Đà Nẵng hạn chế xáo trộn khi sáp nhập phường

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
10/06/2024 06:40 GMT+7

Thời gian qua, không khí tọa đàm, tranh luận về đặt tên phường sau sáp nhập tại TP.Đà Nẵng rất sôi động, cho thấy sự quan tâm đặc biệt từ phía người dân.

Để đảm bảo diện tích tự nhiên và dân số theo quy định, dự kiến Q.Hải Châu sẽ sáp nhập các phường: Hải Châu 1 và Hải Châu 2 thành Hải Châu 1; Phước Ninh, Nam Dương và Bình Hiên thành Nam Bình Phước hoặc Nam Phước; Bình Thuận và P.Hòa Thuận Đông thành Hòa Bình.

Trong khi đó, bà Trần Thị Cúc Hương, Phó ban Dân vận Quận ủy Hải Châu, đề xuất đặt tên P.Phước Ninh khi sáp nhập P.Phước Ninh với P.Nam Dương, P.Bình Hiên thay vì ghép tên mới, để không xáo trộn quá nhiều. Tên Phước Ninh cũng gắn với nhiều yếu tố lịch sử như tên nghĩa trủng, chùa, đình làng. P.Hải Châu 1 và P.Hải Châu 2 sáp nhập lấy tên chung là P.Hải Châu, với lịch sử làng, đình làng cùng tên gọi.

Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Dũng, nguyên Chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho biết nếu tên sau sáp nhập là Hải Châu 1 trong khi đã bỏ tên Hải Châu 2 thì sẽ gây thắc mắc. Ông kể câu chuyện tên gọi Hải Châu suýt mất năm 1997 khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Ban đầu định đặt tên là Q.Sông Hàn, nhưng đưa ra Quốc hội không thống nhất vì sông Hàn còn liên quan đến khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. "Cũng may là ông Mai Thúc Lân lúc ấy là Phó chủ tịch Quốc hội và ông Trương Quang Được (lúc đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng) đã bảo vệ tên gọi Q.Hải Châu với lý do lịch sử", ông Ngô Văn Dũng nói. Ông Dũng cũng đề xuất giữ tên gọi P.Bình Thuận sau khi sáp nhập phường này và P.Hòa Thuận Đông, bởi hiện nay vẫn còn P.Hòa Thuận Tây giữ được tên gốc Hòa Thuận.

Về phía người dân, ông Nguyễn Quốc Thảo (ngụ P.Hòa Thuận Đông) cho rằng người dân không quá lo về việc mất tên, mà họ chỉ cần đời sống, kinh tế tốt lên sau khi sáp nhập; đồng thời phải giải thích cho người dân hiểu, không cần đổi giấy tờ cá nhân còn hạn sử dụng khi giải quyết thủ tục hành chính để tránh phiền hà.

Còn nhiều người dân ở P.Nam Dương thì rất tự hào về tên gọi địa phương, nên muốn lưu lại tên phường trong lịch sử. Với họ, việc giữ hay bỏ tên gọi không có ý nghĩa phường "lớn" hay phường "nhỏ". Vì thế, bà Dương Thị Bích Thủy, Bí thư Đảng ủy P.Nam Dương, cho hay tên mới sau sáp nhập của 3 phường Phước Ninh, Nam Dương, Bình Hiên là băn khoăn lớn nhất khi không thể "so sánh" được về lịch sử, truyền thống 3 địa phương. "Tôi tâm đắc nhất là tên Phước Ninh sau sáp nhập với những dữ liệu lịch sử và cơ sở sẵn có. Nếu đặt tên Nam Bình Phước hoặc Nam Phước thì phát sinh tên mới và lại trùng với thị trấn ở H.Duy Xuyên, Quảng Nam", bà Dương Thị Bích Thủy nói.

Bà Hoàng Giang Yên Thủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN Q.Hải Châu, cho biết ngay từ khi TP dự thảo tên gọi, trước cả khi địa phương tổ chức các buổi lấy ý kiến đã nhận được rất nhiều đóng góp đầy tình cảm, lập luận thuyết phục của nhân sĩ, trí thức, công dân. Đa số đều mong muốn hạn chế thấp nhất thay đổi tên gọi, tránh xáo trộn về giấy tờ. Địa phương rất tôn trọng, tiếp thu các ý kiến, khuyến khích công dân phát huy vai trò, trí tuệ trong việc đặt, đổi tên các phường, đẩy mạnh công tác dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Do đó, địa phương tiếp thu nghiêm túc, đánh giá toàn diện để đề xuất cơ sở để tạo sự đồng thuận, đáp ứng yêu cầu sáp nhập.

Cũng như Q.Hải Châu, Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) thống nhất không đặt thêm tên mới sau sáp nhập phường, như sáp nhập P.Tam Thuận và P.Xuân Hà lấy tên P.Xuân Hà (thay cho tên P.Hà Tam Xuân như dự thảo). P.Thạc Gián và P.Vĩnh Trung lấy tên P.Thạc Gián; P.Tân Chính và P.Chính Gián lấy tên P.Chính Gián (dự thảo tên P.Tân Chính Gián); P.Thanh Khê Đông với P.Hòa Khê thành P.Thanh Khê Đông (tên dự thảo là P.Thanh Hòa).

Q.Sơn Trà sáp nhập P.An Hải Đông và P.An Hải Tây thành P.An Hải Nam, để phân biệt với P.An Hải Bắc hiện hữu, căn cứ từ việc giữ lại tên gốc trước khi chia tách/sáp nhập phường, không đặt thêm tên mới để tránh xáo trộn…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.