Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/04/2023 12:04 GMT+7

5 rưỡi chiều, vừa nghe được điện thoại 'ông ngoại ơi ra rước con', ông Tích sấp ngửa chạy ra, chèo ghe rất mau. Đến giữa rạch Bà Lớn, ông Tích la lớn 'gọi thêm con nhà Hưng về nữa đi, ngoại rước luôn'.

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 1.

Cụ ông Ba Tích chèo ghe, rước các cháu đi học về một buổi chiều

THÚY HẰNG

Mấy chục năm nay, ông Nguyễn Văn Tích (72 tuổi, sống ở E13/377, cù lao ấp 5, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) đã quen với việc sáng, trưa, chiều tối, không quản nắng mưa chèo ghe đưa rước con cái đi học, đi làm. Bây giờ về già, cụ ông lại tiếp tục đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày.

11 người con, 19 đứa cháu

Rạch Bà Lớn như một đường cong, phân định hai mảng đối lập ở ấp 5, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM. Một bên là khu dân cư ấp 5 hiện đại với nhiều nhà cao tầng, biệt thự sáng choang, tiện nghi. Bên kia là một cù lao biệt lập với những căn nhà nhỏ, thấp nằm dưới những cây mắm, tràm và những bụi dừa nước. Nơi đây không có cầu bắc qua. Muốn từ cù lao vào đất liền, đi ra Quốc lộ 50, chỉ có một cách duy nhất là chèo ghe.

Nhà cụ ông Nguyễn Văn Tích (thường được gọi là ông Ba Tích) là dân thổ cư ở cù lao này từ nhiều đời nay. Nguyên là tổ trưởng tổ dân phố 13.2 ấp 5, ông Ba Tích là nông dân giỏi của xã và của huyện, nhiều lần được nhận bằng khen. Ngoài nghề gia truyền là trồng lúa, trồng rau nhút, rau muống, nuôi cá, ông Ba Tích còn là một nghệ nhân trang trí trái cây thành rồng, phụng… với nhiều giải thưởng.

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 2.

THÚY HẰNG

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 3.

THÚY HẰNG

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 4.

Ngày nào cụ ông cũng là người lái đò, đưa, đón hết đàn cháu qua sông

THÚY HẰNG

Vợ chồng ông Ba Tích sống tình cảm, hòa thuận nổi tiếng ở ấp 5. Ông kể: "Tôi và vợ tôi lúc nào cũng tình cảm. Tới cả khi về già, tôi vẫn gọi bà ấy là "em", xưng "anh". Tôi bảo với vợ là mình phải sinh nhiều con, để các con giữ gìn đất đai của cha ông".

Vậy là, tổng cộng, vợ chồng ông sinh hạ 11 người con. Tới nay, 3 người chưa lập gia đình. Còn lại, 8 người con, kết hôn, sinh được 19 đứa cháu. Khi chúng tôi đến thăm nhà, để xác định tên tuổi, năm sinh tháng đẻ của 11 người con, 19 đứa cháu, ông Tích phải mang một tờ giấy được ghi chép cẩn thận ra đọc lại thì mới nhớ.

Các con ông Ba Tích đều đã đi làm, người làm công nhân trong công ty may, công ty in, người làm ở xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn TP.HCM, người kế nghiệp cha nuôi cá, trồng rau... và đều ở quay quần trên cù lao, cạnh nhà ông Tích. Các cháu đi học ở các trường trong Bình Chánh, Q.8, Q.5… Chỉ có 3 bé còn nhỏ, chưa đi học. Còn lại 16 đứa cháu nội, ngoại ông Ba Tích học rải rác từ tiểu học tới THPT. Nhà đông con cháu, ông Ba Tích phải chia ra nhiều chuyến ghe để đưa đón hết đàn con, đàn cháu đi học, đi làm.

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 5.

Buổi sáng ở gia đình ông Ba Tích, con đi làm, cháu đi học trên chiếc ghe

NGỌC TRINH

Chặt mấy trái dừa mời khách, ông Ba Tích kể: "Ngày mưa to gió lớn qua rạch nguy hiểm lắm, phải đợi hết mưa mới dám chèo ghe qua sông, các cháu phải xin cô đi học trễ. Ngày nước cạn, tôi hay bà nhà tôi phải lội bùn, đẩy ghe, cực khổ vô cùng để các cháu qua được bên kia, đến trường".

