Cuộc chiến chống Covid-19: Người bác sĩ tuyến đầu nằm xuống giữ màu xanh phủ quê hương

Duy Tính
Duy Tính
20/11/2021 13:32 GMT+7

Là bác sĩ tuyến đầu gắn bó với trạm y tế xã 38 năm, thanh xuân, tuổi trẻ của ông đã dành trọn cho xã nhà. Ông ra đi trong làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 xảy ra khốc liệt ở TP.HCM.

Trạm Y tế xã Phước Lộc, H.Nhà Bè nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 10 km. Nơi đây, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (60 tuổi) đã có 38 năm cống hiến. Thanh xuân, tuổi trẻ và đến lúc ra đi, tên tuổi của ông đã gắn liền với mảnh đất này. Bác sĩ Nhẫn, vị bác sĩ tuyến đầu đã nằm xuống, trong cơn càn quét khốc liệt của đại dịch Covid-19, để giữ màu xanh ở mãi trên quê hương.

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (giữa) trong một lần qua sông đi chống dịch

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Vượt qua gian khó

Chúng tôi tìm đến nhà bác sĩ Nhẫn vào một chiều mưa gió ở xã vùng ven thành phố. Bà Thân Ngọc Hương (vợ bác sĩ Nhẫn) đang sửa soạn những bông hoa cúc để cúng rằm, cũng là ngày tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong đại dịch Covid-19 (19.11). Tỉa nắn nót những bông hoa rồi đặt lên bàn thờ, hồi ức về người chồng quá cố bấy lâu nay dồn nén đã được bà mở lòng với chúng tôi gần như trọn vẹn.

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn xem Trạm Y tế như là nhà

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Bà kể, bác sĩ Nhẫn lúc đầu học y sĩ, ra trường năm 1982, sau đó ông được cử về trạm xá nông trường ở Cần Giờ. Năm 1983, ông được cử về Trạm Y tế xã Phước Lộc. Theo bà Hương, lúc đó Trạm Y tế nằm trên gò đất, xung quanh sình lầy, sông suối, đường xá không có, muốn đi phải lội bùn qua đầu gối. Bác sĩ cũng phải học chèo đò, lái thuyền để đi cấp cứu bệnh nhân… Vừa làm vừa học, ông tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 1993. Sau khi ra trường, có nhiều nơi chào mời ông đi làm ở các phòng khám, bệnh viện kiếm tiền, ông vẫn cương quyết ở lại cống hiến cho xã nhà.

Còn mấy bữa nữa về hưu, ở làm với anh em

Thấy chồng cơ cực qua nhiều lần chống dịch, nhất là từ đợt dịch thứ 3, bà Hương đề xuất với chồng: “Năm nay ông ngoại (gọi theo cách gọi của cháu ngoại - PV) cũng 60 tuổi rồi, ông ngoại đừng đi nữa vì trong mình còn bệnh huyết áp, xin nghỉ đi”. Đáp lại, bác sĩ Nhẫn nói: Còn mấy ngày nữa đâu sẽ về hưu (ông sinh 10.8.1961 và đến 10.8.2021 về hưu), ráng ở lại với anh em Trạm Y tế. Ngày xưa ở đây cuộc sống khó khăn “3 không”: không điện, không nước, không đường rất cực khổ còn vượt qua được. Còn bây giờ có đủ thứ điều kiện, chỉ còn có dịch bệnh thôi. Tôi đã làm trưởng trạm mấy chục năm rồi, không thể nào bỏ bà con đi được, dịch như vầy sao ở nhà ngồi yên được. Bà yên tâm, tôi đi sẽ cẩn thận.

Bà Hương đau đớn, không tin là chồng mình đã ra đi trong đại dịch

DUY TÍNH

“Tôi thấy chồng mang nhiệt huyết, muốn cống hiến hết sức lực của mình để phục vụ sức khỏe cho nhân dân ở đây nhiều hơn, coi Trạm Y tế còn hơn nhà. Trạm Y tế sát nhà nhưng nhiều bữa cơm ông cũng không về được vì quá bận. Phương châm sống của ông “muốn người ta thương mình thì mình phải thương người trước”, bà Hương kể tiếp và xem đây là phương châm sống cho cả gia đình, giáo dục cho con cháu sau này để sống có ích cho xã hội.

Đến đợt dịch thứ 4 bùng phát, bà Hương một lần nữa khuyên chồng ở nhà nghỉ ngơi, ông lại trả lời là còn mấy bữa nữa đâu sẽ về hưu, nếu theo chế độ mới thì sẽ còn thêm 3 tháng, tức là đến ngày 10.11 này. Thế nhưng, chuyện đã không như ông và bà suy nghĩ.

Người Sài Gòn rơi lệ trong khoảnh khắc tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19

Lần ra trận cuối cùng

Bà Hương nhớ lại: Từ giữa tháng 6.2021 bác sĩ Nhẫn đi làm và ở lại Trạm Y tế, ở lại, ăn uống tại chỗ. Ở nhà bà Hương đưa đồ xuống Trạm Y tế cho ông, đồ bẩn thì lên mang về giặt. Ngày bác sĩ Nhẫn đi làm, ban đêm thức đến 2 - 3 giờ sáng để làm báo cáo. Nhiều lúc đi làm về trễ không kịp giờ cơm, bác sĩ Nhẫn ăn mì gói. Ai cũng nói làm việc và ăn uống như vậy sức đâu chịu nổi.

