Cuộc đua tái sinh của nghề thủ công

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/11/2020 06:17 GMT+7

“Với các sản phẩm thủ công , ngày hôm qua là cuộc cạnh tranh giá thành, hôm nay là cạnh tranh chất lượng, và tương lai sẽ là cạnh tranh sự khác biệt.

Sự khác biệt đó chính là thiết kế”, ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN (Vietcraft), nói.

Gỗ vụn, vải vụn làm nên chuyện

Kiến trúc sư Phạm Thành Huy, chủ thương hiệu 282 Design, đã rất tự hào vì không gian của cuộc tọa đàm Thiết kế tái sinh và nghề thủ công VN tổ chức ngày 16.11 tại Hà Nội, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia và mạng kiến trúc Ashui tổ chức. Đó là không gian do 282 Design dựng lên từ các vật liệu phế thải. “Tất cả đều là vật liệu bị bỏ đi và chúng tôi sử dụng lại. Gỗ cũng tái sinh. Giả sử ván sàn có 3 lớp thì chỉ lớp trên cùng là những miếng gỗ từ cây nhỏ, còn những lớp dưới là từ gỗ vụn ghép lại”, ông Huy nói. Cũng tại đây, ông Huy tổ chức các không gian để mọi người, nhất là học sinh, có thể đến tập làm các sản phẩm tái sinh từ gỗ.
Trong khi đó, nhà thiết kế Vũ Thảo lại nhắc tới lượng vải vụn khủng khiếp của dệt may. “Rác thải trong thời trang rất nhiều, chỉ nói đến vải vụn đã chiếm 15 - 30% lượng vải sử dụng. Chính vì thế, nhiều nhà thiết kế đi xin vải vụn trong xưởng để tái chế thành sản phẩm. Nếu chúng ta không tái sinh các vật liệu từ ngành thời trang, rác thải trong thời trang sẽ vô cùng nhiều. Nó có thể làm ô nhiễm không khí, nguồn nước nếu hóa chất nhuộm vải lan ra môi trường”, bà Thảo nói.

Đan dây để làm ghế

Tầm nhìn đổi mới và thiết kế

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi, làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), cho biết ông luôn tìm cách tái sinh các hoa văn cổ xưa. Chẳng hạn, có một hoa văn truyền thống, khi đưa vào sản xuất ông đã vẽ thêm các dây hoa. “Các bạn có thể thấy, đây là hoa văn hoa phù dung mới hiện nay, nhưng trong bình vẽ phù dung thế kỷ 14 - 16 không có những đường hoa dây thế này. Chúng tôi thêm vào, cách điệu để có hơi thở thời đại. Sản phẩm này chúng tôi mang xuất khẩu, nó vừa mang nét truyền thống của ông cha, nhưng cũng có cái vui mắt mà thời đại yêu cầu”, ông Lợi nói.
Ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN (Vietcraft), cũng nhiều lần thực hiện tái sinh như vậy. Chẳng hạn, có sản phẩm của ông kết hợp nghệ nhân làng nghề thực hiện đã pha trộn giữa kỹ thuật mây tre và nghề thổi thủy tinh; hoặc kỹ thuật làm giấy xưa cũng có thể được áp dụng những thiết bị nhất định để có khổ lớn hơn. “Chúng tôi có thể làm ra giấy dó kiểu truyền thống nhưng dài cả chục mét”, ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, hiện tại việc thiết kế sao cho hiện đại là vô cùng cần thiết. “Với các sản phẩm thủ công, ngày hôm qua là cuộc cạnh tranh giá thành, hôm nay là cạnh tranh chất lượng, và tương lai sẽ là cạnh tranh sự khác biệt. Sự khác biệt đó chính là thiết kế”, ông Ngọc nói.
Trong khi đó, ông Christian De Ruty, chủ thương hiệu Hanoia, lại nhắc tới sự khăng khít giữa bộ phận kinh doanh và thiết kế. “Người phụ trách thương mại điều hành cửa hàng. Việc của họ là phải nhìn ra giá thành phù hợp. Họ cũng cần tìm ra kích thước mà khách muốn, phân tích được yếu tố nào khách thích mua. Từ đó, họ tóm tắt lại để đưa yêu cầu ra bộ sưu tập thế nào, màu sắc ra sao, cân nặng. Mọi thứ này sẽ chuyển thành yêu cầu thiết kế”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.