Cùng cấp dưới lừa hơn 300 tỉ, cựu chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán chối tội

Trần Cường
Trần Cường
10/05/2022 10:43 GMT+7

Tại tòa, cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán SME phủ nhận cáo trạng, cho rằng mình không lừa đảo hàng trăm tỉ đồng như quy kết.

Sáng 10.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 2 xét xử 10 bị cáo trong vụ án lừa đảo hơn 300 tỉ đồng liên quan Công ty cổ phần chứng khoán SME (SMES).

Trong đó, 5 bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên của SMES bị xét xử tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Phan Huy Chí, cựu chủ tịch HĐQT; Phạm Minh Tuấn, cựu Tổng giám đốc; Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng giám đốc SMES chi nhánh TP.HCM; và 2 cựu cán bộ Nguyễn Phương Lan, Nguyễn Huy Sơn.

Cao Tuấn Nghĩa, cựu Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Anh, cũng bị xét xử với cùng tội danh.

Các bị cáo tại phiên tòa

D.T

4 bị cáo còn lại là cựu lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI), gồm: Chu Xuân Lai, cựu Tổng giám đốc; Lê Xuân Tân, cựu Phó tổng giám đốc; Vũ Xuân Công, cựu Phó ban dịch vụ tài chính; và Vũ Thị Hồng Lan, cựu Trưởng ban dịch vụ tài chính, cùng bị xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, SMES được thành lập từ năm 2006, với số vốn điều lệ khoảng 255 tỉ đồng. Từ tháng 4.2010 đến tháng 3.2011, do cần tiền để sử dụng cá nhân và trả nợ, các bị cáo Chí cùng cấp dưới đã tạo dựng khách hàng, xác nhận, phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao trong tài khoản giao dịch chứng khoán của các khách hàng,… để tạo niềm tin và chiếm đoạt của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) và PVFI, Ngân hàng thương mại cổ phần Habubank Hà Nội với tổng số tiền gần 300 tỉ đồng. Trong đó, riêng PVI đã bị chiếm đoạt hơn 107 tỉ đồng.

Tại tòa, ông Chí phủ nhận cáo buộc của Viện KSND Tối cao và cho rằng mình không đề ra chủ trương, không bàn bạc, chỉ đạo thuộc cấp cũng như không ký hợp đồng đầu tư với PVI để gây thiệt hại hơn 107 tỉ đồng cho công ty này.

Bị cáo Chí khai SMES cần vay tiền nhưng PVI là công ty bảo hiểm, không có chức năng cho vay nên phải tạo dựng 2 hợp đồng chứng khoán niêm yết để hợp thức. Toàn bộ thủ tục qua trung gian môi giới thực hiện, SMES chỉ làm theo tư vấn. Ông Chí cho rằng đây là giao dịch vay tiền dân sự và tự nhận thấy mình không sai.

Việc tạo dựng khách hàng, tạo khống mã chứng khoán không nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVI mà có sự thống nhất của hai bên, hợp thức việc PVI cho SMES vay tiền.

“Do PVI không có chứng năng cho vay nên 2 bên mới phải làm vậy. Nếu có gian dối thì là PVI chứ không phải bị cáo”, ông Chí khai và cho biết trước khi vụ án được đưa ra xét xử, ông đã trả đủ tiền cho PVI, do đó bị cáo này khẳng định mình "không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, cáo trạng thể hiện ông Chí mới khắc phục, trả lại cho PVI hơn 80 tỉ đồng.

Chủ tọa sau đó yêu cầu đại diện PVI đối chất về các khoản thanh toán SMES đã trả, nhưng do chưa chuẩn bị đủ các tài liệu, đại diện PVI xin được bổ sung sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.