Củng cố niềm tin trong nhân dân: Để tập hợp trí tuệ thì phải dân chủ

03/02/2020 07:41 GMT+7

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh công cuộc xây dựng Đảng với trọng tâm là cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.

* Thưa ông, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay đang được dư luận hết sức chú ý. Theo quan sát của ông, đây có phải giai đoạn Đảng quyết tâm chỉnh đốn và chống tham nhũng nhất trong lịch sử?

Ông Phạm Thế Duyệt

Ảnh: V.H

- Trong 90 năm qua, dù đạt những thắng lợi, kết quả lớn, nhưng Đảng bao giờ cũng quan tâm đến việc xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là cốt yếu để giữ được vai trò lãnh đạo, giữ uy tín với dân, tập hợp được toàn dân tộc. Đây là tư tưởng của Bác Hồ. Bác từng nói đừng tưởng hôm nay Đảng ta vĩ đại mà ngày mai vẫn tiếp tục vĩ đại.
Càng được dân tin bao nhiêu, càng làm được các chiến công lớn bao nhiêu thì công tác xây dựng Đảng là càng quan trọng bấy nhiêu. Bởi vì quy luật phát triển, chúng ta chỉ có một Đảng lãnh đạo, một Đảng duy nhất cầm quyền, nếu cứ dựa vào địa vị của Đảng mà không chỉnh đốn thì sẽ rơi vào quan liêu; rơi vào con đường địa vị, danh vọng; rơi vào chủ nghĩa cá nhân.
Tôi nhớ, tại cuộc triển khai hội nghị T.Ư 6 lần 2 khóa VIII với cán bộ toàn quốc (tức là Bí thư, Chủ tịch, các đồng chí ủy viên T.Ư để quán triệt nghị quyết), nói với hội nghị mà nói như một lời thề rằng Đảng này nhất định phải làm cho được việc giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh. Nhưng khi thực hiện lại rơi vào trầm lắng. Rồi những đại hội sau đó, từ “một bộ phận” cán bộ suy thoái, thành “một bộ phận không nhỏ”. Nếu bộ phận “không nhỏ” đó mà lại rơi vào cái bộ phận nhỏ, ở trên cùng ấy, thì nguy quá. Phải thấy cái nguy ở chỗ đó. Phải có một Bộ Chính trị mạnh, chứ không thì Ban Chấp hành T.Ư tê liệt. Và T.Ư thế nào thì phía dưới cũng như vậy hết. Đến giờ, 2 - 3 đồng chí trong Bộ Chính trị phải đặt dấu hỏi rồi. Trong T.Ư thì lãnh đạo các TP lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội... đều bị điểm danh. Nghĩa là vấn đề không đơn giản chút nào.
Đừng nghĩ rằng chúng ta đã có quyết tâm, đã xử lý một loạt cán bộ, đảng viên; gần hai chục đồng chí ở T.Ư cả khóa cũ, khóa mới, rồi 70 - 80 người thuộc diện T.Ư quản lý mà đã cho thấy đã thành công, đã yên tâm. Xử nhiều vụ án chưa đồng nghĩa với quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà quan tâm phải là chỗ rèn giũa, giáo dục, xây dựng đội ngũ.

Trong 90 năm qua, dù đạt những thắng lợi, kết quả lớn, nhưng Đảng bao giờ cũng quan tâm đến việc xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là cốt yếu để giữ được vai trò lãnh đạo, giữ uy tín với dân, tập hợp được toàn dân tộc. Đây là tư tưởng của Bác Hồ

