Với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Học kỹ thuật thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc có cần năng khiếu?", chương trình tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 15.3 đã cung cấp cho thí sinh những thông tin cụ thể và hết sức cần thiết về ngành học này trong giai đoạn sắp tới.
Thí sinh tham gia thi năng khiếu tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM trong các kỳ tuyển sinh trước |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Yêu cầu về năng khiếu
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: "Trong nhóm ngành đào tạo đặc thù năng khiếu có hai lĩnh vực: mỹ thuật (nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật nghe nhìn, thiết kế đồ họa); và kiến trúc xây dựng (ngành kiến trúc, thiết kế nội thất, ngành xây dựng, quản lý xây dựng)".
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu |
"Kiến trúc và xây dựng thì nhiều ngành hiện nay chưa đưa môn năng khiếu vào. Nhưng theo tôi yếu tố năng khiếu (vẽ) là một trong những yếu tố cần thiết của người học. Nhưng đây không phải là tất cả, sự kiên trì và cần cù trong học tập và rèn luyện là yếu tố rất cần thiết. Đối với vẽ thiết kế, nhiều người cho rằng là kỹ năng có được từ rèn luyện. Điều này giúp nhiều thí sinh có thể tự tin chọn học những ngành của lĩnh vực này. Những ngành thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đều có xét tuyển bằng kết quả môn thi năng khiếu. Và trước mỗi đợt thi trường đều tổ chức ôn thi, thí sinh có thể tham gia thi ngay tại trường", tiến sĩ Lưu nói.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Từ Phú Đức |
Thạc sĩ, kiến trúc sư Từ Phú Đức, Trưởng khoa Thiết kế và nghệ thuật Trường ĐH Hoa Sen, lưu ý: "Nhiều thí sinh hỏi: Không có năng khiếu, chỉ có đam mê học được không? Tôi cho rằng năng khiếu quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định. Bên chúng tôi, từ 5 năm về trước, lúc trước có thi xét tuyển năng khiếu, nhưng giờ không thi năng khiếu, vì chúng tôi nghĩ ai cũng có tiềm năng, chúng tôi sẽ đẩy các em lên. Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt, giáo dục khai phóng. Chúng tôi xét tuyển, phỏng vấn, thấy các bạn có tiềm năng, đam mê thì sẽ đào tạo, nhưng quan trọng là thí sinh phải có tố chất dấn thân, thể hiện, đam mê. Ở Trường ĐH Hoa Sen, 50% các bạn đi học, 50% là trải nghiệm thực tế, dấn thân và khổ luyện".
thạc sĩ Lương Xuân Hiếu |
Bên cạnh đó, thạc sĩ Lương Xuân Hiếu, quyền Trưởng khoa Kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Duy Tân lưu ý: "Năng khiếu là vấn đề trăn trở chung của nhiều thế hệ học sinh khi đăng ký vào các ngành học thiết kế"
"Chất lượng của một sản phẩm thường được đánh giá ở kết quả cuối cùng chứ không ai đánh giá năng khiếu. Nếu như trước đây chúng ta thường vẽ bằng tay thì yếu tố năng khiếu rất quan trọng, nhưng ngày nay yếu tố kỹ thuật đã hỗ trợ rất nhiều bằng công nghệ nên nhiều trường bây giờ đã bỏ yêu cầu điểm vẽ khi xét tuyển đầu vào. Tất nhiên, đây là những ngành đặc thù nên cần phải có đam mê, nhiệt huyết thì sinh viên mới dễ dàng theo đuổi được đến cùng. Dĩ nhiên, nếu có năng khiếu vẽ thì đó là một lợi thế", ông Hiếu chia sẻ.
Đa dạng phương thức xét tuyển
Đối với lĩnh vực nghệ thuật, tiến sĩ Lưu cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh 5 ngành, ngoài môn văn cần thi 2 môn năng khiếu (môn thi tổng hợp liên quan ngành, và phần thi năng khiếu như hát, piano).