Những hình ảnh đi làm bác sĩ Nhẫn đều đặn gửi về cho vợ. Có lần bà Hương thấy bác sĩ Nhẫn ngồi nói chuyện với F0, bà đâm lo và hỏi, bác sĩ Nhẫn trả lời: Truy vết F0 là phải khai thác để biết người nào cần đưa đi cách ly. Nếu không nói chuyện với người ta thì làm sao biết được họ là F0, họ hay lanh quanh, chối. Bà Hương hỏi tiếp tại sao không cho người ta ghi ra giấy? Ông cũng trả lời rằng người ra cũng khai loanh quanh lắm. Rồi những ngày ông lên ghe qua sông lớn phía bờ tây của xã Phước Lộc để đi lấy mẫu. Bác sĩ Nhẫn nói với vợ: Tôi ráng làm để đưa màu xanh về cho xã nhà, cho huyện của mình, cho TP.HCM. Bà biết màu xanh là gì không? Rồi ông tự giải thích: Là không còn giăng dây nữa, không còn dịch bệnh nữa, tất cả mọi người đều khỏe mạnh. Bà yên tâm đi, tôi sẽ cẩn thận. Và những lần đi như thế, dù rất cẩn thận, ông cũng đã mắc Covid-19 vào ngày 11.7.

Nhiều đêm chống dịch bác sĩ Nhẫn đã thức đến 2 giờ sáng

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Cả gia đình bác sĩ Nhẫn gồm vợ, con và cháu đều nhập vào Bệnh viện dã chiến số 6. Dù chân phù, nóng sốt, ho nhưng khi nhận được cuộc gọi của người dân xã Phước Lộc hỏi về sử dụng thuốc, bác sĩ Nhẫn cũng nhiệt tình tư vấn. Nhưng từ sáng ngày 11.7 ông đã rơi vào hôn mê, ô xy máu còn rất thấp. Ông được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện hồi sức Covid-19. Được hồi sức tích cực. Sau đó bác sĩ Nhẫn đã về ổn định và chuyển ra phòng theo dõi. Những ngày trong Bệnh viện hồi sức Covid-19, bác sĩ Nhẫn gặp vợ, con và cháu qua Zalo.

Ngày 28.7, bà Hương và con cháu xuất viện khỏi Bệnh viện dã chiến số 6. Nhưng cũng từ đó, ở Bệnh viện hồi sức Covid-19 bác sĩ Nhẫn đã có dấu hiệu chuyển nặng vì không ngủ được, ông lo cho xã nhà, nhớ thương con cháu. Bà Hương nói, ông đau đớn lắm nhưng chỉ nói với bạn bè, ông không muốn vợ con lo lắng. Điều này được bạn bè ông kể lại cho bà Hương sau ngày ông mất. “Mới nói chuyện hôm trước thấy ông lạc quan, hôm sau thì bật vô âm tín, không một cuộc điện thoại, không một lời trăn trối. Tôi cứ nghĩ bác sĩ đi công tác xa chưa về. 5 ngày sau được báo tử, tôi không thể chấp nhận sự thật đột ngột như thế này”, bà Hương nói trong nghẹn ngào.

Ông đã chống dịch với tất cả tâm huyết, với hy vọng mang màu xanh yên bình về cho quê hương, nhưng ông đã ra đi vĩnh viễn

DUY TÍNH

Bà Hương tâm sự tiếp: đây là nỗi đau rất lớn của gia đình. Đã 3 tháng trôi qua, lòng bà chưa nguôi được. Bác sĩ Nhẫn đã sống và cống hiến trọn với nghề, mất đi cũng với nghề, cùng với bầu nhiệt huyết vì mọi người. Để vượt qua đại dịch, bà Hương cũng mong muốn mọi người tuân thủ 5K, chung tay với cả nước để những người chiến sĩ áo trắng đỡ vất vả, không còn đau thương mất mát như gia đình bà và nhiều gia đình khác nữa.

Mất đi một người BS đầy y đức, trách nhiệm

Trong thư chia buồn gửi đến gia đình bác sĩ Nhẫn, ông Nguyễn Võ Quốc Cao, Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc viết: Trong đợt dịch thứ 4, kể từ ngày 27.4, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, trong đó có xã Phước Lộc. Tính đến hết ngày 15.9, trên địa bàn xã Phước Lộc ghi nhận 1.302 ca nhiễm và nghi nhiễm, trong đó có bác sĩ Nhẫn. Xã ghi nhận sự đóng góp to lớn, đầy trách nhiệm của bác sĩ Nhẫn trong việc triển khai các biện pháp tiến đến kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

“Đây là sự mất mát to lớn không thể nào bù đắp được đối với gia đình, người thân, lối xóm và xã nhà. Từ đây, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã và gia đình đã mất đi một Đảng viên trung kiên; một bác sĩ y đức, trách nhiệm; một người chồng, người cha đầy mẫu mực…”, thư chia buồn viết.

Ngày 20.5, H.Nhà Bè bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn. Trước tình hình nguy cấp, bác sĩ Nhẫn cùng đội ngũ phản ứng nhanh của đơn vị thực hiện nhiệm vụ điều tra ca bệnh, truy vết và lấy mẫu. Ngày 11.7, bác sĩ Nhẫn có kết quả RT-PCR dương tính với Covid-19.

Bác sĩ Nhẫn được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 6 và sau đó là Bệnh viện hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2). Ngày 31.7, bác sĩ Nhẫn có dấu hiệu suy hô hấp, suy tim và được cấp cứu. Đến ngày 4.8, bác sĩ Nhẫn tử vong do viêm phổi nguy kịch, suy hô hấp, suy tim.

Vị bác sĩ tuyến đầu đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Sở Y tế TP.HCM có kiến nghị gửi đến Bộ Y tế và UBND TP.HCM đề nghị các cơ quan chức năng công nhận liệt sĩ cho bác sĩ Nhẫn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.