Là tác giả của những cuốn sách gây tiếng vang lớn tại văn đàn Trung Quốc như Cửa sinh, Sơn tiêu ngư, Mắc kẹt ở Hàng Châu, Sổ bay bắt yêu…, Nghĩ Nam Giới từ lâu được đánh giá cao về khả năng khai thác sự méo mó trong tâm lý con người qua màu sắc văn chương huyền ảo và bầu không khí bất thường.
Trong số đó, Cửa sinh là tác phẩm nổi tiếng nhất của anh, xoay quanh một nhóm 6 người cố gắng khám phá nguyên nhân một vụ án mạng đã từng xảy ra 13 năm trước ở một mỏ than. Họ gồm 4 người bạn thân, 1 cậu em họ và bạn trai cũ của nạn nhân này.
Vào một ngày nọ, một thông điệp được gửi đến cho 6 người kêu gọi họ về lại thôn Bạch Thủy để gặp lại nhau. Tuy vậy, khi đã đến nơi, họ nhanh chóng rơi vào "trò chơi" phải tìm cho ra ai đã đứng sau vụ án mạng kia, khi chỉ còn 2 ngày nữa thì vùng thôn quê sẽ bị nhấn chìm trong đợt trữ nước của đập thủy điện Phụ Xương. Liệu họ có thoát khỏi đó, và ai đang đứng đằng sau mưu mô nói trên?
Ở tác phẩm này, điểm nổi bật nhất là tác giả Nghĩ Nam Giới đã dùng motif cốt truyện lặp đi lặp lại bởi một vòng lặp vô tận có phần mới lạ để làm nền móng cho nhịp điệu phá án. Mang đậm tính huyền ảo, tác giả đã cho nhân vật rất nhiều lựa chọn, mà mỗi lần họ hành động thì kết quả sẽ lại đưa ra lớp dữ kiện mới.
Điều này tương tự khái niệm "ouroboros" (con rắn cắn đuôi) trong nhiều nền văn hóa, ý chỉ về sự vô tận. Trong cuốn sách, mỗi một ngày thì các nhân vật vẫn sẽ trở lại dòng thời gian cũ, từ đó có những diễn tiến trong chính quá trình tìm ra manh mối. Đây có thể xem là yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn, khi cách phá án, như đã nói trên, tương đối mới lạ và khá hiếm thấy trong dòng văn này.
Nghĩ Nam Giới cũng lồng ghép rất tốt nhiều dấu ấn địa phương, chẳng hạn như việc kể lại truyền thuyết Quỷ Núi – loài linh vật chuyên bắt chước tiếng cười trẻ con và thường bắt người dân nông thôn để ăn thịt. Nguyên nhân của vụ án mạng trên liệu do con người hay sinh vật này gây ra cũng là một thắc mắc lớn chờ được giải đáp.
Ngoài ra, việc thiếu nhân vật phá án cũng giúp cho cuốn tiểu thuyết thoát khỏi motif truyền thống của dòng trinh thám. Theo đó, cả 6 người sẽ cùng tham gia vào quá trình này, để rồi tự mình bộc lộ chính con người thật cũng như quan điểm về người còn lại. Điều này tương tự các tác phẩm sinh tồn, đẩy nhịp tác phẩm thêm phần gấp rút và khó đoán định được bước tiếp theo.
Về mặt phong cách, Cửa sinh cũng được viết ra với mạch văn nhanh, ngắn, gãy gọn, khiến cho câu chuyện không bị nhàm chán mà lại cuốn hút. Thêm vào đó, việc bổ sung hạn định của motif lặp đi lặp lại và mối nguy lớn hơn khi đập xả nước chuẩn bị tràn xuống... cũng khiến người đọc không thể rời mắt khi các trang sách đi đến cuối cùng.
Với 6 cá nhân và những khúc mắc của nhân vật chính cũng như giữa từng người, một mạng lưới nghi hoặc cũng được dệt nên, khiến cho tác phẩm trở nên đa tầng và các bí mật vẫn được giữ nguyên cho đến sau cùng. Điều này tạo nên thành công cho tác phẩm, khi những tội ác chồng chéo lên nhau, không dễ giải quyết.
Kết thúc tác phẩm, tác giả cũng bổ sung thêm một phần ngoại truyện về những người vớt trăng – ý chỉ những người thợ lặn lặn xuống nơi từng là thôn quê trước khi bị nhấn chìm bởi đập trữ nước. Tại đây, motif cũ xưa tiếp tục xuất hiện, phần nào cho thấy được sự phức tạp của nhân tính và dục vọng không đáy của con người cho đến cuối cùng vẫn luôn còn đó...
Bình luận (0)