Cuộc đua chế tạo vắc xin Covid-19

Khánh An
Khánh An
20/03/2020 06:00 GMT+7

Thế giới đang chạy đua với thời gian nhằm sớm cho ra đời loại vắc xin để phòng ngừa vi rút Corona chủng mới (SAR-CoV-2) gây bệnh Covid-19 .

Đại dịch Covid-19 hiện đã lan tới hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 230.000 người nhiễm và hơn 9.300 ca tử vong.

Gấp rút phát triển

Theo tờ The Guardian, khoảng 35 công ty và viện nghiên cứu trên thế giới đang tham gia cuộc đua bào chế vắc xin ngừa SAR-CoV-2 và ít nhất 4 công ty có sản phẩm được thử nghiệm trên động vật.
Tại Mỹ, quân đội đang phối hợp với các phòng thí nghiệm tư nhân để gấp rút phát triển vắc xin. Hãng Moderna Therapeutics (Mỹ) hôm 16.3 bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên 45 tình nguyện viên từ 18 - 55 tuổi. Các nhà nghiên cứu Mỹ dùng công nghệ ARN thông tin để chép mã di truyền của vi rút thay vì dùng chính vi rút.
Tại Đức, Hãng công nghệ sinh học CureVac đang hợp tác với Viện Paul Ehrlich thuộc Bộ Y tế Đức để điều chế vắc xin, với một số loại có triển vọng để thử nghiệm vào tháng 6 - 7 tới.

[VIDEO] Đức phản đối vì ông Trump muốn giành độc quyền nghiên cứu vắc xin COVID-19 "riêng cho nước Mỹ"

Trong khi đó, tại Trung Quốc hiện có khoảng 1.000 nhà khoa học đang tham gia nghiên cứu và phát triển vắc xin Covid-19. Chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm sinh học Vương Quân Chí tại Viện Khoa học Trung Quốc cho hay có 9 loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được phát triển tại nước này và tất cả dự kiến sẽ thử nghiệm trên người vào tháng 4.
“Việc nghiên cứu và phát triển vắc xin ngừa vi rút Corona của Trung Quốc thuộc hàng tiến bộ nhất thế giới. Chúng tôi sẽ không chậm hơn các nước khác”, ông Vương khẳng định.
Đáng chú ý, tờ South China Morning Post ngày 19.3 dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ, giới lãnh đạo Trung Quốc đang chỉ đạo quân đội gấp rút bào chế vắc xin ngừa SAR-CoV-2 đầu tiên trên thế giới.
Thiếu tướng Trần Vi, chuyên gia vi rút học hàng đầu tại Viện Hàn lâm khoa học quân y (AMMS), được chỉ đạo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một vắc xin do đội ngũ của bà cùng Công ty CanSino Biologics phát triển. Vắc xin này được xem là có triển vọng nhất trong số 9 vắc xin đang được phát triển nói trên.
Công ty CanSino Biologics đang tuyển các tình nguyện viên từ 18 - 60 tuổi và chưa từng nhiễm Covid-19 tham gia quá trình thử nghiệm lâm sàng 6 tháng. Vắc xin này được cho là không chứa các chất gây nhiễm bệnh, an toàn, ổn định cao và tiêm chủng 1 lần. Thông báo đưa ra sau khi vắc xin dùng công nghệ ARN cũng trong quá trình phát triển bởi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Đại học Đồng Tế và Hãng Stermina.

Nhanh nhưng phải cân nhắc

Theo chuyên gia vắc xin Đào Lệ Na từng làm việc tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thượng Hải (Trung Quốc), thông báo thử nghiệm lâm sàng sớm hơn mong đợi, dù có nhiều thông tin thiếu tướng Trần Vi và một số đồng nghiệp đã tự tiêm vắc xin vào cơ thể.
Một số nguồn tin cho rằng Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) gây áp lực buộc các nhà khoa học trong quân đội phải sớm phát triển vắc xin. “CMC luôn gọi cho AMMS hằng ngày suốt vài tuần qua để thúc đẩy phát triển vắc xin”, một nguồn tin cho biết.
Theo bà Đào, giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng các chuyên gia vi rút thuộc quân đội sẽ bào chế được vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới và sẽ cảm thấy “mất mặt” nếu chậm chân hơn nước khác.
Trong bối cảnh diễn ra cuộc đua nước rút, Giáo sư Khương Thế Bột tại Đại học Phục Đán cảnh báo rằng vắc xin Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng nhưng quá trình phát triển không được hấp tấp và phải tuân thủ các quy tắc an toàn. “Chúng ta cố gắng tối đa và nhanh nhất để phát triển thuốc đặc trị và vắc xin cung cấp cho thế giới. Nhưng điều quan trọng là không được đốt cháy giai đoạn”, AFP dẫn lời ông cảnh báo.
Theo chuyên gia này, cơ quan chức năng cần đánh giá hiệu quả của vắc xin đối với nhiều vi rút khác nhau và thử nghiệm trên nhiều động vật trước khi thử nghiệm trên người.
Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san The New England Journal of Medicine, thuốc kháng HIV Kaletra của Hãng AbbVie (Mỹ) không có tác dụng chữa trị Covid-19. Thử nghiệm được tiến hành trên các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung Quốc cho thấy 99 người được điều trị với thuốc Kaletra không tiến triển hơn so với 100 người được điều trị tiêu chuẩn.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Giám đốc Trương Tân Dân của Trung tâm sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho hay thuốc chữa cúm Avigan của Tập đoàn Fujifilm (Nhật Bản) có hoạt chất favipiravir giúp bệnh nhân Covid-19 hồi phục mà không có tác dụng phụ.
Tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh hôm qua công bố nghiên cứu cho thấy người trẻ vẫn dễ bị bệnh nặng vì Covid-19 chứ không phải có sức đề kháng tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.