Đặc sản tình người

31/08/2020 08:00 GMT+7

Lần đầu nghe người miền Trung nói chuyện, bạn sẽ cảm thấy như mình đang ướt dầm dề trong một trận mưa to rồi bất chợt gặp trời nắng gắt. Vừa rậm rịt ướt át vừa hanh hao khó chịu...

1.

Người ta bảo người miền Trung ăn cục nói hòn, chặt to kho mặn! Tôi thấy không trật đằng nào được. Xưa, đi học ở Đà Nẵng, tôi với đứa bạn lớp đại học thồ nhau về Hội An chơi. Lần đầu lạ đường nên hai đứa vừa đi vừa hỏi thăm: “Dì ơi đường này phải đường vô Hội An không dì"? Bà dì trả lời tức rực: “Chớ đường ni không dzô Hội An thì đi mô mi?”. Một lần nọ, hàng xóm tới nhà mách với mẹ tôi: “Chị Bốn không biết chớ thằng Chánh nó giành cất tiền, tới bữa mới phát ít chục cho con vợ đi chợ”. Mẹ tôi cất giọng cảm thán: “Cái thằng đó lỡ làm rớt một ngàn xuống giếng nó cũng bay theo!”.
Lần đầu nghe người miền Trung nói chuyện, bạn sẽ cảm thấy như mình đang ướt dầm dề trong một trận mưa to rồi bất chợt gặp trời nắng gắt. Vừa rậm rịt ướt át vừa hanh hao khó chịu. Nhưng chính cách đối đáp thô mộc ấy lại tạo nên nét độc đáo riêng biệt, khó quên. Y như thử một loại lá rừng giữa nơi thứ lá ấy sinh sôi, dù ban đầu có the đắng nhưng dư vị của nó đặc biệt đến nỗi chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm lại được.

2.

Khi nhắc đến hai tiếng miền Trung, người ta hay thấy tấm áo bạc màu dãi dầu giữa mênh mộng đồng bãi hiện ra trước mặt. Người miền Trung khắc khổ, hạt gạo củ sắn hằn lên từng nếp nhăn, nhưng mảnh đất này lại tôi luyện nên những con người quật cường trước tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, cá tính và có chút… láu cá. Bữa nọ, một người bạn của tôi là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên có sáng tác một bài thơ. Anh viết bằng phương ngữ Phú Yên, đoạn đầu như sau:
“Phia rầu! Bà nấu nầu phai
Ăn cho phẻ phẩu đở mai đi làm!”
Không đi thì ổng càm ràm
Bả mò xuống bíp mà làm cho mau
Gấu kia táng cấu thiệt đau
Sưng bằng trái ẩu: “Thâu rầu… chưn tui”
“Cửa nhà mà đở tấu thui
Thắp đèn hột dịt lên coi, nhen bà!”…
Tạm “dịch” ra tiếng phổ thông như sau:
“Khuya rồi! Bà nấu nồi khoai
Ăn cho khỏe phổi để mai đi làm!”
Không đi thì ổng (ông ấy) càm ràm
Bả (bà) mò xuống bếp mà làm cho mau
Gối (đầu gối) kia táng cối (cái cối) thiệt đau
Sưng bằng trái ổi: “Thôi rồi… chân tôi”
“Cửa nhà mà để tối thui
Thắp đèn hột vịt lên coi, nhen bà!”…
Tôi chắc rằng nếu không phải dân xứ Nẫu (Bình Định hoặc Phú Yên) thì khó ai có thể hiểu được hết đoạn thơ này. Sau khi bài thơ được đăng tải trên mạng xã hội, bạn bè nhiều nơi tỏ ra rất thích thú. Anh bạn người Hà Nội cười khanh khách trong điện thoại: “Gửi bài thơ này phải kèm một viên… Paracetamol”.
 

Bà con làng chiếu Phú Tân (Tuy An - Phú Yên) đang nhuộm màu cói

Ảnh: Lê Trọng Cường

Thật ra để hiểu được phương ngữ xứ Nẫu cũng không phải khó, người Phú Yên quê tôi thường nói âm “a” thành âm “e”, âm “ê” thì thành âm “ơ”, âm “v” thành “d”… Chỉ cần đủ thương thì sẽ hiểu đủ. Hiểu rồi thì nhớ hoài không thôi!
Tôi hay trêu bạn trai mình - một anh chàng gốc Bắc - bằng cách hướng dẫn ảnh nói: “Dìa Ti Què, uống cà phơ, ăn lẩu dơ, hát ka - ra - ô - kơ” (Về Tuy Hòa, uống cà phê, ăn lẩu dê, hát karaoke). Dĩ nhiên, mỗi lần ảnh bắt chước nói câu đó bằng giọng xứ Nẫu thì tôi bụm miệng cười.

3.

Hồi học cấp ba, tôi có hỏi một anh bạn vong niên: “Anh thấy quê mình có đặc sản gì nổi bật nhất?”, anh trả lời một từ gãy gọn: “Con người”. Lúc ấy tôi băn khoăn, người thì ở đâu chẳng có! Nhưng rồi đi qua nhiều biến thiên, dời đổi tôi mới thấu rõ ý nghĩa câu trả lời năm xưa. Cách đây 5 năm, cô bạn thời trung học của tôi rơi vào tình huống cực kỳ éo le, người yêu của cô ấy đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, cổ vừa mang thai mà hai người chưa kịp làm đám cưới. Lúc hay tin, tôi rất lo sợ cô ấy sẽ không thể chịu được sự rẻ khinh và đàm tiếu của xóm làng. Nhưng rồi từ già đến trẻ đều dang tay giúp đỡ và vỗ về cô ấy. Bào thai năm xưa giờ là cô bé bốn tuổi kháu khỉnh, được cả làng chăm bẵm, cưng chiều.
Câu chuyện của bạn tôi chỉ là một trong những nốt son trong bản đồ văn hóa ứng xử của người Phú Yên. Dọc dải đất dài và hẹp miền Trung, đi đâu tôi cũng bắt gặp phong cách hồn hậu, chân phương trong lời ăn, tiếng nói, sẵn sàng ghé một bên vai chia bớt cơn đói, cơn đau của đồng loại; sẵn lòng đưa bàn tay sần sùi cứu thoát người bị nạn đang ngụp lặn trong cơn giông bão...
Miền Trung của tôi, Phú Yên của tôi cứ mặn mà như thế, lạc quan trong suy nghĩ, chất phác trong lời nói, dung dị trong hành động nhưng lúc nào cũng lấp lánh bản sắc văn hóa vùng miền. Để rồi mỗi khi thấy chất miền Trung trong người vơi bớt sau muôn trùng thay đổi của cuộc sống, tôi cúi xuống, tiếc và nhớ vô vàn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.