Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Sudan Ailen Aidan O'Hara đã bị tấn công tại nhà riêng ở Khartoum hôm 17.4. AFP dẫn lời người phát ngôn của EU Nabila Massrali thông báo ông O'Hara vẫn ổn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18.4 cho biết một đoàn xe ngoại giao Mỹ ở Sudan đã bị tấn công. Vụ việc không gây thương vong nhưng đã cho thấy sự khốc liệt của cuộc giao tranh giữa lực lượng của tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông là Mohamed Hamdan Daglo (thường được gọi là Hemedti), chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự của Sudan.
Phe phái đánh nhau, người dân Sudan lo sợ giữa hỗn loạn
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken đã trực tiếp điện đàm với từng bên để cảnh báo rằng những mối nguy hiểm cho các nhà ngoại giao Mỹ là không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi hai phe ngừng bắn, theo Reuters.
Sau sức ép từ Ngoại trưởng Mỹ, hai bên đồng ý ngừng bắn trong 24 giờ từ tối 18.4 để đảm bảo dân thường đi lại an toàn và sơ tán những người bị thương, nhưng sẽ không kéo dài quá thời gian đã thỏa thuận. Thông tin này được tướng quân đội Shams El Din Kabbashi thông báo trên Đài Al Arabiya.
Chuyện gì đang xảy ra ?
Giao tranh nổ ra ở thủ đô Khartoum của Sudan và các thành phố lân cận từ ngày 15.4, trong đó cả quân đội và RSF đều cáo buộc đối phương là bên gây ra xung đột. Hai bên đã không kích, pháo kích và đấu súng với nhau trong nhiều ngày. Nhiều đề nghị ngừng bắn đã được đưa ra, nhưng bạo lực chưa có dấu hiệu kết thúc hoàn toàn.
RSF ngày 15.4 tuyên bố đã chiếm giữ dinh tổng thống, tư dinh chỉ huy quân đội, đài truyền hình và các sân bay ở Khartoum cùng các thành phố Merowe, El Fasher và bang Tây Darfur. Tuy nhiên, quân đội Sudan bác bỏ những thông tin này và cho biết không quân đang thực hiện chiến dịch chống RSF.
Khủng hoảng Sudan: Nguy cơ được mất gì cho các cường quốc?
Các đám cháy đã bốc lên khắp Sudan. Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều máy bay bị hư hại tại sân bay quốc tế Khartoum. Người dân được yêu cầu ở nhà; trong khi trường học, ngân hàng và trụ sở cơ quan nhà nước bị đóng cửa từ ngày 16.4. Người dân còn phải đối mặt với tình trạng mất điện, nước. Nhiều bệnh viện bị phá hủy, thậm chí ngừng hoạt động.
AFP dẫn lời ông Volker Perthes, người đứng đầu phái bộ LHQ tại Sudan, ngày 17.4 cho biết ít nhất 185 người đã thiệt mạng và 1.800 người khác bị thương kể từ khi bạo lực bùng phát. Ông Perthes cũng cho biết hai bên không cho thấy rằng họ đang sẵn sàng đàm phán.
Gốc rễ mâu thuẫn
The Guardian đưa tin cuộc đấu tranh quyền lực giữa quân đội Sudan và RSF đã bắt đầu từ lâu. Năm 2019, tướng Burhan hợp tác với ông Hemedti để lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir và tiếp tục thực hiện một cuộc đảo chính quân sự năm 2021, đưa ông Burhan lên nắm quyền.
Cuộc xung đột mới nhất bùng phát trong bối cảnh các phe phái chính trị ở Sudan đang cố gắng đàm phán để thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Theo kế hoạch được quốc tế hậu thuẫn, cả quân đội và RSF đều được yêu cầu từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, hai vấn đề gây tranh cãi, gồm thời điểm hợp nhất RSF vào các lực lượng vũ trang chính quy và mốc thời gian quân đội chính thức được đặt dưới sự giám sát của chính phủ dân sự, đã khiến việc ký kết thỏa thuận bị trì hoãn. Ông Hemedti cũng ủng hộ kế hoạch chuyển đổi, khiến mâu thuẫn với tướng Burhan càng trở nên sâu sắc.
Theo Reuters, tướng Burhan ngày 17.4 đã coi RSF là một nhóm phiến quân và ra lệnh giải tán lực lượng này. Trong khi đó, ông Hemedti gọi ông Burhan là "một phần tử Hồi giáo cực đoan đang ném bom dân thường từ trên không". Dù quân đội Sudan có nguồn lực vượt trội, bao gồm cả sức mạnh không quân, nhưng RSF đã mở rộng thành lực lượng khoảng 100.000 người triển khai khắp Khartoum và các thành phố lân cận. Điều này khiến không phe nào có lợi thế giành chiến thắng nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ xung đột kéo dài tại một đất nước vốn đang có tình hình kinh tế và nhân đạo bấp bênh.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Reuters đưa tin Mỹ, Nga, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, LHQ, EU và Liên minh châu Phi đều đã kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ngay lập tức. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã nói chuyện với cả ông Burhan và ông Hemedti để kêu gọi đối thoại. Trong khi đó, nước láng giềng Chad ra lệnh đóng cửa biên giới với Sudan, còn Ethiopia và Kenya thì kêu gọi kiềm chế.
Theo hai nguồn tin an ninh Ai Cập, nước này và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang thảo luận về đề xuất ngừng bắn cho Sudan nhưng chưa có kết quả. Cairo là bên ủng hộ quan trọng nhất cho quân đội Sudan, trong khi ông Hemedti đã xây dựng mối quan hệ với UAE và Nga.
Bình luận (0)