Quá khứ và tương lai của Ấn Độ đang va chạm nhau trong cửa hàng trang sức gia đình của Anand Ghugre ở Mumbai. “Chúng tôi vẫn hoạt động theo cách mà cha ông tôi đã làm trong 50 năm qua. Đối với các cửa hàng kinh doanh trang sức nhỏ, phần lớn doanh thu của chúng tôi đến từ các kết nối cá nhân. Đôi khi khách hàng trả bằng tiền mặt, không muốn lấy hóa đơn và các thợ kim hoàn không thể nói không với họ”, ông Ghugre nói.
Khoảng ba phần tư trong số 45 tỉ USD kim loại quý được buôn bán trong nước hằng năm đều diễn ra ở hàng ngàn cửa hàng trang sức do các gia đình điều hành để tiện phục vụ cho tình yêu vàng của người dân quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, cách làm ăn truyền thống này đang bị đe dọa khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra kế hoạch nhằm đưa thị trường vàng lớn thứ hai thế giới vào một hệ thống.
Các cải cách tài chính của ông Modi, bao gồm việc khai báo thuế hàng hóa và dịch vụ mới, hạn chế thanh toán bằng lượng tiền mặt lớn, cũng như kết hợp với cách thức mua hàng trực tuyến của thế hệ trẻ hơn, có thể mở ra làn sóng mua bán, sáp nhập hoặc đóng cửa các cửa hàng trang sức nhỏ trong nước.
tin liên quan
Sốt vàng, Ấn Độ 'huy động' luôn từ các đền thờ(TNO) Nhu cầu vàng quá lớn khiến thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ đạt ngưỡng kỷ lục 190 tỉ USD. Thủ tướng Ấn Độ đang tìm cách huy động số vàng khổng lồ trong các đền thờ để giải quyết tình trạng này.
Quốc gia Nam Á cũng cho biết họ đang lên kế hoạch về một chính sách vàng mới nhằm tăng cường sự tự tin của người tiêu dùng trong nước, nơi mà việc trao tặng vàng trong đám cưới hoặc mua sắm vàng vào các dịp lễ hội đã trở thành truyền thống. Chính phủ Ấn Độ đã ấn định thuế hàng hóa và dịch vụ đối với vàng ở mức 3%. Điều này sẽ tiện cho việc theo dõi dòng chảy của vàng và khó để các doanh nghiệp tránh các khoản thuế.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Ấn Độ nhập khẩu toàn bộ lượng vàng được tiêu thụ và nhu cầu vàng năm ngoái của nước này là khoảng 666 tấn, nhiều hơn lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Con số này dự kiến sẽ có thể tăng đến 40% trong vòng bốn năm nữa.
Theo ICRA, đơn vị địa phương của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service, việc tổ chức lại ngành sẽ cải thiện hồ sơ tín dụng của các công ty kim loại quý lớn của Ấn Độ. Dự đoán sẽ có một đợt hợp nhất, trong đó “những công ty kinh doanh có tổ chức có thể mua các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc ký kết hợp đồng nhượng quyền”.
Còn đối với các nhà bán lẻ trang sức nhỏ lẻ ở Ấn Độ thì đây là thời điểm để họ “thay đổi hoặc chết”. “Những năm tới sẽ rất tốt cho ngành công nghiệp vàng vì hệ thống mới sẽ giúp nhiều thợ kim hoàn bước vào nền kinh tế chính thức, chuyên nghiệp”, ông Gadgil, chủ P.N Gadgil Jewellers Pvt, một trong những chuỗi cửa hàng trang sức lâu đời nhất Ấn Độ, nói.
Ông Ghugre ở Mumbai cũng đang làm những gì có thể để thích nghi với thị trường mới. “Tôi đã nói với con trai tôi theo học một khóa tiếp thị kỹ thuật số. Chúng tôi cần phải thay đổi chiến lược của mình để cạnh tranh với các chuỗi kinh doanh lớn hơn và thu hút nhiều khách hàng trẻ tuổi hơn”, ông Ghugre cho biết.
tin liên quan
Ấn Độ đẩy Anh khỏi top 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm nayPhân tích mới về dự báo tăng trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay bảy thập niên sau khi giành được độc lập, kinh tế Ấn Độ có thể vượt mặt kinh tế Anh, nước từng cai trị đất Ấn.
Bình luận (0)