Đà Nẵng phong tỏa: 'Chúng tôi là bác sĩ trực tuyến miễn phí'

An Dy
An Dy
22/08/2021 13:11 GMT+7

Hàng trăm lượt tư vấn trực tuyến mỗi ngày cho các tình huống bệnh, nhiều trường hợp cấp tính được phát hiện, cấp cứu kịp thời... Đó là những ngày không thể nào quên của nhóm bác sĩ trực tuyến Đà Nẵng giữa những ngày phong tỏa...

Họ là nhóm 15 bác sĩ (BS) trẻ đang làm việc tại các bệnh viện (BV) tại Đà Nẵng như BV Đà Nẵng, BV Phụ sản Nhi, BV C, BV Hoàn Mỹ...
Khi Đà Nẵng thắt chặt các biện pháp giãn cách, phong tỏa cứng nhiều khu vực toàn thành phố, những BS này nắm tay nhau lại thành một "vòng tròn" chia sẻ thông tin tư vấn khám, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên các trang mạng xã hội.
Nhóm huy động sự tham gia của các BS chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi với các nhóm ngành ngoại tiêu hóa, ngoại tim mạch, nội tiêu hóa, nội thận nội tiết, gan mật tụy, nội thần kinh cơ xương khớp huyết học, sản phụ khoa, nhi khoa, ung bướu, tai mũi họng...

Danh sách bác sĩ trực tuyến miễn phí tại Đà Nẵng được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội

ẢNH: Q.T

Tư vấn trực tuyến 24/7

Thu xếp xong thời gian cho ca kíp trực tại BV, BS Tô Thị Tình (35 tuổi, chuyên khoa Nội tiêu hóa, nội thận nội tiết, BV Đà Nẵng) cùng các đồng nghiệp trẻ của mình tham gia nhóm BS trực tuyến gần 10 ngày qua. Vì đặc thù chuyên khoa, những cuộc gọi đến số của BS Tình đều là những cơn đau cấp tính cần được tư vấn gấp.
Nhóm bệnh gọi cô BS trẻ này chủ yếu là nhóm đau cấp tính dạ dày, nhiễm trùng đường tiểu. Qua điện thoại hoặc cuộc gọi Zalo có màn hình, bệnh nhân (BN) mô tả triệu chứng... kèm với tiền sử một vài lần có cơn đau quặn thận để BS chẩn đoán.
“Khi bệnh nhân gọi điện, nếu không miêu tả rõ triệu chứng, chúng tôi đề xuất họ gọi Zalo để xem rõ hơn vị trí chỗ đau, cơn đau. Có những trường hợp đau dạ dày, loại trừ những trường hợp ruột thừa viêm sớm... chúng tôi hướng dẫn BN liên hệ tổ dân phố và trạm y tế để mua thuốc uống tạm và tiếp tục theo dõi”, BS Tình nói.
Theo hướng dẫn của BS, nhiều người nhà BN ghi tên thuốc nhờ tổ trưởng đi mua rồi về chụp ảnh thuốc gửi lại BS xác nhận, tư vấn uống theo liều lượng.

Một bệnh nhân lớn tuổi dùng Zalo chưa thạo vẫn gửi ảnh số thuốc vừa mua cho các bác sĩ tư vấn kiểm tra trước khi uống

