Cụ ông chở quần áo 0 đồng tặng người nghèo Sài Gòn: ‘Người ta nói tôi điên’

05/04/2021 11:25 GMT+7

Bị bệnh về thanh quản, phải dùng máy hỗ trợ nói, hằng ngày ông Nguyễn Văn Tư (81 tuổi) vẫn chở xe quần áo 0 đồng tặng người nghèo khắp Sài Gòn mặc lời chế giễu từ nhiều người: 'Ông già câm bị điên lo chuyện bao đồng'...

Suốt 4 năm qua, công nhân lao động và các xóm trọ nghèo ở Sài Gòn đã quen với chiếc xe quần áo 0 đồng của ông Nguyễn Văn Tư (thường gọi ông Tư Ẩn, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) rong ruổi trên đường phố.
Ông Tư gầy gò, đầu tóc bạc gần hết, đôi mắt mờ đục tập trung cao độ mỗi lần chạy xe. Ông không nói được vì bị bệnh về thanh quản, lúc nào cũng đeo một cái máy bên mình, ép vào thanh quản để phát ra âm thanh. Vì vậy mà giọng ông nghe the thé, ngang phè, nếu không chú ý thì người đối diện khó mà hiểu ông đang nói gì.

Quần áo cũ là kho báu

Giữa trưa một ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm đến nhà ông Tư Ẩn sau một buổi sáng ông đi “bán” quần áo. Đập vào mắt chúng tôi là một kho quần áo đủ loại được ông sắp xếp ngay ngắn.

Kho quần áo tại nhà của ông Tư

Ảnh: Cao An Biên

Ông Tư Ẩn chia sẻ, với nhiều người, đây là quần áo cũ, nhưng với ông, đó là kho báu mà ông hết lòng trân quý. Kho báu này không phải do ông tự làm ra, mà do được người dân khắp nơi gửi về, chung tay với công việc ý nghĩa của ông.
Theo lời ông Tư, trước kia ông làm lái xe đường dài, khoảng chục năm trở lại đây, khi tuổi đã cao, ông dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động thiện nguyện. Càng đi nhiều, ông càng thấy đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh.

Người bán mực khô vui mừng khi "mua" quần áo 0 đồng của ông Tư

Ảnh: Cao An Biên

Người nhà phụ ông Tư sắp xếp quần áo 0 đồng

Ảnh: Cao An Biên

“Thấy nhiều đứa trẻ không có tấm áo tươm tất để mặc, nhiều người lao động không có điều kiện mua quần áo mới tôi quyết định bắt đầu chiếc xe bán quần áo 0 đồng của mình và duy trì nó nhiều năm nay”, ông nói.
Ban đầu, việc làm này của ông không nhận được sự ủng hộ của gia đình vì ông đã lớn tuổi, hơn nữa ông lại không thể nói được do bị bướu cổ chèn vào dây thanh quản. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm phải làm. Nhìn nụ cười của những người được nhận quần áo 0 đồng từ ông Tư, vợ con ông dần dà ủng hộ, hỗ trợ ông sắp xếp quần áo.

Dù tuổi cao nhưng ông Tư đều đặn chạy xe quần áo 0 đồng đi khắp thành phố

Ảnh: Cao An Biên

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi cuộc điện thoại từ shipper. Đó là một thùng quần áo được ai đó đã giặt giũ, xếp phẳng phiu gửi đến. Ông Tư cười nói: “Điều mừng nhất là nhiều người ở cả miền Tây, miền Trung cũng gửi đồ lên cho tôi đi bán. Thấy bà con khắp nơi chung tay, tôi mừng lắm vì nhiều người nghèo sẽ có thêm quần áo mặc”.
Cụ ông ngoài 80 tuổi tiết lộ, chiếc xe mà ông đang đi là của một người mang đến tận nhà cho khi thấy xe trước của ông quá cũ và không chở được nhiều quần áo. Nhưng người ta không cho ông được tiết lộ tên tuổi, cũng không nói cho ông biết giá trị chiếc xe này là bao nhiêu, chỉ biết nó đủ để giúp ông và mớ quần áo tránh được mưa, nắng bất chợt của Sài Gòn.

'Nhiều người nói tôi là ông già điên'

7 giờ sáng mỗi ngày, ông có mặt tại góc đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) chờ mọi người đến lấy đồ. Đến 9 giờ hơn, ông di chuyển xe đến nhiều nơi khác nhau trong thành phố, khi thì trước các bệnh viện, khi lại ở các khu chợ bình dân. Tầm 11 - 12 giờ trưa ông về nhà nghỉ ngơi rồi đến chiều lại chạy vòng quanh các khu công nghiệp ở H.Nhà Bè để tiếp tục công việc của mình. Hành trình của cụ ông 81 tuổi đều đặn gần 50km mỗi ngày.