Cù lao đã có điện. Mấy năm trở lại đây, cù lao có nước sạch để dùng. Trước đây, người dân cù lao phải khoan giếng, còn nước ngọt dùng cho ăn uống thì phải chở từng khạp bằng ghe về nhà. Có lần đang chèo ghe chở nước về thì mưa lớn, ông Ba Tích phải đổ một khạp xuống sông vì sợ ghe chìm.

Vợ ông Tích, bà Đỗ Thị Phân, bị suyễn đã qua đời trong đợt dịch căng thẳng của TP.HCM. Không bị nhiễm Covid-19, đám tang bà Phân vẫn được phép tổ chức ở nhà trong cù lao. Tuy nhiên, để đến nơi an táng, chiếc quan tài vẫn phải được để xuống ghe, người ta chèo đưa bà qua rạch trong một chuyến đi lần cuối cùng…

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 6.

Ngôi nhà nhỏ trên cù lao

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 7.

"Các con ngủ dậy sớm, đi làm đúng giờ công ty"

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 8.

Ngôi nhà nhỏ của ông Ba Tích với bức tường chi chít giấy khen của ông, các con và các cháu

THÚY HẰNG

Gia đình hiếu học

Thương nhớ vợ, ông Ba Tích không còn thiết tha làm lân, phụng, rồng từ trái cây. Tuổi cao, con cháu cũng không cho ông đụng vào việc cắt rau muống, rau nhút. Ngày ngày, ông Ba Tích chèo ghe, đưa con cháu đi học đi làm buổi sáng, trưa chiều lại chèo ghe đón đàn cháu đi học trở về.

Gia đình khó khăn, 3 người con ông Ba Tích có chứng nhận hộ nghèo, thế nhưng ông có cách rất hay để giáo dục con cháu thành người hiếu thảo, lễ phép. "Tôi hiếu thảo, lễ nghĩa với cha mẹ tôi và cha mẹ vợ, các con, cháu nhìn vào và tự động học theo", cụ ông kể.

Bên trong gian nhà nhỏ xíu, cổ kính được xây dựng từ nhiều chục năm về trước, có cả trăm chiếc giấy khen, bằng khen của ông Ba Tích và con cháu. Ngay ngoài cửa bước vào là một hàng chữ viết bằng mực đen, rất nổi bật "Các con ngủ dậy sớm, đi làm đúng giờ công ty", ký tên ông Tích.

Đáng chú ý, gia đình ông Tích 3 năm được cấp giấy khen "Gia đình hiếu học". Hoàn cảnh khó khăn như thế nào, cụ ông nông dân quanh năm trồng rau muống, rau nhút vẫn cho các con học hành hết lớp 12, có nhiều người con cũng có bằng tốt nghiệp trường cao đẳng. "Cho con vàng bạc không quý bằng cho chúng được học hành tử tế", là tâm niệm cả đời ông Ba Tích.

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 9.

THÚY HẰNG

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 10.

Các cháu của ông Ba Tích học giỏi, trong ảnh là 2 chị em Ngọc Trinh và Minh Quân

THÚY HẰNG

Đến bây giờ, có 19 đứa cháu thì tâm niệm ấy lại được ông Ba Tích truyền sang các cháu. Sáng trưa, tối muộn, nắng hay mưa, nước đầy hay nước cạn, ông cụ 72 tuổi vẫn không quản ngại chèo ghe đưa rước các cháu qua bên kia bờ, đi học nên người.

"Các con, cháu tôi nơi này ai cũng mong có một cây cầu để qua lại cho đỡ hiểm nguy, cực khổ nhưng nghe nói khu này đang ở trong quy hoạch, nên chưa biết như thế nào", cụ ông trầm ngâm.

