Cục diện chiến trường Ukraine sau khi Washington tái viện trợ

Bảo Vinh
Bảo Vinh
23/04/2024 05:26 GMT+7

Gói viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine trong trường hợp được thông qua sẽ là cú huých về mặt tinh thần cho Kyiv nhưng khó tạo ra thay đổi trên chiến trường tức thì.

Ukraine sắp gặp khó

Không quân Ukraine hôm qua 22.4 thông báo đã phá hủy 6 máy bay không người lái (UAV) được Nga phóng đến trong đêm. Đồng thời, Moscow còn tấn công bằng 3 quả tên lửa dẫn đường nhưng Kyiv không nêu rõ thiệt hại từ đợt công kích này.

Pháo tự hành 2C22 của Ukraine khai hỏa tại vùng Kharkiv ngày 21.4

Pháo tự hành 2C22 của Ukraine khai hỏa tại vùng Kharkiv ngày 21.4

AFP

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây được đăng tải cùng ngày, Giám đốc Tổng cục Tình báo - Bộ Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov dự báo quân đội sẽ gặp khó khăn từ giữa tháng 5 nhưng "không đến mức thảm họa". Cuộc phỏng vấn của vị tướng tình báo diễn ra hôm 19.4, ngay trước khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Gói viện trợ nhiều khả năng sẽ được Thượng viện và Nhà Trắng, đều thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân chủ, thông qua.

Ukraine nói Nga phóng 11.000 tên lửa, bom lượn trong năm 2024; NATO hứa giúp phòng không

Đó sẽ là lần đầu tiên sau 16 tháng Quốc hội Mỹ thông qua dự luật để cung cấp vũ khí cho Ukraine, theo Đài Sky News. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói việc trì hoãn viện trợ của Mỹ đã gây ra hậu quả thật sự nghiêm trọng cho Ukraine và cho hay Kyiv đã bị thua thiệt về mặt vũ khí so với Moscow với tỷ lệ 1-10 trong nhiều tháng qua.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell trong tháng này đánh giá Nga đã khôi phục gần như toàn bộ sức mạnh quân sự sau những thất bại vào thời gian đầu. Nga đã tận dụng lợi thế này để tiến hành nhiều đợt tấn công tại miền đông, giành được thị trấn Avdiivka hồi tháng 2 và đang tiến đến Chasiv Yar. Việc thiếu thốn vũ khí phòng không cũng khiến nhiều cơ sở hạ tầng của Ukraine bị công kích. Tổng công suất phát điện của Ukraine đã bị giảm xuống còn 12 gigawatt, thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

Các quan chức Lầu Năm Góc nói đang chuẩn bị lô vũ khí đầu tiên để cung cấp cho Ukraine ngay trong vài ngày sau khi gói viện trợ được thông qua. Theo Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Mark Warner, những vũ khí được viện trợ, gồm tên lửa tầm xa ATACMS, sẽ được chuyển đến vào cuối tuần nếu Thượng viện thông qua dự luật vào ngày 23.4 và Tổng thống Joe Biden ký ban hành sau đó một ngày.

Chưa có tác động ngay

Giới quan sát nhận định đó sẽ là liều thuốc tinh thần cần thiết cho quân đội Ukraine sau nhiều tháng chiến đấu trong cảm giác "bị cô lập và bỏ rơi" giữa những thất bại trên chiến trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định nguồn viện trợ mới sẽ chưa thể giúp tạo ra tác động tức thì hoặc cho phép Ukraine xoay chiều cục diện trên chiến trường trong năm 2024.

Viện trợ của Mỹ quan trọng, nhưng Ukraine cần thêm quân

"Sự viện trợ mới của Mỹ sẽ chưa bắt đầu tác động tình hình tiền tuyến trong nhiều tuần nữa. Do đó, tình hình có khả năng tiếp tục xấu đi trong thời gian này, đặc biệt là nếu lực lượng Nga tăng cường tấn công để chiếm lợi thế trong khoảng thời gian hạn chế trước khi viện trợ đến", các chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) phân tích. ISW dự báo Nga có thể sẽ tăng cường tấn công trong tương lai gần nhưng nếu Ukraine nhận được vũ khí kịp thời, họ có thể ngăn chặn được đợt tấn công đó.

"Điểm mấu chốt là nguồn tài trợ này có thể chỉ giúp ổn định vị thế của Ukraine trong năm nay và bắt đầu chuẩn bị cho các chiến dịch trong năm 2025", chuyên gia Matthew Savill thuộc Viện Nghiên cứu an ninh quốc phòng RUSI (Anh) nhận định.

Ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và hiện là giám đốc cấp cao tại Trung tâm Âu - Á thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), dự đoán các chỉ huy Ukraine sẽ sử dụng khẩn cấp nguồn viện trợ để "bịt những khoảng trống ngày càng lớn trong mạng lưới phòng không đang suy giảm dần" của nước này. Đồng thời, nguồn cung đạn pháo và tên lửa ATACMS mới cũng sẽ tạo tác động tích cực cho Kyiv trong chiến sự.

Nga cảnh báo xung đột hạt nhân

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22.4 nói rằng sự ủng hộ của Mỹ, Anh và Pháp dành cho Ukraine có thể tạo ra những rủi ro chiến lược nghiêm trọng và gia tăng mức độ của mối đe dọa hạt nhân, theo TASS. Nhà ngoại giao chỉ trích Mỹ và NATO vẫn đang mơ về việc gây ra thất bại chiến lược cho Nga và sẵn sàng tiếp tục chính sách ngăn chặn Moscow "bằng người Ukraine cuối cùng". "Phương Tây đang đi thăng bằng trên bờ vực nguy hiểm của một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, điều có thể gây hậu quả thảm họa", ông Lavrov nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.