Cuộc đua vắc-xin Covid-19 toàn cầu: Thân ai nấy lo?

31/07/2020 14:39 GMT+7

Một loạt các thỏa thuận song phương giữa chính phủ và các nhà sản xuất thuốc để bảo đảm hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 đang gây nguy cơ đến sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc mua số lượng lớn và phân phối vắc-xin phòng đại dịch một cách công bằng trên toàn thế giới.

Những nỗ lực từ một số cường quốc nhằm đạt được các thỏa thuận về vắc-xin Covid-19 với các công ty dược phẩm có thể gây nguy cơ lên kế hoạch mua số lượng lớn vắc-xin và phân phối công bằng hơn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vấn đề này đang được tổ chức Bác sĩ không biên giới gọi tên là “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”.
Một loạt thỏa thuận đang được Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu tiến hành với các công ty như Pfizer, BioNtech và Moderna. Nhưng Liên Hợp Quốc tin rằng kế hoạch của WHO công bằng hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn để kiềm chế đại dịch Covid-19.

Chuẩn bị sàng lọc và ngăn chặn virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 tại Cộng hòa Dân chủ Congo

WHO

Hiện có quan ngại là việc cung cấp và phân bổ vắc-xin trong đại dịch này sẽ giống như trong dịch cúm H1N1 năm 2009/2010, khi các quốc gia giàu mua hết nguồn cung cấp vắc-xin H1N1 có sẵn, khiến các nước nghèo không còn vắc-xin để tiêm.
Tuy nhiên khi đó, H1N1 hóa ra không quá nghiêm trọng và đại dịch cuối cùng cũng đã hết, vì vậy tác động đối với việc lây lan và và tử vong do mất cân bằng vắc-xin là không lớn. Lần này, theo giới chuyên gia, Covid-19 là một mối đe dọa lớn hơn rất nhiều và nếu không tiêm chủng rộng khắp thì sẽ khiến đại dịch kéo dài, gây thiệt hại nhiều hơn.

Một kỹ sư cầm ống nghiệm chứa một loại vắc-xin thử nghiệm cho Covid-19 tại một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh (Trung Quốc)

AFP

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu tại thủ đô Mỹ Washington, cho biết “một nhóm quốc gia nắm chặt nguồn cung vắc-xin đang cạnh tranh với các thỏa thuận cung cấp đa phương” và “rốt cuộc thì sản xuất vắc-xin là một nguồn tài nguyên hữu hạn, dù có thể mở rộng, nhưng không thêm được nhiều”.
Một chương trình toàn cầu được gọi là COVAX đã được thiết kế để bảo đảm mọi nơi trên toàn cầu đều có thể tiếp cận vắc-xin nhanh chóng và công bằng. Hơn 75 quốc gia giàu có đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án tài trợ COVAX, theo đó 90 nước nghèo sẽ được hỗ trợ thông qua các khoản đóng góp, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các quốc gia giàu có muốn tự lo cho mình.
Mỹ, Trung Quốc và Nga là các nước không thể hiện hứng thú với dự án này. Mục đích của COVAX là nhằm phân phối vắc-xin Covid-19 cho ít nhất 20% dân số của các quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.