Cuộc đoàn tụ cảm động sau 40 năm

Châu Yên
Châu Yên
11/08/2019 22:00 GMT+7

Sau 4 thập niên, một gia đình gốc Việt đã có cuộc đoàn tụ đầy xúc cảm với ân nhân là cựu binh Mỹ từng tham chiến ở VN.

Câu chuyện bắt đầu ở TP.Salt Lake (bang Utah) vào năm 1979. Thời điểm đó, vợ chồng ông Ha Tieu, bà Chau Phung mới đặt chân đến Mỹ, không có người thân lẫn bạn bè; còn cựu binh Dave Hansen đã về nước được 8 năm sau thời gian tham chiến ở VN. Khi đó, một phụ nữ trong hội đoàn nhà thờ nơi ông Hansen sinh hoạt ngỏ ý liệu vợ chồng ông có thể cưu mang một gia đình VN mới sang hay không.
Dù vợ chồng ông Hansen cùng 2 con chỉ sống trong ngôi nhà nhỏ với mức thu nhập vỏn vẹn 432 USD/tháng (10 triệu đồng), cựu binh Mỹ vẫn quyết định mở cửa tiếp nhận một gia đình người Việt xa lạ. Khi vợ chồng bà Phung cùng con gái 5 tháng tuổi Yen Tieu và cháu gái Tuyet Tran (17 tuổi) đến trước cửa nhà Hansen ở Salt Lake, họ không nói được tiếng Anh. Gia đình Hansen cũng không rành tiếng Việt, theo Đài Fox13. Thế nhưng, tình bạn giữa họ sớm nảy nở nhờ những hành động tử tế dành cho nhau.
Để trả ơn gia đình Hansen, bà Phung nấu ăn cho họ, đồng thời phụ giúp chăm sóc 2 con của chủ nhà. Con trai 2 tuổi của Hansen ở bên bà Phung nhiều đến nỗi cậu bé bắt đầu bập bẹ những từ tiếng Việt. “Dù không biết ngôn ngữ của nhau song chúng tôi sống rất hòa thuận”, Hansen cười vang khi nhớ lại. Sau vài tháng, vợ chồng bà Phung tìm được việc làm ổn định, thuê được nhà nên họ dọn ra ngoài.
Theo tờ Deseret News, 2 gia đình mất liên lạc từ năm 1981 khi nhà Hansen rời Salt Lake chuyển đến sống ở bang California. Trong suốt nhiều năm sau, họ luôn tự hỏi gia đình bên kia nay ra sao. Cho đến một ngày gần đây, ông Hansen bất ngờ nhận được cuộc gọi từ con gái bà Phung là cô Amy Tieu.
Biết tâm nguyện của mẹ là được gặp lại gia đình ân nhân, Amy Tieu ra sức tìm kiếm thông tin thông qua mạng lưới cựu sinh viên của Đại học Utah, nơi cô từng theo học. Bà Phung thường kể cho Amy rằng Dave Hansen đã tốt nghiệp ngành kỹ sư của Đại học Utah vào năm 1978 hoặc 1979. Vì vậy, cô liệt kê danh sách tất cả các cựu sinh viên có họ là Hansen hoặc Hanson và bắt đầu gọi điện từng người một.
Sau rất nhiều “cuộc gọi nhầm số”, Tieu đã gặp được vị ân nhân của gia đình và biết rằng trong nhiều năm qua, ông cũng thường nghĩ về gia đình cô. “Thật tuyệt vời, chuyện xảy ra giống như một con chim sơn ca bay ngang trời và đậu xuống sân nhà tôi. Đó là một phước lành”, ông Hansen kể về giây phút nhận được cuộc gọi của Tieu. Họ nhanh chóng bàn kế hoạch cho cuộc hạnh ngộ của hai gia đình.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, 2 gia đình rưng rưng nước mắt, nắm chặt tay nhau sau gần 4 thập niên. Ngồi trong phòng khách nhà bà Phung ở TP.Riverton thuộc bang Utah, cựu binh VN xúc động nói: “Thật là điều kỳ diệu. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau sau 40 năm. Chúng tôi luôn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với Ha, Chau và gia đình họ”. Với vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc, bà Phung tự hào kể với vợ chồng ông Hansen về cuộc sống gia đình bà trong những năm qua. Bà học tiếng Anh, tốt nghiệp trung học dù đã lớn tuổi và vượt qua mọi khó khăn để nuôi 4 người con khôn lớn sau khi chồng qua đời vì ung thư vào năm 2006. Bà lặp đi lặp lại rằng không bao giờ quên sự tử tế của vợ chồng ông Hansen. “Nếu ông không mở cửa đón nhận chúng tôi, câu chuyện có thể sẽ khác”, bà Phung nói, siết chặt tay vị ân nhân. Khi ông Hansen bày tỏ áy náy vì gia đình bà Phung từng phải nằm ngủ trên sàn do nhà nhỏ, người phụ nữ Việt khẳng định điều đó không quan trọng. “Một người chịu mở cửa dang tay đón nhận chúng tôi, điều đó mới quan trọng”, bà Phung nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.