Cuối năm, nhiều doanh nghiệp 'khát' lao động

Thu Hằng
Thu Hằng
05/10/2022 06:39 GMT+7

Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và tìm việc của người lao động , từ nay đến cuối năm, hàng tuần Hà Nội sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề và lưu động tại các quận, huyện, trường đại học .

Tăng chỉ tiêu tuyển dụng

Để mở rộng sản xuất kinh doanh phục vụ cho thời điểm cuối năm, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội bắt đầu gia tăng chỉ tiêu tuyển dụng.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội, cho biết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng cao, ngoài phiên giao dịch việc làm cố định thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, trong tháng 10 hầu như tuần nào trung tâm cũng tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Đông Anh, Cầu Giấy.

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao trong những tháng cuối năm

T.Hằng

Thông qua sàn giao dịch việc làm, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty CP Vinhome cần tuyển 10.000 lao động phổ thông làm việc tại các dự án, công ty trình xây dựng của công ty này tại phía bắc. Các vị trí tuyển dụng gồm: thợ xây, thợ trát, thợ sơn bả, phụ việc, mức lương từ 7 - 25 triệu đồng/tháng.

Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Hanel cần tuyển 100 công nhân làm việc tại KCN Sài Đồng B (Q.Long Biên, Hà Nội); Công ty TNHH Durian cần tuyển hơn 300 công nhân may, kiểm hàng, cắt, là, nhân viên bảo trì, thợ sửa máy, kế toán… làm việc tại xã Vật Lại (H.Ba Vì, Hà Nội)…

Ông Phạm Văn Chiên, Giám đốc khối quản lý Công ty TNHH Thương mại - công nghiệp Quang Minh, KCN Nguyên Khê (H.Đông Anh), chia sẻ: “Năm ngoái, dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Năm nay, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh cuối năm và đáp ứng nhu cầu khách hàng, chúng tôi tuyển dụng khoảng 50 lao động, ở các vị trí từ lao động phổ thông, lao động kỹ thuật đến quản lý cấp trung. Với đối tượng lao động phổ thông tuyển dụng cũng “hòm hòm”, khó nhất là tuyển lao động kỹ thuật có tay nghề”.

Theo ông Chiên, nhiều doanh nghiệp đều cần lao động có tay nghề, những người có kinh nghiệm làm ổn định thường không muốn nhảy việc vào cuối năm. Do đó, việc tuyển dụng sẽ khó khăn hơn. Trong lúc chờ tuyển dụng lao động chính thức, công ty đã tuyển thực tập sinh năm thứ 3 tại các trường đại học, cao đẳng. “Để thu hút người lao động, ngoài tiền lương cơ bản theo mặt bằng chung, chúng tôi có thêm các khoản phụ cấp chuyên cần, đặc thù cho các công việc nặng nhọc, hỗ trợ tiền nhà trọ, điện thoại…”, ông Chiên cho hay.

Với hệ thống trên 350 siêu thị khắp cả nước, ông Phan Hoàng Anh, chuyên viên tuyển dụng Siêu thị điện máy Mediamart (Công ty CP Mediamart), cho hay trung bình mỗi tháng, công ty tuyển 500 - 100 nhân sự khối siêu thị và 20 nhân viên văn phòng. Tùy kinh nghiệm của người lao động, công ty sẽ thỏa thuận về mức lương. Tuy nhiên, mức lương nhân viên khối siêu thị từ 6 - 12 triệu đồng/tháng, nhân viên pháp chế 15 - 16 triệu đồng/tháng, thiết kế 20 - 25 triệu đồng/tháng. Do thiếu nguồn tuyển nên công ty chấp nhận tuyển sinh viên năm cuối làm việc theo giờ.

Không chỉ tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm, nhiều doanh nghiệp còn đẩy mạnh tuyển dụng qua kênh online. Ông Phạm Văn Lai, Chánh văn phòng Công ty TNHH ACC Hà Nội, cho biết: “Công ty đang cần tuyển 5 kỹ sư xây dựng dân dụng có kinh nghiệm và mới ra trường, 1 nhân viên văn phòng, 1 nhân viên pháp chế, 1 nhân viên kế toán. Đặc biệt, chúng tôi cần tuyển gấp một số vị trí có thể đi làm ngay và luôn, ưu tiên các bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học, có thể đi công tác xa, mức lương từ 8 - 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ tuyển được 1 người”.

Đa dạng hình thức kết nối việc cho người lao động

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, thị trường lao động những tháng cuối năm 2022 đang phục hồi tương đối nhanh. Hiện thị trường có sự thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, trong khi thời điểm hiện nay nhu cầu tuyển dụng của nhiều nhóm nghề, doanh nghiệp cũng tiếp tục gia tăng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho hay, nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực do còn một số lượng lớn lao động trở về khu vực nông thôn chưa kịp quay lại nơi làm việc, hoặc không muốn quay lại nơi làm việc vì đã tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà. Cùng với đó, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động muốn chuyển sang ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn…

Còn theo nhận định của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tập trung chủ yếu là nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử… Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch, lữ hành sẽ tăng từ 15 - 20% so với giai đoạn trước.

Qua việc tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của các doanh nghiệp với số lượng lên tới hàng chục nghìn lao động trong thời gian gần đây, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, cho rằng đây là tín hiệu tốt của thị trường lao động.

“Các ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn. Tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất như cơ khí, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may da giày, xây dựng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang đăng ký tuyển dụng tăng ở ngành công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…”, ông Thành thông tin.

Bên cạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày càng đa dạng các hình thức tổ chức, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai những phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, ông Vũ Quang Thành cho biết, từ nay đến cuối năm, Trung tâm DVVL Hà Nội dự kiến tổ chức các phiên chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ, lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước; việc làm bán thời gian, dịch vụ cuối năm dành cho sinh viên…

“Với mong muốn tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận cơ hội việc làm, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các trường đại học cao đẳng. Trước dịch Covid-19, chúng tôi đã tổ chức hoạt động này, tuy nhiên, 2 năm dịch Covid-19, việc đưa phiên giao dịch việc làm đến với sinh viên các trường đại học bị gián đoạn. Đây là cơ hội tốt để sinh viên tiếp cận với thị trường lao động; xây dựng thói quen, tác phong làm việc một cách bài bản, chuyên nghiệp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.