"Với mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có ngành thiết kế đồ họa. Còn kiến trúc thì chúng tôi có ngành kiến trúc, thiết kế nội thất, các tổ hợp môn có liên quan môn năng khiếu. Môn thi năng khiếu: chúng tôi có 4 đợt (3 đợt đã chốt thời gian, sau đó nếu chưa tuyển đủ, chúng tôi sẽ tuyển thêm đợt thứ 4). Phương thức tuyển sinh: chúng tôi cũng sử dụng kết quả môn thi năng khiếu tương ứng của các trường ĐH khác mà học sinh đã tham gia. Chúng tôi cũng xét điểm học bạ, điểm tốt nghiệp THPT, điểm đánh giá năng lực ĐHQG, ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT", ông Lưu thông tin.
Thạc sĩ-KTS Đức thông tin: "Trường ĐH Hoa Sen có 8 ngành, trong 2 năm vừa qua thì khoa có 2 ngành mới là nghệ thuật số, phim… Đây là ngành mô phỏng không gian kiến trúc trong không gian ảo, để khách hàng có thể tham quan sản phẩm bằng không gian ảo hoặc tổ chức show diễn thời trang ảo… Liên quan đến thiết kế đồ họa, chúng ta cũng có thể thấy được từ những ý tưởng có thể chuyển thành tác phẩm 2D, 3D, mô hình mô phỏng… Còn ngành phim thì sinh viên được học tất cả những yếu tố tới phim ảnh như đạo diễn, biên tập… Những ngành có liên quan đến yếu tố thiết kế, sáng tạo và nghệ thuật hiện được ứng dụng bằng công nghệ rất nhiều nên người học có thể tự tin thể hiện sản phẩm, ý tưởng của mình và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh khi tốt nghiệp ra trường. Thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng rất nhiều hình thức khác nhau như xét học bạ, điểm kỳ thi THPT, kết quả đánh giá năng lực…".
Thạc sĩ Hiếu thông tin, Trường ĐH Duy Tân đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực cử nhân tới tiến sĩ, với tổng cộng hơn 70 chuyên ngành
"Chúng tôi tuyển thẳng cho các bạn từ học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, học sinh trường chuyên mà có thành tích giỏi… Phương thức xét tuyển khác là xét tuyển bằng học bạ. Đánh giá học sinh cả một quá trình rất quan trọng. Hình thức kế tiếp là điểm thi tốt nghiệp THPT. Các bạn có thể đăng ký hồ sơ qua online trên trang web; sau đó gửi hồ sơ đăng ký qua bưu điện", ông Hiếu chia sẻ.
Với khối ngành thiết kế, Trường ĐH Duy Tân có kiến trúc công trình, kiến trúc nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang. Ông Hiếu cho biết thêm: "Chúng tôi có chương trình kiến trúc chất lượng cao, hợp tác với ĐH bên Mỹ, đào tạo song ngữ, để các bạn làm tốt chuyên môn, nâng cao khả năng tiếng Anh. Về các môn năng khiếu, trong các tổ hợp xét tuyển, chúng tôi vẫn xét môn năng khiếu như vẽ. Chúng tôi coi môn vẽ như một môn điều kiện, chứ không giới hạn điểm sàn của môn vẽ này. Các bạn có điểm môn vẽ, và điểm 2 môn khác, đủ sàn và chuẩn thì trúng tuyển.
Các bạn có thể thi năng khiếu tại Trường ĐH Duy Tân (vào tháng 5 và 7), từ năm ngoái chúng tôi cũng cho phép thi vẽ mỹ thuật online, kết quả được công nhận. Năm nay để hỗ trợ các bạn ở xa, không có điều kiện học vẽ, các bạn được học vẽ trực tuyến miễn phí trong cả nước. Các bạn đăng ký trên Fanpage của trường.
Cơ hội xét tuyển ngành nội thất
Một thí sinh đặt câu hỏi: "Em thi ngành kiến trúc nhưng muốn học thêm về ngành nội thất, như vậy có được không? Có hội nào cho sinh viên được học song ngành, liên ngành?".
Đáp lại, tiến sĩ Lưu cho biết: "Đây là 2 ngành khá gần với nhau. Đối với các trường ĐH, việc sinh viên theo học ngành thứ 2 là điều bình thường và mỗi trường có những điều kiện cụ thể, trong đó kết quả học tập và khả năng của sinh viên là yếu tố tiên quyết. Dĩ nhiên, đối với những môn trùng nhau ở 2 ngành thì sinh viên sẽ được công nhận, vì vậy nhiều sinh viên đã lựa chọn học cùng lúc hơn một ngành. Ngoài ra, để tốt nghiệp được ngành thứ 2 thì sinh viên phải tốt nghiệp được ngành thứ nhất trước. Đây là quy định chung của Bộ GD-ĐT khi học song ngành, liên ngành".
