Cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Quốc sau vụ 11.9

Văn Khoa
Văn Khoa
13/09/2021 07:30 GMT+7

Ngay sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001, Trung Quốc bày tỏ hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và áp dụng nhiều chiến thuật cho mặt trận này.

Nhân dịp đánh dấu tròn 20 năm vụ tấn công khủng bố 11.9, tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây đăng bài cho thấy Trung Quốc đã thay đổi như thế nào trong cuộc chiến chống khủng bố nội địa sau sự kiện đó. Bắc Kinh đã nhanh chóng bày tỏ với Washington là sẵn sàng hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố ngay trong tuần tiếp theo sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001.
Thời điểm đó còn đánh dấu việc Bắc Kinh lần đầu tiên đưa ra mối liên hệ giữa nỗ lực chống khủng bố toàn cầu với chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Khu tự trị Tân Cương.

Những nhóm khiến Bắc Kinh đau đầu

Từ lâu, một bộ phận người Duy Ngô Nhĩ đã tìm cách lập một nhà nước Hồi giáo với tên gọi Đông Turkestan. Trước vụ tấn công khủng bố 11.9, giới chức Trung Quốc đã có thời gian dài đối phó bạo lực từ những thành phần ly khai người Duy Ngô Nhĩ, theo SCMP.
Các nhà nghiên cứu thường cho rằng một vụ bạo loạn ở thị trấn Baren thuộc huyện Akto vào tháng 4.1990 là sự khởi đầu của các cuộc tấn công khủng bố ở Tân Cương. Trong vụ này, hàng trăm tay súng người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên thuộc Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc đọ súng với nhau, khiến hơn 20 người thiệt mạng. Vụ bạo loạn xảy ra trong lúc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đang nổi lên. ETIM được thành lập vào năm 1988 và bị Bắc Kinh cáo buộc đứng sau hầu hết các cuộc tấn công đẫm máu ở Tân Cương. ETIM đã xây dựng mối liên kết với Taliban và mạng lưới al-Qaeda.
Ngoài ra còn có ba nhóm lớn khác được thành lập vào thập niên 1990, gồm Tổ chức Giải phóng Đông Turkestan, Trung tâm thông tin Turkestan và Đại hội Thanh niên Duy Ngô Nhĩ thế giới. Từ năm 1990 - 2001, ba nhóm này cùng ETIM đã tiến hành hơn 200 vụ tấn công, khiến 162 người chết và 440 người bị thương, theo SCMP.

Phản ứng trong nhiều mặt trận

Nhà phân tích chống khủng bố Lý Vĩ thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc ở Bắc Kinh mới đây nhận định trước sự kiện 11.9, Bắc Kinh không biết nhiều về mối liên kết giữa các nhóm ly khai trong nước với các nhóm trên toàn cầu. Sau vụ 11.9, chính phủ Trung Quốc phản ứng trong nhiều mặt trận khác nhau, lập Nhóm điều phối chống chủ nghĩa khủng bố quốc gia vào tháng 10, bổ sung nhiều tội danh khủng bố và chính thức lập Cục Chống khủng bố thuộc Bộ Công an vào tháng 2.2002.
Vài năm sau vụ 11.9, Trung Quốc và Mỹ lập một cơ chế tham vấn chống khủng bố chính thức thông qua các kênh ngoại giao, quân sự và tình báo để hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan và Trung Đông. Đổi lại, Trung Quốc đã thuyết phục được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ETIM vào danh sách các tổ chức khủng bố vào tháng 8.2002, nhưng đến cuối năm ngoái, Washington đã rút ETIM ra khỏi danh sách các tổ chức bị cấm vận.

Mối đe dọa khủng bố thay đổi ra sao 20 năm sau vụ tấn công 11.9?

Ngoài ra, Trung Quốc được cho là đã tham khảo Đạo luật Patriot của Mỹ, được đưa ra sau vụ 11.9, để phát triển và áp dụng các biện pháp công nghệ trong cuộc chiến chống khủng bố. Các nhà điều tra Trung Quốc tích cực thu thập tất cả thông tin từ nghi phạm, như dữ liệu sinh trắc học, mẫu ADN, dữ liệu công nghệ nhận dạng và thông tin ngân hàng. Nhờ thực hiện các biện pháp chống khủng bố sau 11.9 và tình trạng Mỹ đóng quân ở Afghanistan, các cuộc tấn công ở Trung Quốc tạm lắng một thời gian và tình hình an ninh ở Tân Cương được cải thiện, theo SCMP.
Mối quan ngại lớn
Trong 20 năm qua, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan được cho là đã góp phần kiềm chế các nhóm khủng bố ở khu vực. Do đó, giới quan sát cho rằng Trung Quốc có một số mối quan ngại lớn sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan hôm 30.8 và Taliban giành quyền kiểm soát đất nước này hôm 15.8. Một trong những mối quan ngại lớn đã được nêu trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và phái đoàn Taliban tại TP.Thiên Tân hồi tháng 7 là tương lai của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, theo SCMP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.