Tai nạn khiến cô gái phải đeo túi dẫn lưu nước tiểu
Tháng 7.2019, trong khi chị D. đang mở cửa ô tô để vào ghế lái thì bất ngờ một chiếc xe máy từ phía sau không làm chủ được tốc độ đã tông ép chị D. vào cửa ô tô. Chị D. ngất tại chỗ, chảy máu lượng lớn. Chị được đưa tới bệnh viện gần nhất cấp cứu, hồi sức tích cực và mở bàng quang ra da. Sau 2 tuần nằm viện, chị D. về nhà với ống thông tiểu và túi nước tiểu bên mình, vùng chậu chằng chịt vết thương rất đau đớn.
Tuy nhiên, chị D. vẫn rất lạc quan và nghĩ rằng chỉ ít lâu nữa thôi mình có thể trở lại với công việc.
Sau đó, hy vọng của chị D. cứ tắt dần khi chị được gia đình đưa đến nhiều cơ sở y tế khác nhau nhưng các bác sĩ đều lắc đầu vì tình trạng chấn thương của chị quá phức tạp. Sau nhiều tháng kể từ tai nạn, việc quanh quẩn trong 4 bức tường cùng các di chứng khiến chị suy sụp.
Gia đình chị D. đã tính đến nhiều phương án điều trị cho chị, bao gồm cả việc ra nước ngoài chạy chữa. Nhưng với hồ sơ bệnh án phức tạp, không một bệnh viện nào có thể khẳng định sẽ giúp chị D. có thể tự tiểu được. Qua tìm hiểu, chị D. được giới thiệu đến Bệnh viện Bình Dân và gặp phó giáo sư - bác sĩ Nguyễn Tuấn Vinh. Bác sĩ Vinh đồng ý thực hiện phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho chị nhưng cũng tư vấn kỹ về tiên lượng khó khăn và có thể phải thực hiện nhiều lần phẫu thuật tạo hình.
Hành trình điều trị kéo dài, nhiều khó khăn
Cuối năm 2019, phó giáo sư Nguyễn Tuấn Vinh và các bác sĩ khoa Niệu B, Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật tạo hình niệu đạo đợt 1 cho người bệnh. Mục tiêu của phẫu thuật là tái tạo lại cổ bàng quang, tìm kiếm niệu đạo và nối niệu đạo vào cổ bàng quang mới.
Do có nhiều tổn thương và di lệch vùng khung chậu, trường hợp phẫu thuật này còn có sự phối hợp thực hiện của các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình từ Bệnh viện Chợ Rẫy, để đánh giá độ vững và biến dạng xương chậu, thực hiện cắt khớp xương mu, kiểm soát chảy máu, mở rộng phẫu trường để các bác sĩ niệu có thể thao tác.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Văn Kiệt, một trong những bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân, kể lại: "Niệu đạo nữ ngắn chừng 3-4cm, khi bị đứt thì co lại nên khi tìm kiếm đoạn di lệch của người bệnh khá khó khăn. Ca phẫu thuật đã lấy can xi xương và các mô xơ làm biến dạng âm đạo và di lệch niệu đạo, đồng thời bóc tách các vùng dính ở ruột".
Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Vinh chia sẻ thêm: "Quá trình phẫu thuật phải tinh tế để không tổn thương niệu đạo, cố gắng bảo tồn các cơ đáy chậu giữa để người bệnh có thể kiểm soát được việc đi tiểu sau phẫu thuật. Tiếp đến là tạo hình lại cổ bàng quang đã bị bít tắc, nối mỏm niệu đạo với cổ bàng quang mới tạo hình, đặt thông niệu đạo. Để đảm bảo giữ sạch vết thương, chúng tôi dẫn lưu nước tiểu tạm thời".
Hậu phẫu một tuần, người bệnh được rút thông niệu đạo. Thông bàng quang được rút sau phẫu thuật 2 tuần. Từ lúc này, bệnh nhân chính thức thoát khỏi việc đeo túi nước tiểu bên mình.
Sau phẫu thuật thành công ban đầu, bệnh nhân được tư vấn về nguy cơ són tiểu hậu phẫu. Người bệnh bước vào giai đoạn tiếp theo với việc tập cơ sàn chậu theo hướng dẫn của các bác sĩ tiết niệu. Dần dần, nhờ kiên trì luyện tập, tình trạng són tiểu của chị D. được cải thiện hơn. Cô bắt đầu trở lại với công việc văn phòng.
Sáu tháng sau, người bệnh tiếp tục bước vào ca phẫu thuật để loại bỏ các mô sẹo co rút và các can xương để giải phóng âm đạo. Một số phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục ngoài tiếp theo cũng diễn ra thuận lợi đã giúp hiệu quả điều trị được hoàn thiện hơn.
Hơn 3 tháng sau đợt phẫu thuật, chị có thể leo núi và hiện tại đang mang thai con đầu lòng. Mặc dù chị cũng gặp một số khó khăn trong quá trình mang thai như dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn, tình trạng són tiểu nặng hơn, tuy nhiên thoát khỏi việc đeo túi nước tiểu là điều may mắn để trở về cuộc sống bình thường.
Bình luận (0)