Theo Cục ATTP, ngày 17.8, sau khi Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông công bố kết quả nghiên cứu về an toàn và chất lượng dinh dưỡng trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức trên trang thông tin điện tử, 2 ngày sau, ngày 19.8, cơ quan này đã liên lạc với đầu mối Hệ thống các cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) của Hồng Kông để nắm thông tin.
Theo đó, chất 3-MCPD và GE được tìm thấy trong 15 sản phẩm dinh dưỡng công thức là những chất sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm và có thể có trong một số thực phẩm.
Cung cấp thêm thông tin liên quan đến chất này, Cục ATTP cho biết hiện tại Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) và các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Singapore và châu Âu (EU) chưa đưa ra tiêu chuẩn về 3-MCPD trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức.
Theo quy định về “Lượng ăn vào hằng tuần tạm thời chịu đựng được (PTWI)” do Ủy ban Hỗn hợp các chuyên gia FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) xây dựng đối với 3-MCPD, thì lượng 3-MCPD được phát hiện trong nghiên cứu của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông đều thấp hơn PTWI khi sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn trên nhãn.
Ngoài ra, quy định đối với GE, Cục ATTP thông báo hiện Codex cũng như các nước Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Singapore đều không đặt ra tiêu chuẩn về GE trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức. Riêng EU có quy định giới hạn tối đa đối với GE trong sản phẩm dinh dưỡng công thức, nhưng với GE được phát hiện trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức trong báo cáo của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông cho thấy đều đạt tiêu chuẩn của EU.
Từ đó, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP, khẳng định: “Qua các thông tin chính thống, các sản phẩm có thông tin gây nghi ngại nêu trên đều đảm bảo an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý của Hồng Kông, các tổ chức quốc tế và các cơ quan quản lý của các quốc gia khác để cập nhật những thông tin mới nhất về các quy định đối với 3-MCPD và GE, và thông báo tới người tiêu dùng được biết để lựa chọn sản phẩm phù hợp”.
Thực tế, khi có một tổ chức uy tín nào công bố khảo sát hoặc nghiên cứu tìm thấy chất gây nguy hiểm cho sức khỏe trong các sản phẩm sữa, ngay lập tức, các cơ quan điều tra vào cuộc tìm hiểu, nếu cần sẽ tiến hành cho ngưng bán hoặc thu hồi sản phẩm bị lẫn chất nguy hại.
Đầu năm 2019, một cuộc điều tra đã được tiến hành tại Pháp để tìm ra mối liên quan giữa các trẻ bị nhiễm Salmonella Poona với việc sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng công thức. Đã có 12 sản phẩm dinh dưỡng công thức thuộc 22 lô có nguy cơ nhiễm Salmonella Poona đã nhập vào Việt Nam trong năm 2017 và 2018. Khi đó, Cục ATTP đã liên hệ với công ty nhập khẩu các sản phẩm nói trên tại Việt Nam để thu hồi toàn bộ các lô sản phẩm bị cảnh báo.
Bình luận (0)