Cuối năm than trời 'sấp mặt' vì 'lịch' nhậu Tất niên, Tết đến

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
22/01/2019 08:33 GMT+7

Cuối năm, khi nữ giới thường 'than khóc' vì vất vả chuẩn bị sắm sửa thì nam nhân cũng có một nỗi sợ thường trực, đó là ...ăn nhậu. Từ tết Tây đến tết ta, họ phải 'bơi' qua cả trăm 'trường bia, trận rượu'...

1.001 cái tất niên phải nhậu

Ngoài cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp, sinh nhật, vào nhà mới... người Việt ngày thường còn có thể “chén anh, chén chú” bằng muôn vàn lý do khác: “rửa” đồ mới, tốt nghiệp một khóa học bất kỳ, đạt một mốc nào đó trong sự nghiệp... Và thậm chí, những cảm xúc mơ hồ cũng có thể “dắt người ta” đến bàn nhậu: có chuyện buồn, có chuyện vui hoặc có cảm giác...trống rỗng!
Ngày thường đã vậy, ngày cuối năm còn kinh khủng hơn. Bởi tất niên, tổng kết cuối năm, giao lưu cuối năm, họp mặt cuối năm... là những ngôn từ mỹ miều để nói về việc sẽ đi nhậu vì ở đó cái gì có thể thiếu chứ bia, rượu thì không.
N. một công chức ở TP.Đông Hà (Quảng Trị) bảo rằng anh thường có cảm giác... bất an vào những ngày cận Tết vì rất dễ bị kéo đi nhậu. Nói đoạn, N. bấm đốt ngón tay kể về những “trải nghiệm” sắp tới của anh: “Tất niên cơ quan, tất niên cơ quan vợ, tất niên hội đồng hương, tất niên hội bạn 4 cấp học (4 cuộc khác nhau), tất niên khu phố, tất niên xóm...”, mặt méo xẹo, N. Nói.
“Mốt bây giờ là tất cả hội hè đều có ...tất niên. Hội mô tô, hội xe đạp, hội cầu lông, hội bóng đá... thậm chí đến các bậc trung và cao niên đi bộ thể dục buổi sáng cũng có tiệc cuối năm”, N. ngao ngán kể.
Chưa kế rất nhiều cuộc nhậu cuối năm vô thưởng vô phạt mà gọi nôm na là “gặp nhau cuối năm”. “Chả có lý do gì, cũng chả có chung hội hè gì nhưng cuối năm gặp nhau, nhìn nhau rồi kéo nhau ra quán thôi”, Q., một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ở Đông Hà thừa nhận.
Dày đặc và tần suất kinh hoàng nhất vẫn là từ sau ngày 23 âm lịch, đây là giai đoạn của “tất niên” các gia đình. P., một thanh niên vừa bước sang tuổi 31, chưa vợ, từng “khai” với người viết rằng có 1 ngày anh đã phải “vác xác” đến tổng cộng 5 cái tất niên.
Và khi đã vượt qua hết những cửa ải cuối cùng của “tất niên các thể loại”, nhiều người đón Tết trong vật vờ vì những cơn “say nguội” do bia rượu mà ra!
 

Tiến thoái lưỡng nan

Ngày thường nói lời từ chối với bia rượu đã khó, ngày cuối năm còn khó gấp vạn lần. Bởi khi từ chối, người ta nhận lại ngay sự giận hờn, trách móc, thậm chí xỏ xiên, chửi bới. Nhẹ thì : “Cả năm gặp nhau một lần, lẽ nào mày không đi?” nặng thì “anh em với nhau gì mà tệ thế?” hoặc “căng nữa” thì: “Ông khinh tôi à?”.
Nên việc “nhậu tất niên” thường đặt người ta vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không đi không được mà đi thì khốn khổ. Không đi là mất mối quan hệ, là sự “nhạt phai” của tình cảm hoặc thậm chí là sự “ruồng rẫy” của bạn bè, anh em.
Người có sức khỏe tốt, “đô cao” đã đành, người sức khỏe kém và “đô thấp” thì những cuộc rượu cận tết đúng là hơn cả cực hình. Chưa hết, văn hóa của dân ăn nhậu, nếu ngồi vào bàn mà anh nào tỏ ra “yếu đuối”, “van xin” thì thường bị ăn hiếp, “tố” tập thể và hậu quả, họ mới chính là người phải “nạp rượu” nhiều nhất bàn.
Không từ chối được người ta đành bò lê bò lết, “sấp mặt” vào những cuộc “tổng kết” triền miên. Hậu quả thì nhãn tiền: là tai nạn giao thông, là vợ chồng lục đục, là bệnh tật... đầy mình. “Ai mà không biết thế, nhưng biết làm sao”, P., nói quấy quá.
Bản thân người viết cũng hoàn toàn ý thức được hậu quả của việc lạm dụng rượu bia. Ngày xuân lạm dụng cũng sẽ có những cái kết... kém vui. Nhưng nói câu từ chối lại khó vô cùng. Thậm chí, khi đang gõ những dòng này, điện thoại người viết vang lên 3 lần với lời giục giã quen thuộc: Tất niên!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.