 
* Việc Đảng tuyên chiến với chính những đảng viên thoái hóa, biến chất khiến dư luận rất kỳ vọng. Nhưng bên cạnh đó, cũng như ông nói, chưa hẳn đã hết những nỗi lo. Phải làm sao để chống tham nhũng là một sự nghiệp được kế tục, chứ không phải chỉ dựa vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo trong một nhiệm kỳ?
- Tôi cũng đặt câu hỏi, đã trong kỳ cuộc nào mà đã phát hiện được và đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra ánh sáng, nhận lỗi trước nhân dân, chứ không phải chờ đến đơn thư tố cáo, rồi mới thẩm tra, thẩm định, về mới xử lý ông nọ ông kia như chúng ta đã làm? Phải thấy rằng đó là còn hạn chế, chứ đừng nghĩ xây dựng chỉnh đốn Đảng như thế đã là yên tâm. Đừng nghĩ người dân không biết gì. Đừng để mất lực lượng thẳng thắn, trung kiên, dám nói.
Giữa tập trung và dân chủ thì tôi quan tâm nhiều đến dân chủ. Đó là cốt lõi mà tôi suy nghĩ. Tập trung dân chủ - hãy cứ giữ nguyên tắc ấy, nhưng dân chủ phải được hết sức coi trọng để tập trung được trí tuệ, rồi Đảng quyết. Đảng có quyền chứ không ai thay thế được. Tôi nhấn mạnh, tập trung là vế để tập hợp trí tuệ, mà muốn thế thì phải dân chủ. Ý thức của tôi trong quá trình làm việc cũng như chiêm nghiệm là bao giờ cũng hết sức chân thành, dân chủ, thì thế nào cũng có được nhiều tiếng nói góp sức với mình. Tôi khẳng định, biết lắng nghe người ta, tập hợp ý kiến đúng đắn của người ta, thì sẽ có hiệu quả.
Điều mà tôi quan tâm nữa là đừng nghe báo cáo và đánh giá một chiều, một cái đã tốt thì cái gì cũng tốt, chưa làm đã coi đó là bài học, làm chưa được bao nhiêu đã coi là cái cần phải phát huy cách làm tốt. Thành tựu tôi không phủ nhận, nhưng không cẩn thận sẽ chạy theo thành tích, đánh bóng, phô trương. Cái đó không phải là ít. Cái xấu thì không ai dám nói ra, cái lãng phí, cái sai sót thì không bao giờ nói, chỉ nói cái tốt, cái được, chạy theo sự đánh bóng.
* Trước đây, Đảng cũng đã xử lý nhiều cán bộ nhưng đều bí mật; đến nay thì Đảng coi đây là việc của đất nước, nên đã công khai việc xử lý cán bộ thoái hóa. Quan điểm của ông về việc Đảng đã tăng cường công khai, minh bạch mà không sợ “vạch áo cho người xem lưng”?
- Đảng không thể hiện tính gương mẫu, tính tiền phong; đảng viên không thể hiện được cái tâm, cái tầm, dân sẽ mất lòng tin. Mà mất lòng tin thì sợ là mất tất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đây là sự thử thách của Đảng, của cả chế độ. Tôi hoan nghênh việc công khai. Giờ cần nói ra, không thì người ta nói Đảng bảo vệ, bao che cán bộ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những vấn đề mà tôi rất tâm đắc. Hiện Đảng đang chuẩn bị cho Đại hội XIII, ta đang đi tiếp bước nữa là đề ra những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, không để người có mưu lợi cá nhân lọt vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Những người không vì lợi ích của Đảng thì đứng dẹp qua một bên. Tôi cho là thời kỳ vừa rồi, Đảng đã làm rất quyết liệt. Bởi vì trong Đảng, một bộ phận không nhỏ đã suy thoái.
Đừng nên suy diễn một chiều, nhưng phải xem xét, ai là người lợi dụng chức quyền, ai là người suy thoái? Phải chăng những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm, giữ những vị trí quan trọng từ T.Ư xuống đến cơ sở? Nếu cán bộ phía trên đi vào con đường tham nhũng, đi vào con đường kiếm chác, đi vào con đường lợi lộc như các vụ án đã xử lý, thì ở dưới tiêu cực, tham nhũng sẽ có điều kiện ghê gớm để phát triển. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Mà tiêu cực ở dưới thì tác động trực tiếp với dân.
Ta phải nhìn vào sự thật. Bây giờ thì T.Ư đã có những nghị quyết, quyết sách rất quyết liệt, ráo riết, nhưng thực sự nghị quyết đã vào cuộc sống chưa? Trả lời câu hỏi đó, hãy nhìn thẳng vào từng cơ quan, từng giao tiếp của cán bộ với nhân dân, từng quan hệ của cấp trên - cấp dưới. Cán bộ đã giữ được bản chất trong sạch chưa, mỗi người sẽ có câu trả lời của mình. Đừng chủ quan - đó là điều tôi suy nghĩ hiện nay.
Cán bộ gương mẫu, trong sạch, có lòng tin thì tự nó sẽ tốt lên thôi. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trước đã nói, tắm thì phải tắm từ đầu xuống trước. Chân lý đơn giản vậy thôi.
* Xin cảm ơn ông!

Những nhân tố dám làm, dám hành động phải được bảo vệ

Củng cố niềm tin trong nhân dân: Để tập hợp trí tuệ thì phải dân chủ

Ảnh: Gia Hân

Đúng là trong thực tế có những việc làm không đúng theo quy định nào đó, nhưng xem xét vấn đề một cách khoa học hơn, thực tế hơn thì việc ấy không đồng nghĩa với làm sai. Hay nói cách khác là sai so với quy định đã cũ nhưng lại đúng với thực tế và đem lại hiệu quả hơn. Việc phân biệt đúng sai này không phải là quá khó, không làm được. Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể phân biệt, nếu như lãnh đạo định hướng rõ ràng về yêu cầu cần đạt được. Những người đi thanh tra, kiểm tra cũng phải quán triệt tốt tinh thần đó. Báo chí cũng vậy - phải bảo vệ những nhân tố dám làm, dám hành động, dám đổi mới. Vì đó chính là lối ra. Và mặt khác, nếu chỉ có một đội ngũ cán bộ ngoan hiền, không dám hành động, làm gì cũng sợ sai thì cũng vô ích và sự nghiệp cách mạng không thể tiến lên.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư

Quyết tâm phải được thể chế hóa bằng pháp luật

Củng cố niềm tin trong nhân dân: Để tập hợp trí tuệ thì phải dân chủ

Ảnh: Gia Hân

Thời gian vừa qua, chúng ta chống được tham nhũng là nhờ khơi dậy được quần chúng nhân dân đứng lên và trong nội bộ Đảng thì có chỗ dựa vững chắc là các đồng chí lão thành. Muốn tập hợp được sức mạnh đó, thì phải xem người đứng đầu thế nào. Cái dân chủ vừa rồi được phát huy chỗ ấy. Nhưng để sức mạnh đó trường tồn, thì quyết tâm phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Quyết tâm của người đứng đầu phải trở thành quyết tâm của toàn Đảng, và quyết tâm đó phải được pháp luật hóa thì mới được. Quyền lực được kiểm soát bằng pháp luật mà không chỉ bằng nghị quyết của Đảng thì dân chủ hơn nhiều.
Chống tham nhũng, thoái hóa, bản thân là câu chuyện nội bộ của Đảng, nhưng cần công khai minh bạch để ngăn ngừa, khuyến khích người dân phát hiện. Đảng muốn mình xứng đáng là lãnh đạo xã hội thì việc làm trong sạch nội bộ, tăng cường sức chiến đấu là tất yếu và điều đó cần được làm một cách minh bạch, công khai.  
 Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.