Cương thổ Tây Nam: Chuyện kể năm 2000

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
10/10/2019 07:00 GMT+7

Mấy năm gần đây, tuy mốc chủ quyền đã được cắm trên biên giới, nhưng nhiều đối tượng thuộc một số đảng đối lập ở Campuchia, lúc này lúc khác vẫn có những hành động gây rối tại khu vực biên giới VN - Campuchia.

Không bỏ ruộng hoang

Cuối tháng 5.1993, cơ quan chuyển tiếp LHQ tại Campuchia (UNTAC) tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) ra chỉ lệnh “Tình hình Campuchia có những thay đổi ảnh hưởng đến biên giới Tây Nam nước ta. Tính chất quan hệ biên giới cũng từ đặc biệt chuyển thành quan hệ biên giới hòa bình, hữu nghị” và yêu cầu thường trực Bộ Tư lệnh (phía nam) tổ chức ban nghiên cứu khảo sát để thu thập tài liệu.

Cứ bảo biên giới quốc gia, nhưng đất đó là đất của nhà mình, bà con chòm xóm và tổ tiên mình. Giữ được đất, mới giữ được nồi cơm nuôi mình và cho con cháu sau này

Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Hòa Thạch, H.Châu Thành, Tây Ninh)
Bắt đầu từ thời điểm này, các phần tử cực đoan trong các đảng đối lập ở Campuchia ra sức tuyên truyền xuyên tạc vu khống VN lấn chiếm biên giới, đòi hủy bỏ các hiệp định biên giới VN - Campuchia, dùng vật chất lôi kéo người dân giáp biên giới đấu tranh tại một số điểm mà họ cho là VN lấn chiếm, nhằm tạo sức ép với chính phủ Campuchia trước thời điểm diễn ra các vòng đàm phán giải quyết vấn đề biên giới.
“Mùa mưa 2002, phía Campuchia liên tục cho lực lượng hỗ trợ dân địa phương xâm canh, tái xâm canh vi phạm chủ quyền VN ở một số điểm thuộc địa bàn phụ trách của Đồn biên phòng Tràng Riệc (Tây Ninh). Đặc biệt, ngày 25.7.2002, lực lượng bảo vệ biên giới của Đồn Đa (Campuchia) có trang bị vũ khí xâm nhập ngăn cản dân ta sản xuất”, thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó tư lệnh BĐBP, nhớ lại và kể thêm: Đồn biên phòng Tràng Riệc đã nhiều lần liên hệ với Đồn Đa nhưng họ không hợp tác. Sau đó, chúng tôi kiên quyết ngăn cản các hoạt động của Campuchia bằng cách tổ chức quần chúng thành các nhóm, tổ đấu tranh; tham mưu cho chính quyền địa phương gặp gỡ trao đổi, viết thư phản kháng; vận động nhân dân tiếp tục canh tác trên diện tích không bỏ hoang...

Lực lượng PGCM 2 nước VN - Campuchia bên mốc 136 (1) vừa được cắm vị trí, chuẩn bị xây dựng, năm 2010

Ảnh: Lê Quân

Cuối tháng 12.2008, đối tượng Senma Dara Di, Chủ tịch đảng Samreincy (SRP) của tỉnh Svay Rieng (Campuchia), xuống xã Samraong (H.Chanthrea) gặp và chỉ đạo một số cấp dưới của đảng SRP vận động nhân dân trong xã nhổ bỏ các cọc định vị xác định mốc giới. Chúng ra mục tiêu “Đội liên hiệp phân giới cắm mốc (PGCM) VN - Campuchia cắm đến đâu sẽ nhổ bỏ đến đó”. Ngay sau đó, đội tuần tra của Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây (Long An) phát hiện 4 cọc dấu xác định mốc 182, 184 bị nhổ. Kết quả điều tra cho thấy: 12 người dân Campuchia ở xã Samraong (Campuchia) có ruộng ở khu vực mốc đã nghe lời xúi giục, ra nhổ bỏ cọc dấu. Đại tá Nguyễn Văn Thành, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Long An, nhớ lại: “Lúc ấy, chúng tôi xác định đảng SRP phá hoại hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 2005 và đã lường trước việc họ có các hành động gây rối cản trở lực lượng PGCM của ta và Campuchia làm nhiệm vụ trên thực địa. Phải tăng cường bảo vệ anh em”.

