Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ: Tình mặc khách

03/03/2021 06:40 GMT+7

Đó là vào một đêm của năm 1933. Câu chuyện của hai người đàn ông tuổi đôi mươi đi dạo bộ bên mặt hồ mờ sương, dưới bóng trăng lạnh dễ làm ta liên tưởng đến một cuộc hẹn hò thi vị của đôi tình nhân đang bước vào miền địa đàng hư ảo. Thật ra, đôi bạn tri âm ấy lặng lẽ cùng nhau đi vào cõi miền thơ ca, cái đẹp, như Lưu Nguyễn lạc chốn Đào Nguyên.

 

Hạnh ngộ tri âm

Mùa xuân năm ấy, thi sĩ Hàn Mặc Tử 21 tuổi; làm công chức ở Sở Đạc điền Quy Nhơn. Trong một dịp nghỉ phép, anh theo gia đình nhà thầu Bùi Xuân Lang lên Đà Lạt du ngoạn, thăm bạn thơ Quách Tấn, lúc bấy giờ đang làm công chức Tòa Công sứ Đà Lạt.
Tình bạn giữa Hàn Mặc Tử và Quách Tấn trước đó đã có một bước đệm khá dài.
Có bạn tri âm đến thăm, ông công chức Tòa Công sứ Đà Lạt xin nghỉ phép để làm hướng dẫn viên đưa bạn đi thăm thú các thắng cảnh trong thành phố. Một Hàn Mặc Tử ngơ ngác trước sương, mây, cảnh sắc; dễ dàng chìm đắm vào không gian “những đêm trăng, hồn oan hiện lên ngồi nơi hồ Than Thở, tiếng nghe não nùng” khi họ picnic ở hồ Than Thở; tham quan Tour de Chasse bằng ngựa (Hàn Mặc Tử thích dùng cụm từ “Đường Vòng Mỹ Cảnh” để nói về chuyến tham quan bằng ngựa quanh Đà Lạt); thẫn thờ như người mất hồn khi đứng trên cây cầu gỗ uốn cong bên dòng thác Cam Ly nghe gió mát lạnh, hoa rừng thoảng đưa và dõi mắt nhìn đám cà tong nhảy nhót trong những khu rừng hoang sơ...
Quách Tấn đã vén bức màn bí mật về một thành phố hư ảo bằng các chuyến ngoạn cảnh để tâm tình tri âm thêm đậm đà và để tâm hồn thi nhân của Hàn Mặc Tử được hòa làm một với cảnh sắc nơi thành phố sinh ra dành cho những tâm hồn đa sầu đa cảm.
Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ: Tình mặc khách

Chân dung thi sĩ Hàn Mặc Tử qua nét vẽ của Tạ Tỵ

Nhà thơ của Mùa cổ điển kể lại trong cuốn hồi ức Đôi nét về Hàn Mặc Tử khá chi tiết về chuyến thăm Đà Lạt gần mười ngày của Hàn Mặc Tử vào mùa xuân năm 1933. Những câu văn hư ảo vi diệu nói về một lần dạo chơi bên hồ Xuân Hương:
“Tối đến tôi đưa Tử đi dạo. Dạo cảnh Đà Lạt lúc ban đêm cũng là một kỳ thú (...).
Đến bờ hồ nhìn xuống mặt nước, chúng tôi mới nhớ là đêm trăng! Mặt hồ lóng lánh. Và vầng trăng dưới nước trông sáng gấp mấy lần vầng trăng ở trên mây. Tử nói:
- Cứ xem bóng trăng cũng biết hồ Đà Lạt trong đến ngần nào.
Tôi tiếp:
- Theo tôi chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương mới đáng gọi là nước. Nước ở các sông các hồ, dù trong đến đâu, dù sâu đến đâu, sắc xanh cũng có phần lợt lạt. Duy chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương là đượm đà màu nước biển (...) Và muốn thấy rõ cái đẹp của nước hồ Đà Lạt thì phải đến ngắm lúc ban trưa khi tạnh trời.
Tử trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
- Không có cảnh thì khó
có thơ, mà đứng trước cảnh đẹp quá, thơ nghĩ cũng không ra được.
- Theo tôi không phải cảnh quá đẹp mà thơ không dám ra. Đó là vì đứng trước cảnh đẹp cũng như đứng trước tình đẹp, người thơ mắc lo tận hưởng cái đẹp của tình của cảnh, tâm trí đâu mà nghĩ đến thơ. Hơn nữa người thơ chỉ làm thơ trong khi thiếu thốn. Mà tình kia cảnh kia đã quá đủ cho tâm hồn ôm ấp, thì người thơ còn thiếu thốn gì nữa mà làm thơ?
Tử vỗ tay tán thưởng”.
Trong cảnh thực huyền mơ...
Cảnh đẹp của trăng mờ tán sắc sau cơn mưa, khi những mảng sương lớn sà xuống mặt hồ đã làm cho không gian nơi hai thi nhân ngoạn cảnh trở nên hư ảo. Sự dịch chuyển vi tế, huyền hoặc của đất trời đã gieo vào trong tâm hồn nhạy cảm của thi sĩ Hàn Mặc Tử một “mã thơ”. Vẫn Quách Tấn thuật lại phút giây “thiêng liêng khởi đầu” ấy:
“Chúng tôi có cảm giác trời đất đã tan thành thủy tinh và chúng tôi đang đứng giữa hư vô… Sương bay thắm má và một luồng hơi ấm tỏa khắp châu thân, gây một cảm khoái dìu dịu. Tôi nói khẽ cùng Tử:
- Mình đương chìm vào mộng hay mộng đang lắng vào mình?
- Hư thực phân biệt làm sao được! Nhưng chớ nói nhiều... Hãy lắng nghe... Dường như có tiếng thì thầm từ đáy hồ vọng đến. Tôi không mơ đâu nhé! Hãy lắng nghe…
Đứng tựa lan can cầu trước dinh Quản Đạo, chúng tôi nắm chặt tay nhau. Rồi sương tan dần và mặt trăng sáng trở lại. Tử nói:
- Cảnh thật huyền mơ! Tiếng lòng lẫn cùng tiếng tạo vật! Con người hòa hẳn vào thiên nhiên!”.
Sau đêm ấy, cả hai thi sĩ đã bị cái lạnh Đà Lạt quật ngã. Họ nằm bệnh một tuần lễ. Hàn Mặc Tử bắt đầu hiểu tâm tính của đất trời nơi đây, như chính những cư dân bản địa.
Dự tính tham quan thác Gougah, thác Ankroet, hồ O’Neill hay đỉnh Lang Biang của họ đã không thực hiện được, vì thi sĩ tự cho mình là “phong trần” đã phải trở về Quy Nhơn sau đợt cảm lạnh đến suy nhược. Nhưng đêm trăng huyền diệu đó đã được Hàn Mặc Tử đưa vào trọn vẹn trong bài thơ Đà Lạt trăng mờ. Có những câu xuất thần:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
Hàng thông lấp loáng đứng trong im,
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được?
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.
Bài thơ về sau còn được Hà Xuân Tế chuyển ngữ tiếng Pháp đăng trên tuần san Indochine số 25, năm 1941; là bài thơ bất hủ về Đà Lạt.
 
(Trích: Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, NXB Trẻ, 2021)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.