Ngoài ra, theo ông Lưu, sinh viên có thể thay đổi lựa chọn ngành học phù hợp nếu lựa chọn của các em tương đương hoặc phù hợp với năng lực của các em. Riêng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng xây dựng các chương trình đào tạo “lai ghép” giữa các ngành để sinh viên có kiến thức đa ngành khi ra trường. Đặc biệt là những ngành liên quan đến quản trị, công nghệ thông tin.
Học thiết kế thời trang thì có phải lúc nào cũng ăn mặc đẹp?
Đó là câu hỏi của một thí sinh đưa ra trong chương trình. Trả lời câu hỏi này, ông Đức cho biết: "Trường ĐH Hoa Sen có khoa thiết kế thời trang. Đây là điểm sáng của trường, hợp tác với chuyên gia từ Pháp, đào tạo hơn 12 năm qua. Các em có thể sang Pháp học thêm. Chúng tôi cũng có hợp tác với một trường, đào tạo kinh doanh thời trang".
Theo ông Đức, sinh viên học thiết kế thời trang sẽ được học về kỹ thuật để tạo ra một bộ đồ nhưng để phân phối đến người tiêu dùng thì cần phải biết thêm về trình diễn thời trang và kinh doanh thời trang. "Trường ĐH Hoa Sen có nhiều sinh viên đã nổi tiếng, giành chiến thắng trong các cuộc thi thiết kế thời trang cho tới những đấu trường sắc đẹp. Khi các bạn đam mê học thời trang, thì đều có năng khiếu. Ngành học này các em mang sắc đẹp cho người khác, từ đó trau chuốt cho chính bản thân mình. Nếu không trở thành người thiết kế thời trang nổi tiếng thì bạn cũng có thể kinh doanh nhiều chuỗi thời trang", ông Đức nói.
Bên cạnh đó, ông Hiếu lưu ý không chỉ thiết kế thời trang, kiến trúc… mà xu hướng chung thì nhu cầu làm đẹp, hưởng thụ vẻ đẹp càng ngày càng tăng lên. "Từ thiết kế trang phục, nhà cửa cho đến sản phẩm đều phải được đầu tư chất xám. Việc chọn học ngành nào thì còn tùy thuộc vào năng khiếu, sở thích của mỗi người. Nhưng theo tôi thì ngành thiết kế thời gian tới sẽ có nhu cầu nhân lực rất lớn", ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, ĐH Duy Tân có rất nhiều ngành được các doanh nghiệp đặt hàng như ngành xây dựng, môi trường, kiến trúc công trình, kiến trúc nội thất… Năm nay, trường còn cấp học bổng 30% học phí toàn khóa học cho sinh viên theo học những ngành thiết kế.
Kỳ thi năng khiếu riêng của các trường ĐH
Tiến sĩ Lưu thông tin, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức kỳ thi năng khiếu của trường. "Năm nay, dự kiến chúng tôi tổ chức thi năng khiếu trực tiếp, nhưng cũng có thể xen kẽ trực tiếp và trực tuyến. Nếu thi trực tuyến cần máy tính, camera, micro để đối thoại với giám khảo".
Về phía Trường ĐH Duy Tân, ông Hiếu cho biết: "Năm nay phần thi năng khiếu chỉ có một đề, thi vẽ tĩnh vật. Những bạn từng học vẽ thì rất đơn giản, còn những bạn chưa từng học thì có thể vào website của trường để đăng ký học theo hướng dẫn của trường, hoặc học thêm trên mạng. Riêng ĐH Duy Tân đều có xét tuyển các khối ngành thiết kế bằng môn vẽ, và xem đây là một môn trong tổ hợp xét tuyển".
Còn Trường ĐH Hoa Sen thì không tổ chức thi năng khiếu và thí sinh chỉ gửi về ban tuyển sinh phần hình ảnh, thông tin, làm sao qua đó thể hiện mong muốn, nguyện vọng của các bạn, theo ông Đức.
Bình luận (0)