Sáng 6.5, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cùng thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa và Bí thư quận ủy Q.9 Lâm Đình Thắng (tổ ĐBQH đơn vị số 1) đã có buổi tiếp xúc với các cử tri Q.1, Q.3, Q.4.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP.HCM quan tâm nhiều đến công tác cán bộ; gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng sau dịch bệnh Covid-19 và nhiều vấn đề khác đang gây bức xúc trong thời gian qua.
"Đừng thấy đỏ tưởng chín"
Về công tác cán bộ, cử tri Hoàng Thị Lợi (P.Bến Nghé, Q.1) nhắc lại lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đừng thấy đỏ mà tưởng chín” và cho rằng đó là những điều người dân "cảm thấy rất sâu sắc".
“Vì vậy, để chọn người người có đức có tài tham gia bộ máy nhà nước, cần lưu ý: xem xét hiệu quả công tác trong thời gian làm việc; uy tín đối với nhân dân, cách đối nhân xử thế... Cần xem xét kỹ vai trò ban kiểm tra các cấp để lựa chọn người có đức có tài cho dân”, cử tri Hoàng Thị Lợi nêu ý kiến.
|
Ngoài ra, cử tri Hoàng Thị Lợi đề nghị kỳ bầu cử đại biểu sắp tới nên tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm, vì 1 trong 3 chức năng của ĐBQH là giám sát, nhưng trong thời gian vừa rồi, công tác giám sát chưa được như ý.
Về chức năng giám sát của ĐBQH, cử tri Hoàng Mạnh Chiến (P.11, Q.3) nêu: “Vai trò Đoàn ĐBQH tại từng địa phương quan trọng lắm, nhưng nhiều năm qua, TP.HCM vẫn tồn đọng những vụ việc hàng chục năm dân kêu, từ tóc còn xanh đến bạc đầu. Như vậy là Đoàn ĐBQH vẫn chưa nắm hết tình hình".
Cử tri Hoàng Mạnh Chiến đề nghị "ĐBQH phải đi sâu, đi sát vào cuộc sống của người dân, nắm bắt tình hình, hiểu được và phản ánh đến Quốc hội ”.
Trả lời các ý kiến trên của cử tri TP.HCM, ông Trần Lưu Quang cho biết ông "rất tâm đắc với ý kiến về công tác cán bộ của cử tri Hoàng Thị Lợi".
Ông Trần Lưu Quang cho rằng hiện nay việc tinh giảm biên chế, tăng cường hiệu quả năng lực của các nhóm, ngành, lĩnh vực trong bộ máy hành chính đang chuyển biến tốt, hợp lý hơn, hiệu quả hơn.
Về vai trò của Đoàn ĐBQH TP.HCM nói riêng và Đoàn ĐBQH nói chung, mặc dù có những ý kiến cho rằng "vai trò chưa tốt", nhưng theo ông Trần Lưu Quang, quan điểm này là "hơi hẹp".
Chẳng hạn trước đây ĐBQH TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đồng hành câu chuyện Thủ Thiệm từ ngày đầu và ông Quang cho biết mình đã chứng kiến bà Quyết Tâm "rất tâm huyết, rất trách nhiệm".
"Hiện nay vấn đề cơ bản ở Thủ Thiêm là kết hợp thanh tra xử lý sai phạm, kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM tính toán lại các bước, một mặt giải quyết khiếu kiện của bà con, một mặt tạo điều kiện phát triển dự án theo đúng mục tiêu ban đầu trở thành một phần khu đô thị phía Đông", ông Trần Lưu Quang cho biết.
Cần giám sát oan sai hơn là... xây tượng đài
Tại buổi tiếp xúc, một cử tri ở Q.3 cho biết mình đang bức xúc khi ngành tòa án đưa ra lựa chọn biểu tượng công lý và dự định dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở tòa án tối cao.
Theo cử tri này “việc quan trọng hiện nay của ngành tòa án là tăng cường giám sát làm sao đừng để án tồn đọng, đừng để xảy ra án oan, lọt án lâu dài như vụ án Đường “Nhuệ” Thái Bình" chứ không phải là bàn chuyện xây tượng đài, biểu tượng nào...
|
Trao đổi về ý kiến này, ông Trần Lưu Quang cho biết vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nên ngành tòa án coi vua Lý Thái Tông như "ông tổ" của ngành.
“Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, mọi nguồn lực đang được tập trung cho phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc dựng tượng cần cân nhắc, dung hòa nhiều mặt cho hợp lý”, ông Quang đánh giá, đồng thời cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của cử tri, chuyển đến Chánh án TAND tối cao.
Đối với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cử tri Phan Thị Oanh (P.Bến Thành, Q.1), đề nghị TP.HCM trước khi thực hiện gói 62.000 tỉ đồng cần lấy ý kiến người dân địa phương, đồng thời thực hiện đồng bộ, tránh so sánh địa phương này với địa phương khác.
Cử tri Vũ Viết Mùi (P.6, Q.4) cũng mong mỏi Quốc hội tạo điều kiện để dự án Metro số 2 được thực hiện đúng tiến độ…
|
Bình luận (0)