Cuộc chiến thông tin giữa xung đột

Khánh An
Khánh An
02/03/2022 07:38 GMT+7

Nhiều thông tin bị cho là tin giả khiến tình hình khủng hoảng Nga - Ukraine trở nên mập mờ, đồng thời thể hiện tầm quan trọng của chiến tranh thông tin.

Trang Business Insider ngày 1.3 dẫn lời đại diện hải quân Ukraine cho hay nhóm lính biên phòng của nước này trên đảo Zmiinyi (đảo Rắn) ở Biển Đen thật ra vẫn “còn sống và khỏe mạnh”, sau thông tin cho rằng họ đã hy sinh khi bị tàu Nga tấn công. Những thông tin trái chiều và tin giả đang khiến tình hình tại Ukraine trở nên mập mờ, kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự tại nước này trước bình minh ngày 24.2.

Hải quân Ukraine xác nhận 13 lính biên phòng này đang bị Nga giam giữ ở Sevastopol, đồng thời kêu gọi trả tự do cho họ.

Ukraine thừa nhận những lính biên phong 'hi sinh' giữ đảo Rắn trước chiến hạm Nga có thể còn sống

Trước đó, vào đêm 24.2, phía Ukraine nói toàn bộ 13 lính biên phòng trên đảo đã thiệt mạng khi bị tàu chiến Nga tấn công. Một đoạn video được cho là do một người lính Ukraine trên đảo ghi lại cho thấy tuần dương hạm Nga phát loa gọi đầu hàng, nhưng lính Ukraine đáp rằng “tàu Nga, cút đi!”. Sau thông tin ban đầu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn dự định trao Huân chương Anh hùng Ukraine cho những người được cho là đã tử trận.

Đảo Zmiinyi (đảo Rắn) của Ukraine ở Biển Đen

Lực lượng vũ trang Ukraine

Tràn ngập tin giả

Theo tờ USA Today, tin không chính xác và tin giả đang tràn ngập mạng xã hội kể từ khi Nga đưa quân đến Ukraine. Trong số đó, có một đoạn phim cho thấy “binh sĩ Nga nhảy dù vào Ukraine”, do một người đàn ông mặc quân phục quay cảnh một số người nhảy dù xuống một cánh đồng trống. Sự thật là đoạn phim này đã được đăng lên Instagram từ năm 2015, gần 7 năm trước cuộc khủng hoảng hiện tại. Một đoạn phim khác lan truyền trên mạng thể hiện “một vụ nổ ở Ukraine” với quả cầu lửa lớn. Tuy nhiên, thực tế đó là vụ nổ một nhà máy hóa chất tại Trung Quốc vào năm 2015.

Một hình ảnh trên mạng cho rằng “máy bay phản lực Nga lao xuống bốc cháy ở Ukraine” thực tế được chụp vào năm 1993, khi 2 máy bay Nga va chạm trong lúc biểu diễn tại một triển lãm hàng không ở Anh. Tác giả bức ảnh là ông Carl Ford đăng lên Flickr vào năm 2015, thể hiện một phi công đang bung ghế thoát khỏi một máy bay bốc cháy. Một bức ảnh khác cho thấy những người Ukraine đang cầu nguyện trên mặt đất phủ tuyết “trong giai đoạn nguy hiểm này của chiến tranh”. Sự thật đúng là những người trong ảnh đang cầu nguyện ở Ukraine, nhưng bức ảnh đã lan truyền trên mạng ít nhất từ năm 2019. Thậm chí, bức ảnh vụ nổ khi Israel không kích Dải Gaza vào tháng 5.2021 cũng bị dùng để lan truyền trên mạng kèm nội dung “một vụ nổ ở Ukraine” trong xung đột với Nga.

“Vụ nổ ở Ukraine” thực ra là bức ảnh Israel không kích Dải Gaza vào tháng 5.2021

EAIG

Chiến tranh thông tin

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, giới phân tích cho rằng tình báo phương Tây cố ý công khai thông tin về những hành động Nga sắp tiến hành, nhằm khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin mất yếu tố bất ngờ và có thể sẽ chần chừ.

Theo tờ The Guardian, nhiều cuộc họp báo khi đó đã được tổ chức tại Washington và London, đôi khi từ những quan chức an ninh quốc gia rất ít khi tiếp xúc báo giới, mô tả chi tiết các chiến thuật quân sự, âm mưu lật đổ chính quyền Kiev và chiến dịch “cờ giả” nhằm tạo cớ tấn công của Nga.

Thực hư thông tin Ukraine sẽ nhận 70 chiến đấu cơ từ các nước châu Âu

“Đó là điều mà chúng tôi thường gọi là chiến tranh thông tin”, theo chuyên gia kỳ cựu John Sipher tại cơ quan mật của CIA. Tờ The New York Times nhận định rằng dù không ngăn được Nga đưa quân sang Ukraine, việc công khai thông tin tình báo giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden dễ dàng lập mặt trận thống nhất trong NATO nhằm đối phó Nga. Bên cạnh đó, nó còn giúp các bên có thời gian chuẩn bị các đợt cấm vận và những biện pháp khác nhằm vào Nga, cũng như điều quân củng cố an ninh NATO.

Các ông lớn công nghệ nhằm vào Nga

Theo AFP ngày 1.3, các hãng công nghệ từ Facebook cho đến TikTok và Microsoft vừa có động thái ngăn chặn các hãng tin liên quan nhà nước Nga vốn bị cáo buộc lan truyền tin sai lệch về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Facebook cho biết sẽ giới hạn tiếp cận của Đài RT và Hãng Sputnik của Nga tại Liên minh Châu Âu (EU). Twitter cũng cảnh báo các dòng tweet chia sẻ liên kết đến truyền thông nhà nước Nga. TikTok cho hay đã giới hạn truyền thông nhà nước Nga tiếp cận tại các nước EU, trong khi Microsoft đang gỡ RT khỏi kho ứng dụng và sẽ thay đổi thuật toán của dịch vụ tìm kiếm Bing để hạn chế kết quả về nội dung của RT và Sputnik.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.