'Cửa an toàn' với Covid-19 ngày càng hẹp

26/03/2020 03:56 GMT+7

“Cửa an toàn” với Covid -19 của Việt Nam ngày càng hẹp hơn khi xuất hiện lây nhiễm chéo ở cơ sở y tế, có lây nhiễm chéo trong cộng đồng, có nguồn bệnh “ẩn” chưa xác định được...

Cảnh báo lây nhiễm chéo

Ngày 25.3, Bộ Y tế thông báo thêm 7 bệnh nhân (BN) Covid-19 là các BN từ thứ 135 - 141 tại Việt Nam. Trong số này, BN thứ 141 (là bác sĩ, nữ, 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2) bị lây khi thao tác thiết lập máy thở cho BN thứ 28; bị phơi nhiễm cùng ngày với một bác sĩ khác cùng làm việc tại khoa này (BN thứ 116).

Việt Nam có 148 bệnh nhân Covid-19 sau khi liên tiếp công bố 7 ca bệnh mới

Bộ Y tế cho biết đến tối 25.3, trong số các BN đang điều trị, đã có 26 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 7 BN xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 2. Tuy vậy, vẫn có 3 trường hợp trong tình trạng “rất nặng”, đang được điều trị tích cực tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2.
Với việc 2 BV lớn, tuyến đầu trong chống dịch, là BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 và BV Bạch Mai, để xảy ra lây nhiễm chéo, mối lo trong chống dịch của Việt Nam tăng thêm một mức.

Sân bay Nội Bài ngừng nhận các chuyến bay quốc tế

Tối 25.3, Bộ GTVT có công văn hỏa tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam, yêu cầu thông báo ngay đến tất cả hãng hàng không tạm dừng vận chuyển hành khách là công dân Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 26.3 đến hết ngày 31.3.   
Mai Hà
Sáng 25.3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì buổi họp với BV Bạch Mai về chống dịch, sau khi ít nhất 3 trường hợp dương tính tại BV này được xác nhận. Theo lãnh đạo BV, có 243 người liên quan đến 2 BN thứ 86 và 87 (2 điều dưỡng của BV) đang được cách ly, kết quả xét nghiệm 2 lần đều âm tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, còn 252 người khác đang bị cách ly liên quan BN 133, gồm 162 nhân viên và học viên; 90 BN và người chăm sóc BN tại khoa thần kinh. BV Bạch Mai sẽ làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho gần 4.000 cán bộ, nhân viên BV và gần 1.000 BN nội trú; hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm trước 29.3.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu BV Bạch Mai thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế; kiểm soát các nguy cơ lây lan ra cộng đồng...

Hàng quán quanh Bệnh viện Bạch Mai vắng hoe sau khi 2 điều dưỡng nhiễm virus corona

Cũng trong chiều 25.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo có 2 trường hợp liên quan đến Khoa Thần kinh của BV Bạch Mai đã được Hà Nội xác định dương tính với SARS-CoV-2. Đó là một BN 88 tuổi ở H.Văn Lâm (Hưng Yên), nằm cùng phòng với BN 133; và con dâu của người này (trú ở P.Thượng Thanh, Q.Long Biên, Hà Nội).
“Riêng BV Bạch Mai đã có 5 trường hợp dương tính. BV này có đầy đủ yếu tố: dưỡng lão, bệnh nhân nặng, đông người qua lại... có nguy cơ cao trở thành ổ dịch; mà ổ dịch này có thể gieo rắc đến các tỉnh, vì BV có rất đông BN các tỉnh ra vào, và đã phát hiện ra BN ở Lai Châu và Hưng Yên rồi”, ông Chung cảnh báo, đồng thời yêu cầu phải cảnh báo rộng rãi đến người dân thông tin này để đề phòng.
Hiện nay, Hà Nội đã đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế giao cho Hà Nội thông báo ngay cho người dân đã đến BV Bạch Mai trong vòng 14 ngày qua theo dõi sức khỏe, tự cách ly và báo cho cơ sở y tế khi có các biểu hiện nhiễm bệnh (ho, sốt, khó thở); đề nghị BV Bạch Mai tổ chức khử khuẩn toàn bộ BV thường xuyên, có thể nhờ Bộ Tư lệnh Hóa học hỗ trợ... Đến chiều 25.3, nhiều phường, xã của Hà Nội đã lan tỏa thông tin này đến người dân.