ẢNH: Q.T

 
Ngay trong buổi sáng thứ tư của đợt phong tỏa toàn thành phố Đà Nẵng, BS Tình cũng nhận cuộc gọi từ một gia đình BN gần 70 tuổi đang ở giai đoạn biến chứng tiểu đường.
“Ngay khi tiếp nhận cuộc gọi được người nhà chuyển trực tuyến, thấy BN có dấu hiệu lơ mơ, gần hôn mê, tôi yêu cầu người nhà chủ động gọi ngay cấp cứu 115. Cùng với đó là đánh giá tình hình, thấy BN có 1 trong 2 khả năng hạ đường huyết hoặc tai biến. Rất may BN còn 1 thẻ để thử đường, khi báo thông số, quyết định cho BN uống ngay nước đường và hồi tình dần, có thể tỉnh táo hơn, vận động được... Sau đó tôi tiếp tục theo dõi, hướng dẫn lại cách dùng insulin cho người nhà BN, theo dõi tình trạng bệnh”, BS Tình kể.
BS Lâm Quan Thuận (31 tuổi, chuyên khoa Nội tim mạch máu, BV Đà Nẵng) cũng đang theo dõi trực tuyến cho những BN bệnh mạn tính. Trường hợp gần nhất là một BN 78 tuổi (P.Bình Hiên, Q.Hải Châu) có bệnh tăng huyết áp, viêm dạ dày, rối loạn tuần hoàn não đang điều trị thuốc định kỳ liên tục.
“Sau khi nắm tình hình bệnh nhân, chứng tôi tư vấn thêm thuốc và theo dõi. Đồng thời hướng dẫn người nhà liên hệ y tế địa phương để mua thuốc, điều chỉnh chế độ ăn, hướng dẫn tự theo dõi huyết áp và tình trạng bệnh tại nhà. Nếu có bất thường, người “, BS Thuận kể.

BS Lâm Quan Thuận, người khởi xường nhóm bác sĩ trực tuyến Đà Nẵng

ẢNH: Q.T

Tiếp cận y tế hiệu quả nhất

Đây là nỗ lực mà nhóm BS trực tuyến hướng tới, để đảm bảo người bệnh không quá hoang mang về tình trạng của mình, cũng không quá chủ quan trước những tình huống dự phòng cấp cứu sớm nhất có thể.
Bác sĩ Tình cho biết, khi mới hoạt động, nhóm cũng gặp khó trong việc thu xếp tiếp nhận điện thoại của BN. Nhiều trường hợp chưa thể nghe điện thoại, BN có thể để lại tin nhắn để BS goi lại, trừ trường hợp cấp cứu phải gọi 115.
Có nhiều BS có lượt tư vấn mỗi ngày hơn 20 người, vừa tư vấn, thăm khám trực tuyến, vừa lưu danh bạ để theo dõi, kết nối từng ngày. Những người trẻ có thể chủ động kết nối Zalo với BS để được theo dõi, nhưng những BN lớn tuổi thì phải gọi trực tiếp, hướng dẫn chi tiết, động viên và trấn an liên tục. Đặc biệt là tư vấn, hướng dẫn BN kết nối với tổ dân phố, trạm y tế khi cần hỗ trợ y tế, mua thuốc, nhận thuốc trong điều kiện phong tỏa cứng, giãn cách tuyệt đối.
“Những dạng bệnh mà chúng tôi tư vấn theo dõi nhiều nhất vẫn là các bệnh mạn tính, theo dõi sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, vận động.”, BS Thuận nói.

Phân tầng nguy cơ, phân loại bệnh ngay từ ban đầu

Ngay từ khi thành lập, nhóm xác định mục đích khám trực tuyến là phân tầng nguy cơ, góp phần phân loại bệnh ngay từ ban đầu, xác định hướng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn tái khám theo y bạ, nhận thuốc thì liên hệ tổ trưởng, trạm y tế... Những BN có tình trạng nặng cần đi BV thì nhóm sẽ hướng dẫn tiếp cận BV theo cấp cứu 115. 
Theo BS Thuận, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, giãn cách xa hội kéo dài, những BS trẻ năng nổ, nhiệt tình, cũng mong muốn góp sức mình vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Đà Nẵng thắt chặt gian cách “ai ở đâu thì ở đó” khiến lượng BN có nhu cầu liên hệ khám trực tuyến càng nhiều.
“Dù vất vả nhưng các thành viên nhóm đều hào hứng, thấy mình có ích, giúp được người dân trong giai đoạn khó khăn và trong khả năng của mình. Đây thực sự là những ngày không thể nào quên”, BS Thuận, đại diện nhóm BS trực tuyến miễn phí, chia sẻ thêm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.