11 chợ truyền thống hoạt động trở lại
Tính đến tối qua 28.8, các địa phương trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã có 19 chợ dân sinh hoạt động, trong đó mở lại 11 chợ truyền thống và 8 chợ tạm.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng (BCĐ), các chợ truyền thống hoạt động dưới sự giám sát của Ban quản lý chợ và các chợ tạm hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng dân quân và công an phường. Xung quanh các chợ có rào chắn do lực lượng dân phòng canh gác, theo dõi, lối ra vào cổng chợ được kiểm soát chặt chẽ...
Hàng hóa được bán tại các chợ gồm: thịt, cá, rau, củ, quả, gia vị, thực phẩm sơ chế sẵn. Giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động, bất thường. Tại các quầy bán hàng có niêm yết giá hàng hóa.
Số lượng quầy hàng tại các chợ ít, các quầy bán hàng cách nhau tối thiểu 5 mét có rào chắn, đảm bảo thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch theo quy định.
Số lượng quầy hàng tại các chợ ít, các quầy bán hàng cách nhau tối thiểu 5 mét có rào chắn, đảm bảo thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch theo quy định.
Theo quy định của BCĐ, người mua hàng tại các chợ là tổ trưởng tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng và phải xếp hàng, mua hàng theo đơn hàng nhận từ các hộ dân.
|
Đáng chú ý, các tiểu thương tại các chợ phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, có 3 lần xét nghiệm âm tính mới được phép bán hàng tại chợ. Khi bán hàng, phải sử dụng kính chắn giọt bắn, đeo khẩu trang, khử khuẩn, thực hiện nguyên tắc 5K; tự liên hệ nguồn hàng để mang về bán...
BCĐ nhận định, mặc dù nguồn hàng còn hạn chế do không có đầu mối lớn tại Đà Nẵng để cung cấp hàng cho các tiểu thương nhưng việc mở lại các chợ dân sinh đã giúp đáp ứng một phần nhu cầu của người dân trong thời gian phong tỏa TP.
Chiều tối 28.8, tại cuộc họp BCĐ, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho hay hiện các địa phương đang rà soát và mở lại các chợ truyền thống để cung ứng lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, do lực lượng không nhiều nên các địa phương phải đánh giá tình hình, thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch.
“Nếu mở chợ nhiều trong khi lực lượng mỏng, kiểm soát không chặt chẽ thì sẽ khổ và sẽ trả giá. Các địa phương phải đánh giá mức độ cung ứng cơ bản đảm bảo nhu cầu. Chứ nếu muốn đáp ứng hết và bung hết các chợ ra thì rất nguy hiểm. Khi điều kiện chưa đảm bảo thì phải cân nhắc kỹ việc mở các chợ”, ông Chinh nhấn mạnh.
Công an TP.Đà Nẵng mở 30 điểm bán hàng bình ổn giá
Cũng tại cuộc họp này, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho rằng một số quận trung tâm với nhiều điểm đỏ, điểm phong tỏa (như Thanh Khê) cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc cung ứng lương thực, thực phẩm. Sở Công thương TP cần lưu ý nguồn cung ứng hàng hóa để chủ động, phân phối đến các địa điểm…
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhận định việc cung ứng lương thực, thực phẩm hiện đang khó khăn nhưng cơ bản nguồn thực phẩm tươi sống tại TP vẫn chủ động được. Nhiều địa phương đã tìm được nguồn cung ứng lân cận. Như Q.Liên Chiểu tìm nguồn từ Thừa Thiên - Huế, Q.Ngũ Hành Sơn tìm nguồn từ Quảng Nam.
Ông Quảng biểu dương Công an TP đã mở 30 điểm bán hàng bình ổn giá với chất lượng tốt, có container lạnh đảm bảo chất lượng hàng… Trong đó, nhiều mặt hàng không thu tiền như rau xanh, có quà cho người nghèo… Nhờ lực lượng đưa hàng đến cho người dân là cán bộ, chiến sĩ công an nên rất thuận lợi.
“Đây là đóng góp rất lớn cho TP trong thời điểm này, tạo hình ảnh thiện cảm trong nhân dân… Tuy nhiên, cùng với việc cung ứng, đưa hàng hóa đến người dân thì công an cần phải nhắc nhở bà con phải chấp hành việc phòng chống dịch Covid-19”, ông Quảng nói.
|
Liên quan đến công tác cung ứng lương thực thực phẩm, UBND TP.Đà Nẵng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở với sự tham gia của Giám đốc Sở Công thương, lãnh đạo Ủy ban MTTQ VN Đà Nẵng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.
Các đoàn kiểm tra sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại các trung tâm thương mại, siêu thị, công ty thương mại đầu mối, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, chợ tạm, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, điểm bán hàng lưu động, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP.
Tối qua (28.8), BCĐ cho biết thêm trên địa bàn Q.Sơn Trà hiện đã cho phép các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm như bún, mì, bánh mì... được hoạt động và bán qua tổ dân phố, không bán trực tiếp cho người dân. Các cơ sở chỉ hoạt động khi thực hiện đăng ký thời gian, sản lượng và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND phường.
Quy định này cũng nhằm tiếp tục phương thức cung ứng hàng hóa có kiểm soát của Đà Nẵng.
Bình luận (0)