Rợp cờ giữ đất

Tháng 7.2015, chúng tôi có mặt tại mốc 203 chứng kiến quân và dân tỉnh Long An đấu tranh ngăn chặn đảng cứu quốc Campuchia (CNRP) huy động người xâm phạm chủ quyền lãnh thổ VN tại mốc 202 - 203 thuộc xã Bình Hòa Tây, H.Mộc Hóa, Long An.
Khu vực từ mốc 202 - 203 thuộc ấp Bình Bắc (xã Bình Hòa Tây, H.Mộc Hóa, Long An) là địa bàn Đồn biên phòng Bình Hòa Tây quản lý. Đối diện là đồn cảnh sát bảo vệ biên giới X12 đóng tại ấp Prey Roboes (Xã Tnaot, H.Kampong Rou, Svay Rieng, Campuchia). Đoạn biên giới từ mốc 202 - 203 , theo hiệp ước bổ sung năm 2005 thì hai bên đã hoàn thành phân định biên giới cắm mốc từ năm 2009. Cuối tháng 6, đầu tháng 7.2015, đảng CNRP tập trung tại khu vực mốc 202 - 203 làm điểm tập trung chống phá, chuẩn bị kỹ lưỡng từng “kịch bản” cho cái gọi là “khảo sát”: Ra thông báo kêu gọi; vận động mọi tầng lớp tham gia; làm đơn xin phép chính quyền...
“Từ tháng 4 - 7.2015, CNRP đã tổ chức 18 đoàn (khoảng 3.600 lượt người), tập trung tại 16 điểm thuộc đoạn biên giới các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang để tiến hành các hoạt động khảo sát, quay phim chụp hình, phỏng vấn người dân, tuyên truyền vu cáo VN chiếm đất Campuchia”, thiếu tướng Lê Văn Thạo, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, cho biết như vậy và lắc đầu: “Họ kích động nhân dân Campuchia chống phá tiến trình PGCM, có nơi họ còn khiêu khích, xô xát với ta”.
Đảng CNRP chỉ đạo cùng thời điểm trên sẽ sẵn sàng tổ chức các đoàn xuống các khu vực khác như: khu vực mốc 145 - 146 (địa bàn xã Thna Thnong, H.Romdoul, Svay Rieng, Campuchia đối diện xã Hòa Thạch, H.Châu Thành, An Giang), mốc 184 - 185 (xã Samraong, H.Chanthrea, Svay Rieng đối diện xã Mỹ Quý Tây, H.Đức Huệ, Long An), khu vực 3 hố nước ở đoạn biên giới thuộc địa bàn Iana (H.Đức Cơ, Gia Lai)...
Chiều 28.6.2015, đảng CNRP tổ chức khoảng 250 người do ông Thach Setha (Chủ tịch hội K3 Campuchia) và Riakham Marinh (đại biểu quốc hội CNRP tỉnh Kandal, Campuchia) dẫn đầu, kéo đến khu vực mốc 202 - 203 khảo sát. Khi đến biên giới hiện quản, phía CNRP dùng loa tuyên truyền vu cáo VN lấn đất Campuchia và hành hung làm 7 cán bộ chiến sĩ, người dân Bình Hòa Tây bị thương. Ngay lập tức, phía ta triển khai các biện pháp ngăn chặn, đẩy đuổi số người gây rối về bên kia biên giới.
Do nắm bắt được thông tin và có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, từ ngày 12.7.2015, ban chỉ đạo tại Long An do thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Phó tư lệnh - tham mưu trưởng BĐBP (nay là trung tướng, Tư lệnh BĐBP), đã triển khai biện pháp xử lý các tình huống gây rối tại khu vực mốc 202 - 203. Đúng như dự kiến, sáng 19.7.2015, khoảng 1.800 người Campuchia do nhóm nghị sĩ quốc hội, chủ tịch CNRP của các tỉnh Kandal, Svay Rieng, Tbong Khmum, Siem Reap dẫn đầu, đã kéo đến khu vực mốc 202 - 203.
Đầu giờ chiều 19.7.2015, khoảng 600 người trong số này gặp lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia, đề nghị được khảo sát mốc 203. Khi được chấp thuận cho 100 người vào, họ đã lao nhanh sang khu vực để quay phim chụp ảnh. Cũng ở chân mốc 203, nghị sĩ Real Camerin của CNRP đã tuyên truyền xuyên tạc “VN cắm mốc lấn sang đất Campuchia” và yêu cầu chính phủ Campuchia không công nhận kết quả PGCM.
Trước tình hình trên, quan điểm của ta là “bình tĩnh, linh hoạt, thận trọng”, lấy tuyên truyền giáo dục thuyết phục là chính, xử lý các tình huống không sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, không để lực lượng tạo cớ gây rối... Lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tướng Hoàng Xuân Chiến đã xử lý khéo léo vụ việc, ngăn chặn đẩy đuổi và 15 giờ ngày 19.7.2015, đoàn người của CNRP đã rút khỏi khu vực mốc 203.

Giữ biên giới như giữ nồi cơm

Ông Nguyễn Văn Hùng (55 tuổi, ngụ xã Hòa Thạch, H.Châu Thành, Tây Ninh) có tới 2 ha ruộng ngay sát biên giới, cạnh Trạm kiểm soát biên phòng Hòa Thạch (Đồn biên phòng Phước Tân). Giữa năm 2015, đảng đối lập Campuchia liên tục kéo đến gây rối ở khu vực biên giới xã Hòa Thạch, ông Hùng gác mọi chuyện ruộng vườn, thậm chí cả cho thuê máy làm đất, để lên biên sát cánh cùng BĐBP giữ đất.
Bà Võ Thị Ngọc Anh, vợ ông Hùng, kể: “Cho thuê máy có khi được 1 - 2 triệu/ngày nhưng ông cũng không làm, tảng sáng mang cơm nắm bánh mì đi giữ mốc, tối mịt mới về. Liên tục như thế, có khi cả tháng”.
Nghe thế, ông Hùng cười: “Tôi thạo tiếng, lại sống ở đây từ nhỏ, biết hết mặt người dân Campuchia nên phải đi cùng bộ đội vận động người ta biết lẽ phải, chỉ mặt những đứa ở nơi khác đến kích động, gây rối”, rồi trầm ngâm: “Cứ bảo biên giới quốc gia, nhưng đất đó là đất của nhà mình, bà con chòm xóm và tổ tiên mình. Giữ được đất, mới giữ được nồi cơm nuôi mình và cho con cháu sau này”.
Câu nói này, tôi nghe suốt, khi gặp những người dân Tây nguyên, Tây Nam ở dọc biên giới VN - Campuchia, từ mốc chung 3 nước VN - Lào - Campuchia trên đỉnh núi cao của xã Bờ Y (Kon Tum) cho đến mốc 314 mép biển Hà Tiên (Kiên Giang). “Xây dựng đường biên giới chung giữa hai nước hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển bền vững” - Ý nghĩa này, những người dân VN và Campuchia sống dọc biên giới là trân trọng nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.