Còn nhiều bệnh nhân hơn số được công bố

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, hiện số BN Covid-19 tại Hà Nội do Bộ Y tế công bố là 43, nhưng theo kết quả xét nghiệm của TP.Hà Nội thì đã có 52 trường hợp dương tính (do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã được xét nghiệm khẳng định).
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì cho rằng theo tính toán xác suất, hiện Hà Nội còn khoảng 20 người dương tính với SARS-CoV-2 đang “lang thang” trong cộng đồng, và qua rà soát công dân Việt Nam, người nước ngoài đến Việt Nam trước ngày 10.3 cho đến 12 giờ ngày 25.3, TP xác định có 3.042 người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài; đã lấy mẫu được 2.128, có kết quả 993 trường hợp, và phát hiện có 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Người Sài Gòn làm quen với lối sống khác khi tiệm cắt tóc đóng cửa chống Covid-19

Hôm nay công bố phác đồ điều trị bệnh Covid-19 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 25.3, Bộ Y tế cho biết đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, dự kiến sẽ ban hành trong hôm nay (26.3), sau đó tập huấn phổ biến cho các tuyến BV.
Theo Bộ Y tế, hiện mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000 - 10.000 mẫu và đang chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng lực xét nghiệm thời gian tới. Ban chỉ đạo cũng khẳng định trong giai đoạn hiện tại, cơ bản chúng ta có đủ máy móc, vật tư, trang thiết bị bảo hộ... để phục vụ điều trị cho người bệnh Covid-19; đồng thời, yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung xét nghiệm, sàng lọc tất cả trường hợp đang được cách ly tập trung, đặc biệt là những nơi có số lượng người cách ly lớn như Hà Nội, TP.HCM. Lực lượng quân đội hỗ trợ xét nghiệm cho các khu cách ly tập trung tại các tỉnh miền Trung.
Ban chỉ đạo nhận định, trong giai đoạn 1 chống dịch, các quốc gia phòng, chống dịch bệnh tốt đều cố gắng kéo dài nhất thời gian dịch bệnh lây lan dưới mốc 100 ca nhiễm bệnh. Tương tự, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2, phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm.
Chí Hiếu
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, từ khi phòng, chống dịch cho đến nay, “nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng ngày càng lớn hơn” và “cửa an toàn ngày càng hẹp hơn”; “nguy cơ trên địa bàn có những ổ dịch bệnh mang tính chất rất phức tạp, tiềm tàng bắt đầu phát triển”, đáng kể nhất là BV Bạch Mai.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội hiện có đầy đủ các yếu tố có thể bùng phát ổ dịch theo kinh nghiệm của nước ngoài: tập trung đông người, sinh hoạt tôn giáo, viện dưỡng lão, BV có lây chéo... Có 4 nguồn lây nhiễm lớn tại thủ đô, gồm: lây nhiễm chéo từ BV Bạch Mai; nguồn lây nhiễm từ khách du lịchngười Việt Nam về nước trước 0 giờ ngày 14.3; nguồn trong nước (như BN 86); và nguồn từ các y tá, bác sĩ tham gia vào quy trình khám chữa bệnh và tổ chức cách ly, mà đến nay chưa phát hiện được. Ông Chung yêu cầu tất cả y tá, bác sĩ của các BV trên toàn TP phải tuân thủ đúng quy định; sau khi khám chữa bệnh và lấy mẫu phải tổ chức ăn ở tập trung và cách ly đến 14 ngày sau khi BN cuối cùng đã âm tính.
“Mọi người phải tự nhận thức được là chúng ta chỉ có một cách phòng ngừa tốt nhất là mọi người phải ở trong nhà. Chúng ta có ưu điểm hơn Vũ Hán (Trung Quốc - PV) và các nước châu Âu là tỷ lệ đeo khẩu trang lớn hơn; nhưng mà mật độ đi lại của chúng ta đông hơn, và có hình thức tập trung lớn hơn; cho nên, nguy cơ lây nhiễm đang là rất lớn”, ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.