Đà Nẵng gặp khó đối với giám sát y tế sau cách ly khi nhập cảnh

An Dy
An Dy
14/01/2021 20:55 GMT+7

Ngày 14.1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã yêu cầu Đà Nẵng giám sát kỹ những trường hợp đã hoàn tất cách ly 14 ngày, vì vẫn có trường hợp bệnh phát hiện sau cách ly.

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường dẫn đầu đã có buổi kiểm tra công tác phòng dịch tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, tại khách sạn đang thực hiện cách ly công dân nhập cảnh từ Mỹ (hôm 13.1) và làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng, đoàn tập trung vào công tác giám sát dịch triệt để đối với những trường hợp nhập cảnh, quản lý nhập cảnh, theo dõi, giám sát cách ly y tế 14 ngày sau nhập cảnh và theo dõi các trường hợp công dân Việt Nam nhập cảnh sau khi hết cách ly 14 ngày.

Giám sát người nhập cảnh hoàn tất cách ly 14 ngày

Theo thứ trưởng Cường, Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính sau khi kết thúc thời gian cách ly 14 ngày, chính vì vậy công tác theo dõi, giám sát sau cách ly rất quan trọng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết địa phương thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh đã hoàn thành cách ly.

Một khách sạn tại Đà Nẵng, nơi thực hiện cách ly y tế đối với các công dân trở về từ Mỹ hôm 13.1

An Dy

Cụ thể, ngành y tế Đà Nẵng yêu cầu những người nhập cảnh đã hoàn thành cách ly chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi làm việc, học tập, sinh hoạt. Hạn chế tiếp xúc với người khác, hạn chế đến nơi tập trung đông người. Ghi nhận nhật ký đi lại của mình ít nhất trong 14 ngày kể từ ngày hoàn thành cách ly tập trung.
Theo ông Hồng, đối với các trường hợp người nhập cảnh đã hoàn thành cách ly nhưng có một trong các biểu hiện sốt; ho; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc viêm phổi…trong vòng 14 ngày kể từ ngày hoàn thành cách ly tập trung, sẽ đưa vào nhóm ca bệnh nghi ngờ để tiếp tục theo dõi và thực hiện xét nghiệm sàng lọc.

Gặp khó ở quy trình giám sát sau cách ly

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cũng đề xuất những khó khăn cần được hỗ trợ, tháo gỡ.
Đối với công tác nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, địa phương gặp khó đối với việc xác minh giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm không dương tính với Covid-19 của một số khách nhập cảnh do không cập nhật được đầy đủ danh sách các phòng xét nghiệm Covid-19 của các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó việc khai báo y tế cho công dân gặp nhiều khó khăn do phần lớn không được thông báo khai báo y tế trước khi lên máy bay.

Đà Nẵng cần được hướng dẫn chi tiết quy trình theo dõi sau cách ly 14 ngày đối với các trường hợp nhập cảnh, cũng như người tiếp xúc gần với các trường hợp sau cách ly

An Dy

Để làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch, Đà Năng đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn chi tiết về quy trình giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh đã hoàn thành cách ly; hướng dẫn chi tiết về trường hợp lực lượng phục vụ, cán bộ y tế, lực lượng làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly, nhân viên khách sạn có trang phục bảo hộ.
"Cần có hướng dẫn đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 thì ngoài xét nghiệm, có thực hiện cách ly y tế 14 ngày không, cần phải theo dõi, giám sát y tế trong thời gian bao lâu và có cần tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác trong vòng 14 ngày không”, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đề xuất.
Tại Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại, đã tiếp nhận 8.921 trường hợp chuyên gia, công dân từ 15 quốc gia nhập cảnh vào Sân bay quốc tế Đà Nẵng, trong đó có 5.406 trường hợp được cách ly tại các khu cách ly tập trung của quân đội, 3.472 trường hợp cách ly tại 23 khách sạn, 34 trường hợp cách ly điều trị tại các cơ sở y tế. Tại địa phương chưa xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 sau thời gian cách ly 14 ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.