Gia đình có truyền thống làm mắm cá sông, cá đồng nên từ nhỏ chị Ngân đã gắn bó với nghề này. Đặc biệt, được học ngành công nghệ sinh học, Trường đại học An Giang, chị có thêm cơ hội nghiên cứu, sáng chế thêm sản phẩm mắm cá sông các loại. Với mục tiêu mở rộng thị trường, đưa mắm chao cá mè vinh trở thành món ăn nổi tiếng và mang giá trị văn hóa ẩm thực địa phương đến với thực khách, chị Ngân đã tự tin thành lập cơ sở sản xuất mắm Ba Lộc, sản phẩm thương hiệu là mắm chao cá mè vinh.
“Cá mè vinh thịt ngọt, béo nhưng nhiều xương. Nếu chế biến thông thường như kho, chiên… giống các loài cá sông khác thì rất khó ăn, còn đem làm mắm thì rất ngon miệng”, chị Ngân chia sẻ.
Theo chị Ngân, khi bàn về văn hóa ẩm thực miền Tây Nam bộ, du khách luôn bị cuốn hút bởi những đặc sản gắn liền với từng vùng miền, trong đó không thể thiếu đặc sản nổi tiếng làm nên thương hiệu An Giang là mắm. Hiện nay, tại An Giang, những dòng sản phẩm mắm phổ biến được nhiều người ưa chuộng gồm mắm Bà Giáo Khỏe, mắm cô Tư Ấu, mắm Cô Giáo Thảo… được làm từ cá lóc, cá linh, cá sặc theo phương pháp truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, sự đa dạng trong cách làm mắm không chỉ dừng lại ở đó. Bằng kinh nghiệm và công thức làm mắm gia truyền, chị Ngân đã góp thêm phương pháp làm mắm mới cho cá mè vinh.
Hương vị đặc trưng mà mắm chao cá mè vinh có được là vì trong nguyên liệu có cơm rượu, vị ngọt thanh của đường thốt nốt, vị mặn của muối, thịt cá béo ngậy, xương cá tan từ từ khi nhai, hòa với mùi thơm của thính, mang đến cho thực khách món ăn đậm đà, khó quên. Các công đoạn chế biến mắm chao cá mè vinh tại cơ sở Ba Lộc gồm: làm sạch cá, lấy ruột và máu trong bụng cá; ủ với muối trong 1 tháng; chao đường, thính, cơm rượu và thính được rang chín đỏ từ gạo, cơm rượu làm từ nếp và men. Sau đó, trộn cả 3 nguyên liệu trên và ướp đều 2 bên thân cá, trong bụng cá rồi đậy nắp thật kín, ủ sau khoảng 2 tháng là có thể dùng được. Mắm chao cá mè vinh có thể chiên hoặc chưng với thịt băm và trứng, cho hành lá, gừng băm nhuyễn, tiêu, củ hành tím để tăng hương vị món ăn. Càng ngon hơn khi ăn kèm với rau sống và cơm trắng còn nóng.
Tháng 8.2020, cơ sở Ba Lộc chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm đó, hơn 100 kg mắm chao cá mè vinh do chị Ngân chế biến đã được bán hết sạch. Tự tin với đặc sản quê nhà, chị Ngân đưa sản phẩm dự thi và đạt giải ba tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh An Giang lần thứ 4 năm 2020.
Hiện nay, sản phẩm chưa có đủ để bán rộng rãi trên thị trường, chủ yếu sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh nên chị Ngân quyết tâm nâng tầm thương hiệu đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, theo chị Ngân, mỗi năm An Giang đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, đây chính là cơ hội lớn cho các sản phẩm ẩm thực địa phương như mắm chao cá mè vinh phát triển mạnh mẽ. Trong kế hoạch, mỗi tháng chị Ngân sẽ tung ra thị trường khoảng 300 kg mắm chao cá mè vinh…
Bình luận (0)