Cuộc chiến tuyển dụng nhân tài bán dẫn Đài Loan

06/04/2022 09:40 GMT+7

Mỹ và Trung Quốc có thể sớm đối đầu trong cuộc chiến tuyển dụng nhân tài bán dẫn Đài Loan, khi hai bên đẩy nhanh kế hoạch tăng công suất chip trong nước.

Đối với Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt nhân tài có kinh nghiệm trong ngành chip là trở ngại lớn đối với mục tiêu về khả năng tự cung tự cấp chất bán dẫn. Theo dự đoán từ báo cáo được công bố vào tháng 11.2021, Trung Quốc sẽ thiếu 200.000 chuyên gia bán dẫn vào năm 2023, tương đương khoảng một phần tư vị trí trong ngành không được lấp đầy. Điều này đã thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mạnh tay thu hút đội ngũ kỹ sư từ Đài Loan. Tuy nhiên, chính quyền Đài Bắc đã đáp trả bằng cách đe dọa truy tố bất kỳ ai giúp chuyển giao chuyên môn về chip cho đại lục.

Trong khi đó, sáng kiến ​​của chính quyền Washington nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trên đất Mỹ đã tạo ra nhu cầu mới về nguồn kỹ sư có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng gia công chip. Theo ông William Hunt, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Bảo mật và Công nghệ mới nổi (CSET), Đạo luật CHIPS sẽ tạo ra nhu cầu về lao động sản xuất chip tay nghề cao có khả năng sẽ khó tìm thấy ở Mỹ. Kết quả là Mỹ sẽ phải mở rộng tìm kiếm nhân lực sang Đài Loan và Hàn Quốc.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều có kế hoạch mở rộng tìm kiếm nhân lực ngành chip ở Đài Loan và Hàn Quốc

Reuters

“Mỹ nên xem xét tạo thị thực chuyên biệt cho người lao động tay nghề cao, có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực sản xuất và kỹ thuật chất bán dẫn. Ưu tiên chính là giảm rào cản hiện có đối với nhập cư dành cho người lao động có kỹ năng liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ”, ông Hunt nói.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), hãng gia công chất bán dẫn lớn nhất thế giới, đang xây dựng nhà máy chip 5 nanomet (nm) tiên tiến ở Arizona (Mỹ). Tháng 11.2021, Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy chip tiên tiến trị giá 17 tỉ USD ở Texas (Mỹ). Giám đốc điều hành tập đoàn chip khổng lồ Intel Pat Gelsinger, đã hứa sẽ xây dựng nhiều nhà máy chip ngay tại quê nhà Mỹ, nếu nhận được trợ cấp theo đạo luật CHIPS trị giá 52 tỉ USD.

Theo ước tính của CSET, khoảng 27.000 vị trí tuyển dụng cho các nhà máy gia công chip có thể được tạo ra ở Mỹ trong thập niên tới, trong đó sẽ cần khoảng 3.500 lao động nước ngoài. Trong báo cáo công bố tháng trước, CSET khuyến nghị “các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên xem xét thiết lập con đường nhập cư nhanh chóng cho người lao động có kinh nghiệm, đặc biệt là người lao động Đài Loan hoặc Hàn Quốc, đang tìm cách đến làm việc trong những nhà máy chip mới được xây dựng ở Mỹ”.

Tin xấu với Trung Quốc

Nếu Mỹ thực hiện bước đi trên, thì đó có thể là tin xấu với Trung Quốc, nhất là khi nỗ lực thu hút kỹ sư Đài Loan đang vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ chính quyền Đài Bắc. Tháng trước, Đài Loan đã thắt chặt kiểm soát đối với bí quyết công nghệ cao. Theo quy định mới, “gián điệp kinh tế” bị bắt quả tang ăn cắp hoặc làm rò rỉ tài sản trí tuệ sang Trung Quốc, Hồng Kông có thể phải đối mặt với án tù 12 năm và khoản tiền phạt lên tới 100 triệu Đài tệ (khoảng 3,59 triệu USD).

Kỹ sư Đài Loan, đặc biệt là những người học ở Mỹ nhưng được đào tạo tại các công ty địa phương như TSMC, là nguồn lực chính, bí quyết chính cho sự phát triển ngành sản xuất chip của Trung Quốc. Tuy nhiên, có không ít bằng chứng cho thấy dòng nhân tài từ Đài Loan sang đại lục đang chậm lại. Số lượng kỹ sư Đài Loan sang Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao, trong tất cả các lĩnh vực, đã giảm năm thứ bảy liên tiếp vào năm 2020.

Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Đài Loan cuối tháng trước, ông Sun Shih-Wei, cựu Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng sản xuất chip lớn thứ hai Đài Loan United Microelectronics Corp (UMC), là nhân vật nổi tiếng gần đây đã rời bỏ ngành công nghiệp chip Trung Quốc. Sự kiện này diễn ra không lâu sau khi ông Chiang Shang-yi, một người kỳ cựu trong ngành bán dẫn Đài Loan, từ chức Phó chủ tịch nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) hồi cuối năm ngoái.

Hiện Đài Bắc ngày càng gây khó khăn nhiều hơn cho những tài năng công nghệ muốn tìm việc làm ở Trung Quốc. Đài Loan đang tham gia hợp tác chuỗi giá trị với Mỹ, cả hai bên thiết lập khuôn khổ Hợp tác đầu tư và thương mại công nghệ vào cuối năm 2021 để “khám phá hoạt động giúp tăng cường chuỗi cung ứng quan trọng”.

Theo bà Arisa Liu, nghiên cứu viên cao cấp về chất bán dẫn tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, trái ngược với nỗ lực trừng phạt người góp phần gây chảy máu chất xám sang những nước khác, chính quyền Đài Bắc khó có thể ngăn cản tài năng hàng đầu của hòn đảo đến Mỹ làm việc. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, dù tỷ trọng công suất sản xuất chip toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống 12% hiện nay, nhưng ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ vẫn sử dụng hơn 270.000 lao động và hỗ trợ gián tiếp cho 1,6 triệu người.

Còn về Trung Quốc, nước này có 541.000 người làm việc trực tiếp trong ngành bán dẫn vào năm 2020, bao gồm một phần ba trong lĩnh vực sản xuất chip. Tổng số việc làm trong lĩnh vực chip có thể đạt 766.500 vào năm 2023.

Thiếu hụt nhân tài sẽ không sớm biến mất

Để giảm bớt tình trạng thiếu hụt, chính quyền Bắc Kinh đã thành lập các trường kỹ thuật bán dẫn trên khắp nước. Các chính quyền địa phương cũng đang đưa ra nhiều ưu đãi hào phóng để thu hút nhân tài bán dẫn đến làm việc. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân tài sẽ không sớm biến mất. Người sáng lập SMIC Richard Chang Rugin năm ngoái nói rằng, thách thức lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn không phải là thiếu tiền hoặc thiếu hỗ trợ chính sách, mà là thiếu người có kinh nghiệm.

Dù gặp không ít cản trở, nhưng với nền tảng ngôn ngữ và văn hóa chung, cũng như sự gần gũi về địa lý, đại lục có thể vẫn sẽ là điểm đến ưa thích của các kỹ sư chip Đài Loan. Ông Hunt từ CSET tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút đội ngũ kỹ sư rất cần thiết từ Đài Loan cho các nhà máy sản xuất chip trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.