Đại án đăng kiểm: Bị cáo Trần Kỳ Hình 'cố tình chối bỏ trách nhiệm'

Phan Thương
Phan Thương
08/08/2024 12:02 GMT+7

Tự bào chữa, bị cáo Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ tháng 1.2014 - 7.2021) cho rằng không phạm tội 'lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ', Viện kiểm sát đánh giá bị cáo 'cố tình chối bỏ trách nhiệm'.

Ngày 8.8, phiên tòa của TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP.HCM và các địa phương trên cả nước, tiếp tục với phần đối đáp trở lại của Viện kiểm sát đối với quan điểm bào chữa của các luật sư.

Đại án đăng kiểm: Bị cáo Trần Kỳ Hình 'cố tình chối bỏ trách nhiệm'- Ảnh 1.

Đại diện Viện KSND TP.HCM đối đáp lại quan điểm của luật sư và nhóm bị cáo tại Cục Đăng kiểm Việt Nam tự bào chữa

NGUYỄN ANH

Theo kế hoạch ở nội dung tranh luận, đại diện Viện kiểm sát sẽ đối đáp từng nhóm sai phạm. Sau khi luật sư bào chữa và 28 bị cáo nhóm sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR, Cục Đăng kiểm Việt Nam), và các bị cáo liên quan đến công ty thiết kế tự bào chữa, Viện kiểm sát đã đối đáp trở lại.

Cấp thông báo năng lực xưởng, nhà nước không thu bất kỳ khoản phí nào

Đối với quan điểm của bị cáo Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1.2014 - 7.2021) cho rằng bị cáo không phạm tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Viện kiểm sát đối đáp, tất cả những nội dung sai phạm của các cơ sở đóng tàu, hoán cải đều được các bị cáo liên quan xác nhận, chính bị cáo cũng thừa nhận có sai phạm. Cơ quan điều tra cũng có căn cứ xác định rằng, chủ các xưởng liên quan phải chung chi một khoản tiền rất lớn mới được cấp năng lực cho xưởng hoạt động.

Đại án đăng kiểm: Bị cáo Trần Kỳ Hình 'cố tình chối bỏ trách nhiệm'- Ảnh 2.

Bị cáo Trần Kỳ Hình

NHẬT THỊNH

Viện kiểm sát nêu, với vai trò người đứng đầu, được Đảng và Nhà nước giao trọng trách quan trọng trong việc đảm bảo các xưởng được hoạt động đúng quy định; đảm bảo phương tiện được bảo trì, kiểm định, đóng mới đạt tiêu chuẩn, đảm bảo người dân, doanh nghiệp không bị làm khó, nhũng nhiễu, bị cáo đã làm gì? Bị cáo cũng biết, việc cấp thông báo năng lực xưởng, Nhà nước không thu bất kỳ khoản phí nào. Do đó, việc bị cáo cho rằng mình không biết sai, việc cấp thông báo không sai mà chỉ là những sai sót nhỏ, là cố tình chối bỏ trách nhiệm.

Theo Viện kiểm sát, các chủ xưởng phải chung tiền cho đăng kiểm viên và các đăng kiểm viên này đã bị khởi tố về tội nhận hối lộ; các đăng kiểm viên khai phải đưa tiền cho lãnh đạo phòng, do chưa đủ căn cứ chứng minh có sự việc đưa tiền, nên các cơ quan tố tụng đã không xử lý các bị cáo về tội danh khác, nặng hơn.

Tuy nhiên, tài liệu hồ sơ đủ chứng minh bản thân bị cáo phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định, nên việc Viện kiểm sát truy tố bị cáo tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là đúng.

Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà 'thẳng thắn thừa nhận hành vi phạm tội'

Ngoài ra, ở phần đối đáp, Viện kiểm sát đánh giá, giai đoạn điều tra, truy tố, bị cáo Trần Kỳ Hình, và bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam từ tháng 8.2021 - 12.2022), không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo của các giám đốc các trung tâm đăng kiểm, cả ở TP.HCM, và cả ở các địa phương khác, tố cáo 2 cựu cục trưởng nhận tiền hối lộ.

"Sau đó, bị cáo Hình và Hà mới dần dần thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tuy nhiên khai báo nhỏ giọt, chỉ nhận một phần nếu có căn cứ", Viện kiểm sát nêu.

Đại án đăng kiểm: Bị cáo Trần Kỳ Hình 'cố tình chối bỏ trách nhiệm'- Ảnh 3.

Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà (hàng trên, ngồi giữa)

NHẬT THỊNH

Theo Viện kiểm sát, tại tòa, bị cáo Trần Kỳ Hình chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội "nhận hối lộ", không thừa nhận phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn; thì bị cáo Đặng Việt Hà đã thẳng thắn đối mặt với sự thật, thẳng thắn thừa nhận hành vi phạm tội.

"Bị cáo luôn ý thức được trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, thủ lĩnh ngành đã để xảy ra những tiêu cực như vụ án này. Bị cáo không đổ lỗi cho bất kỳ ai, chủ động khai nhận chức trách nhiệm vụ của mình và khai nhận về những vi phạm của cá nhân mình", bị cáo Hà cũng đã thừa nhận biết rõ hành vi tiêu cực xảy ra trong hệ thống đăng kiểm, ngay khi bị cáo Hà chưa được bổ nhiệm là cục trưởng, tức là giai đoạn bị cáo Trần Kỳ Hình làm cục trưởng.

Vì vậy, Viện kiểm sát đánh giá cao lời khai và việc nhận trách nhiệm của bị cáo Hà tại tòa. Riêng bị cáo Hình không thừa nhận một phần hành vi nhận hối lộ, Viện kiểm sát cho rằng, lời khai không phải là chứng cứ duy nhất để kết tội, nhưng nhiều người, ở nhiều địa phương, cùng khai nhận nội dung giống nhau, về việc phải chung chi tiền cho bị cáo, thì những lời khai đó lại trở thành chứng cứ.

Về căn cứ tính tiền, xác định tiền phạm tội của các bị cáo, Viện kiểm sát xác định số tiền mà Phòng VAR đã thu trên mỗi hồ sơ căn cứ vào các chứng cứ vào tài liệu, chứng cứ thu giữ được trong quá trình khám xét; trích xuất dữ liệu tin nhắn, sao kê tài khoản ngân hàng các công ty thiết kế, các đối tượng liên quan đến các công ty thiết kế.

Luận tội, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà mức án 20 năm tù về tội "nhận hối lộ". 252 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ thấp nhất 1 năm tù treo tới cao nhất 30 năm tù giam.

Đối với quan điểm của các luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho một số bị cáo, hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với đề nghị của Viện kiểm sát, theo đại diện công tố, mức án Viện kiểm sát đề xuất với HĐXX là đã cân nhắc, đánh giá cẩn trọng, theo đúng quy định, trên cơ sở đánh giá chứng cứ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và đảm bảo sự phân hóa, có tính nhân văn, khoan hồng cao.

Còn việc quyết định mức hình phạt cụ thể như thế nào, thuộc thẩm quyền của HĐXX, nên Viện kiểm sát không tranh luận nội dung này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.