Xem nhanh 12h: Vạch trần thủ đoạn giả mạo sâm Ngọc Linh | Món lợi ‘khủng’ của ông trùm sới bạc

Nhiều cháu có huy chương vàng

16 đứa cháu đang trong độ tuổi đi học của ông Ba Tích đều có thành tích học tập tốt, đáng chú ý, nhiều em còn giành nhiều huy chương vàng, bạc, đồng trong các giải thể dục thể thao của xã, huyện Bình Chánh và của thành phố.

Tiêu biểu như em Nguyễn Vũ Minh Diễm, đang là học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM. Mới đây, Diễm giành huy chương vàng giải thể thao học sinh TP.HCM môn võ cổ truyền. Trong năm học 2021-2022, Diễm giành 2 huy chương đồng cũng với môn thể thao này, cấp TP.HCM.

Anh Ngô Tấn Cang, tổ trưởng tổ dân phố 13.2, ấp 5 xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM cho biết: "Chú Ba Tích là nông dân giỏi, nghệ nhân có nhiều thành tích cho địa phương. Mặc dù nhà ở bên sông, đi lại vất vả, hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn chèo ghe mỗi ngày, đưa đón con cháu. Đáng khen là các cháu của chú Ba Tích học tập tốt, ngoan ngoãn, hiếu thảo".

Em Lê Ngọc Trinh đang là học sinh lớp 8, Trường THCS Tùng Thiện Vương. Trinh từng giành huy chương vàng môn bóng ném giải thể thao huyện Bình Chánh; huy chương bạc Hội khỏe Phù Đổng TP.HCM môn bi sắt và nhiều huy chương khác với môn bi sắt, bóng ném.

Ngọc Trinh học rất giỏi môn ngữ văn. Trong bài kiểm tra cuối kỳ 1 năm học này, Ngọc Trinh được 10 điểm môn ngữ văn, còn bài kiểm tra giữa kỳ 2 mới đây em giành 9,5 điểm. "Đề bài viết văn là thuyết minh về một món ăn em yêu thích ngày tết. Em viết về món thịt kho hột vịt của bà ngoại. Bà ngoại đã mất, nhưng chưa bao giờ bà không còn sống trong trái tim của em. Lúc nào em cũng nhớ tới hình ảnh bà cắt rau muống, dạy chúng em tập bơi, nấu nướng", Ngọc Trinh xúc động.

Em trai của Ngọc Trinh là Lê Minh Quân, đang học lớp 6 Trường THCS Tùng Thiện Vương, là thủ môn trong đội bóng của trường, từng giành huy chương bạc môn bóng đá, giải bóng đá học đường huyện Bình Chánh năm học 2020-2021…

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 12.

Cụ ông Ba Tích cả đời chèo ghe chở con, cháu qua sông, nuôi dạy con cháu nên người

THÚY HẰNG

Minh Quân và Ngọc Trinh cho biết nếu kể về ông và bà, 2 hình ảnh các em nhớ nhất là ông lội bùn, đẩy ghe cho các cháu qua rạch Bà Lớn để đến trường còn bà - khi còn sống - bà dạy các cháu tập bơi, chèo ghe từ khi các cháu mới học lớp 3. Những điều đó càng thôi thúc các em - những đứa trẻ ở cù lao ấp 5 này càng phải học giỏi hơn, không phụ lòng người thân.

Tối muộn, cù lao tối thẫm, gió lùa vào những vạt dừa nước, tràm, mắm bên nhà ông Ba Tích mát rượi. Điện thoại đổ chuông, cô con gái làm ca muộn, nhờ ông rước giùm đứa cháu vừa học thêm về, đang đợi ở bên kia sông, ông Ba Tích lại tất tả, đi luôn chân trần, chèo ghe. Mặt sông loang loáng ánh trăng. Chiếc ghe tròng trành chút rồi bơi ra giữa rạch. Bên kia sông, tiếng vài đứa nhỏ xôn xao ngóng chờ ông ngoại…

Cụ ông TP.HCM chèo ghe đưa đón 16 đứa cháu đi học mỗi ngày - Ảnh 13.

Vị trí cù lao (khoanh đỏ) nơi gia đình cụ ông Ba Tích ở

CHỤP MÀN HÌNH GOOGLE MAPS

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.