Người bán vé số ngại ngùng được người dân động viên vào lấy quần áo

Ảnh: Cao An Biên

Theo ông Tư, để duy trì được xe quần áo 0 đồng suốt 4 năm không phải là điều dễ dàng. Ngoài quần áo được người dân khắp nơi gửi về, chi phí còn lại ông phải tự túc, được ông trích ra từ tiền các con chu cấp phụng dưỡng tuổi già.
Bà Lê Thị Bé (67 tuổi, vợ ông Tư ) bán hàng ở một khu chợ gần nhà và  giải quyết hết mọi chuyện để ông Tư yên tâm đi bán quần áo 0 đồng. “Ban đầu tôi cũng lo cho ổng, sức khỏe yếu sợ đi nắng đi gió cực khổ. Nhưng thấy ổng ấy quyết tâm nên tôi cũng chiều. Thấy ổng mang lại niềm vui cho nhiều người, tôi cũng vui theo”, bà tâm sự.
Bên cạnh những người ủng hộ, ông Tư cũng kể, công việc của ông đôi khi cũng gặp nhiều ánh mắt soi mói lạ lùng. Ông nói: “Có người đáng tuổi con cháu tôi, vậy mà chế giễu tôi bị câm, nói tôi bị điên lo chuyện bao đồng khi làm việc này. Sống đến tuổi này rồi thì đâu để bụng mấy chuyện đó. Chỉ cần mình làm đúng tâm niệm, lý tưởng của mình là được. Công việc này làm cho tôi thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn”.

Ông Tư bị bệnh về thanh quản, phải ép máy vào cổ để nói chuyện

Ảnh: Cao An Biên

Hơn 15 giờ, chúng tôi theo ông Tư với xe quần áo 0 đồng đi vòng quanh các khu công nghiệp ở H.Nhà Bè. Dưới cái nắng gay gắt của những ngày nắng nóng cao điểm, mồ hôi nhễ nhại, ông Tư vẫn ung dung, bình thản cạnh kho báu của mình.
Thấy xe của ông Tư, ông Nguyễn Văn Khô (56 tuổi, H.Nhà Bè) bán mực khô gần đó chạy lại để lựa một vài cái áo thun. Ông cho biết buôn bán ở đây hơn 4 năm, lúc mới bán đã thấy xe quần áo 0 đồng của ông Tư Ẩn.
“Đây là lần thứ 2 tôi lấy quần áo của ông Tư, chủ yếu là áo thun. Không phải ai cũng được như vậy, làm thiện nguyện giúp đời nên tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ”, nói xong, ông Khô bắt tay ông Tư cảm ơn rối rít.
Nhìn gương mặt rạng rỡ của người đàn ông luống tuổi vừa lựa được mấy chiếc áo, ông Tư cười bộc bạch, cuộc sống của ông giờ là viên mãn nhất khi được làm công việc ông thích, tối đến lại được quây quần cùng gia đình.
Bà Thu Hương (50 tuổi, ngụ Q.4) tâm sự bà  biết đến xe quần áo 0 đồng của ông Tư từ lâu, vì quý mến tấm lòng nhân hậu của ông mà bà thường mang đồ đến để gửi ông, cũng như chọn một vài bộ đồ phù hợp để tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Xe quần áo 0 đồng của ông Tư mang nụ cười lại cho nhiều người

Ảnh: Cao An Biên

“Dù lớn tuổi, nhưng ông ấy vẫn không nghỉ ngơi mà vẫn đi từ đường này sang đường khác, hẻm này sang hẻm khác để giúp cho người nghèo. Đâu phải ai cũng làm được như vậy nên tôi rất thương, giúp được gì ông thì tôi giúp thôi”, bà cười.
Đang bán vé số trên đường, anh Văn Hùng Vũ (39 tuổi, ngụ Q.4) bỗng chú ý đến xe quần áo của ông Tư Ẩn. Thấy anh mặc chiếc áo thun rộng thùng thình đã sờn vải, vẻ mặt khắc khổ lại e dè, những người gần đó nhiệt tình bảo anh cứ chọn đồ thoải mái, bộ nào ưng thì lấy về dùng. Sau một hồi, anh chọn được 2 cái áo vừa vặn, rồi được cụ ông bỏ vào túi cho tiện mang đi.
“Đây là lần đầu tôi chọn đồ ở đây, chiếc nào cũng còn mới. Mỗi ngày tôi bán vé số cũng chỉ được vài đồng nên không dám mua sắm gì, giờ có mấy bộ đồ mặc thì rất quý. Có dịp, tôi sẽ ghé lại đây chọn nữa”, nói xong anh gửi lời cảm ơn ông Tư rồi tiếp tục công việc của mình.

Thời gian đầu vợ ông Tư không ủng hộ việc làm này vì lo cho sức khỏe của ông, nhưng sau đó thấy công việc mang đến niềm vui cho nhiều người nên bà lo toan việc nhà để ông có thời gian cho việc ý nghĩa này

Ảnh: Cao An Biên

Chỉ về dòng chữ “tự chọn giá 0 đồng” in trên xe, ông Tư giải thích, ông không thích ghi chữ “miễn phí” vì không muốn người nhận có cảm giác được cho, mà là cảm giác mua. “Tôi nghĩ làm như vậy sẽ có người đến lấy quần áo hơn, và tôi cũng đắt khách hơn. Niềm vui của tôi đơn giản chỉ là thấy được nụ cười của những người này”, ông chia sẻ.
Không chỉ có quần áo, trên xe ông cũng chuẩn bị một hộp cứu thương với nhiều dụng cụ như bông băng, cồn sát khuẩn, dầu gió. Nếu gặp ai bị tai nạn trên đường, nhẹ thì ông giúp sơ cứu, nặng thì ông đưa vào bệnh viện.
Cứ như vậy, ngày nắng hay ngày mưa, ông Tư Ẩn vẫn chở chiếc xe chở đầy quần áo 0 đồng của mình rong ruổi khắp các ngả đường Sài Gòn tiếp tục hành trình tìm kiếm những nụ cười hạnh phúc…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.