ ghim vào thành ống tiêu hóa sẽ gây thủng, đặc biệt khi đâm thủng đại tràng sẽ khiến tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng. Bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện có nuốt dị vật, nên đến bệnh viện sớm để nội soi lấy dị vật, tránh để dị vật di chuyển xuống sâu gây biến chứng nặng - thậm chí tử vong.
Bé 1 tuổi bị xương lươn đâm vào đường thở
Cùng ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết đã tiếp nhận nam bệnh nhân L.G.H (1 tuổi, ngụ Bình Dương) bị dị vật đường thở bỏ quên là xương lươn.
Người nhà bé cho biết, 10 ngày trước, bé đang ăn cháo lươn thì ho, sặc sụa, tím tái, được điều trị tại địa phương nhưng không đỡ. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng khò khè, thở mệt. Qua thăm khám, bác sĩ nghi ngờ có dị vật đường thở ở phổi phải và hình ảnh X-quang ghi nhận tắc nghẽn ứ khí ở phế trường bên phải. Cùng với ê kíp phẫu thuật và gây mê giàu kinh nghiệm, bác sĩ Phú Quốc Việt (khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1) đã gắp thành công các mảnh xương lươn sắc nhọn ở phế quản gốc phải và ở phế quản hạ phân thùy trên bên phải. Các mảnh xương cắm sâu vào niêm mạc chỉ lộ phần đuôi xương khiến việc soi gắp dị vật gặp nhiều khó khăn. Hiện tình trạng sức khỏe của bé đã ổn, không còn ho, khó thở và ăn uống bình thường.
Bình luận (0)