Sau khi thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử tổng thống, tấm vé đại diện cho đảng Dân chủ gần như chắc chắn nằm trong tay ứng viên duy nhất còn lại là cựu Phó tổng thống Joe Biden.
Đường đua 2 người
Nếu không có sự kiện bất ngờ nào xảy ra trong vòng 6 tháng tới, đường đua tới Nhà Trắng sẽ được định hình là cuộc so tài của hai người đàn ông da trắng ngoài 70 tuổi, cùng sinh ra trong thập niên 1940 nhưng lại vô cùng khác biệt. Ông Biden (78 tuổi) xuất thân trong gia đình bình thường, nhưng có kinh nghiệm trên chính trường nhiều hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào từ trước đến nay. Ông là một trong những thượng nghị sĩ trẻ nhất được bầu trong lịch sử Mỹ, từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, trước khi làm “phó tướng” cho cựu Tổng thống Barack Obama trọn vẹn 2 nhiệm kỳ.
Trong khi đó, người mà ông phải đối đầu là đương kim Tổng thống Donald Trump, một đối thủ đặc biệt, khác với tất thảy những người ông từng gặp trong những lần tranh cử trước đây. Ông Trump (74 tuổi) là tỉ phú kinh doanh nhưng lại là “tay chơi” chưa hề tham gia chính trường trước khi chiến thắng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton để ngồi vào ghế tổng thống trong kỳ bầu cử gần nhất.
Cuộc đua của họ lần này cũng trở nên đặc biệt và khác biệt khi xuất hiện nhân tố khó lường nhất mang tên Covid-19. Sẽ không còn những buổi mít tinh vận động rầm rộ từ bang này qua bang khác, mà cả hai buộc phải tìm ra hướng đi khả dĩ để thu hút cử tri, trong giai đoạn mà nước Mỹ đối diện tình cảnh khó khăn bậc nhất trong thời hậu chiến. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gánh kỷ lục không mong muốn khi có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhiều nhất toàn cầu.
Phép thử cho ông Trump
Ngay từ khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Trump đã khiến ai nấy phải dè chừng vì những quyết định gây tranh cãi, khó đoán và hiếm có tiền lệ. Không thể phủ nhận một số chính sách của vị tổng thống này đã mang về lợi ích cho nước Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy vậy, quyết sách “nước Mỹ trước tiên” mà ông theo đuổi lại có nhiều chỉ trích và hoài nghi, không chỉ trong nội bộ Mỹ mà đối với đồng minh, đối tác của nước này. Các nhà quan sát cho rằng cuộc bầu cử lần này sẽ là “cuộc trưng cầu dân ý” về nhà lãnh đạo Trump, nói cách khác là phép thử dành cho ông.
Bối cảnh hiện nay mang đến cho ông Trump một số lợi thế cũng như bất lợi. Đại dịch khiến tình hình kinh tế - xã hội Mỹ lâm vào khủng hoảng, nhiều mặt tối bị phơi bày. Cách ông Trump đối diện với khủng hoảng này sẽ là dịp thể hiện và chứng minh năng lực rõ ràng nhất đối với cử tri. Thời điểm đầu, ông Trump bị chỉ trích phản ứng chậm và chủ quan, khiến nước này bỏ lỡ khoảng thời gian vàng để ngăn đại dịch, để rồi một gã khổng lồ với đủ mọi tiềm lực tài chính, công nghệ như Mỹ phải hứng chịu thảm họa nặng nề nhất, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu thốn trong cuộc chiến chống dịch. Ông Trump đã buộc phải thay đổi, đưa ra hàng loạt biện pháp mới, quyết liệt để “sửa sai”.
Việc thường xuyên họp báo về Covid-19 với vai trò tổng thống giúp ông dễ dàng tiếp cận với cử tri hơn khi tất thảy đều đang dõi theo tình hình dịch bệnh. Tuy vậy, vai trò này cũng đặt ra sức ép thực sự lớn đối với ông, mà theo CNN là “thế lưỡng nan” mà tổng thống Mỹ đang phải đối mặt. Cách đây 2 ngày, ông Trump cho biết đang đứng trước quyết định khó khăn nhất cuộc đời mình. Làm thế nào để tốt nhất khi mà đóng cửa nền kinh tế càng lâu để chống dịch thì cũng đồng nghĩa với việc thiệt hại đối với doanh nghiệp, kinh tế và đời sống ngày càng lớn. Chọn thời điểm nào để mở cửa lại nền kinh tế đúng là quyết định khó khăn nhưng cũng có thể là lời giải cho chiến dịch tái tranh cử của ông. Nếu quyết định đúng đắn, ông sẽ chứng minh được năng lực của mình và có ưu thế lớn để ở lại Nhà Trắng. Nhưng nếu ông sai, tất cả có thể đổ sông đổ bể.
Chặng đường khó khăn
Trong khi đó, ông Biden giờ đây phải đứng trước một loạt bài toán cần lời giải trước thời điểm cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới. Không có lợi thế xuất hiện thường xuyên như đối thủ Trump, nhưng ông Biden cũng nhanh chóng thích nghi thời cuộc. Chiến dịch của ông Biden được cho là đã chuyển hướng sang chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của ông Trump thông qua các sự kiện trực tuyến và phỏng vấn. Bên cạnh đó, ông Biden cũng mở rộng hình thức tiếp cận cử tri trên nền tảng kỹ thuật số phù hợp với tình hình. Tuy vậy, chính trị gia kỳ cựu này được cho là vẫn gặp khó khăn trong studio tạm bên dưới tầng hầm nhà mình để ra sản phẩm mỗi ngày, theo AP.
50 bang của Mỹ đặt trong tình trạng thảm họaNgày 11.4, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng thảm họa lớn vì Covid-19 tại Wyoming, bang cuối cùng được ban bố tình trạng này. Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, toàn bộ 50 bang đặt trong tình trạng thảm họa vì cùng một sự kiện, theo Fox News. Các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ như quần đảo Bắc Mariana, Guam, Puerto Rico cũng đã ban bố tình trạng thảm họa. Việc này sẽ giúp chính quyền các bang và vùng lãnh thổ tiếp cận nguồn ngân sách liên bang để ứng phó với đại dịch.
|
Một trong những thách thức nữa mà ông Biden phải đối diện là vấn đề gây quỹ tranh cử. Thực tế cho thấy số tiền ông và đảng Dân chủ gây được cho đến nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với ông Trump, trong khi tình hình kinh tế hiện tại lại khó khăn vì dịch bệnh. Theo CNN, để gây quỹ như mong muốn, chiến dịch của ông Biden phải sớm thống nhất với Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ để tổng lực. Nếu được các ứng viên đã rời cuộc đua, đặc biệt là ông Sanders giúp sức thì quá trình này sẽ suôn sẻ hơn.
Dẫu có nhiều khó khăn, ông Biden vẫn có những lợi thế nhất định. Chuyển bầu cử thành cuộc “trưng cầu dân ý” đối với ông Trump có thể cho ông Biden cơ hội thắng nếu ông Trump mắc sai lầm trong xử lý khủng hoảng. Thứ hai, ông Biden vốn được nhắc đến là chính trị gia có sự đồng cảm và nhân văn, nên đại dịch này cũng có thể là cơ hội để ông thể hiện điều đó.
Bình luận (0)