Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck được tuyên vô tội trong một vụ án hình sự

27/12/2023 11:32 GMT+7

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được tuyên bố vô tội trong vụ tố tụng hình sự xoay quanh cáo buộc bà lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người thân vào một vị trí quan trọng trong bộ máy an ninh quốc gia.

Trong phán quyết ngày 26.12, Tòa án Tối cao Thái Lan kết luận rằng bà Yingluck, em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, không có ý định gây thiệt hại trong vụ thuyên chuyển nhân sự tại Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan (NSC) năm 2011, theo tường thuật của báo Bangkok Post.

Tòa cho rằng đây là một vụ thuyên chuyển bình thường, không phải là âm mưu đưa người thân ngồi vào ghế lãnh đạo cảnh sát quốc gia. Tòa cũng thu hồi lệnh bắt giữ bà Yingluck, vốn được ban hành khi bà không ra hầu tòa vào tháng 11 năm ngoái trong quá trình xét xử của tòa cấp dưới.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck được tuyên vô tội trong một vụ án hình sự- Ảnh 1.

Bà Yingluck Shinawatra tại tòa án ở Bangkok năm 2017

CHỤP MÀN HÌNH THE NEW YORK TIMES

Bangkok Post cho hay cáo buộc lạm quyền liên quan sự việc xảy ra vào ngày 30.9.2011 khi bà Yingluck, lúc đó là Thủ tướng Thái Lan, ký lệnh thuyên chuyển Tổng thư ký NSC Thawil Pliensri sang làm cố vấn cho bà. Nội các sau đó tán thành việc bổ nhiệm tướng Wichean Potephosree, lãnh đạo cảnh sát quốc gia đương thời, làm tổng thư ký mới của NSC.

Sau đó, bà Yingluck, với tư cách cựu Chủ tịch Ủy ban Cảnh sát, đã đề xuất bổ nhiệm tướng Priewphan Damapong, khi ấy là phó lãnh đạo cảnh sát quốc gia, ngồi vào ghế trống mà ông Potephosree để lại. Đề xuất này đã được Ủy ban Cảnh sát chấp thuận.

Tướng Priewphan là anh trai của bà Potjaman Na Pombejra, vợ cũ của ông Thaksin. Vào thời điểm đó, ông Priewphan chỉ còn một năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu.

Theo Nikkei Asia, ông Thawil được phục chức tại NSC sau khi kiến nghị lên Tòa án Hành chính Tối cao Thái Lan, yêu cầu hủy bỏ mệnh lệnh của bà Yingluck. Vào tháng 2.2014, tòa này ra phán quyết kết luận bà Yingluck đã lạm dụng quyền lực trong vụ thuyên chuyển và bổ nhiệm nhân sự nói trên.

Vụ việc là lý do để Tòa án Hiến pháp Thái Lan phế truất bà Yingluck vào ngày 7.5.2014, với phán quyết cho rằng thủ tướng đã can thiệp vào quá trình bổ nhiệm nhân sự của chính phủ để mang lại lợi ích cho người thân của bà. Hai tuần sau, bà Yingluck bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.

Bà Yingluck rời Thái Lan vào tháng 8.2017, cùng ông Thaksin sống lưu vong. Dù không có mặt tại tòa, bà vẫn bị kết án 5 năm tù trong một vụ án khác liên quan chương trình trợ giá gạo bị cho là đầy rẫy tham nhũng của chính phủ thời bà còn làm thủ tướng.

Ông Thaksin, 74 tuổi, trở về Thái Lan sau 15 năm sống lưu vong vào ngày 22.8, cùng ngày doanh nhân Srettha Thavisin được bầu làm Thủ tướng Thái Lan. Ông Thaksin ngay lập tức được đưa tới Tòa án Tối cao và bị tuyên án tổng cộng 8 năm tù với ba cáo buộc tham nhũng. Sau đó, ông bị quản thúc trong một bệnh viện và Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã giảm án cho ông xuống còn một năm.

Bà Yingluck, 56 tuổi, phải đối mặt với một lệnh bắt giữ khác liên quan các cáo buộc hình sự mà Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC) đưa ra. NACC cáo buộc bà lạm dụng công quỹ khi chính phủ của bà phân bổ 240 triệu baht (6,9 triệu USD) cho một chương trình quảng bá cơ sở hạ tầng từ năm 2013 đến năm 2014, theo Nikkei Asia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.