Hôm nay (14.8), các luật sư sẽ bào chữa cho nhóm trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tư nhân (khối D) tại TP.HCM trong phiên tòa “đại án” đăng kiểm.
Trước đó, trong 4 ngày, các luật sư đã bào chữa xong đối với các bị cáo thuộc TTĐK khối V do Cục Đăng kiểm VN trực tiếp quản lý, gồm: 50-03V, 50-05V, 50-06V, 50-07V.
Viện kiểm sát: Văn hóa xấu
Theo đó, đối đáp một số luật sư cho rằng, thân chủ của mình tại TTĐK khối V nhận tiền hối lộ là do cơ chế từ trên, do thói quen, là văn hóa, Viện KSND TP.HCM (Viện kiểm sát) khẳng định, chính suy nghĩ chủ quan này của các bị cáo mà sự việc sai phạm tại Cục Đăng kiểm VN và các TTĐK như “một lỗ nhỏ mà đắm thuyền”.
Theo Viện kiểm sát, thói quen hay văn hóa cũng do con người tạo ra, trên cơ sở chấp hành các quy định, chứ ko phải làm sai rồi bao biện để tồn tại cái gọi là “văn hóa xấu”.
Vì vậy, Viện kiểm sát nêu kết quả thẩm vấn trực tiếp tại tòa đủ căn cứ xác định lãnh đạo các TTĐK khối V có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện khi kiểm định và cấp giấy chứng nhận.
Tiền được chia theo quy ước thống nhất riêng ở mỗi trung tâm, cụ thể luôn chia theo phần: lãnh đạo trung tâm (giám đốc, phó giám đốc), trưởng chuyền, đăng kiểm viên, dành một phần cho nhân viên văn phòng, làm quỹ tiếp khách ngoại giao và một phần để chung chi cho lãnh đạo cục đăng kiểm.
Trong đó, giai đoạn Trần Kỳ Hình làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, các TTĐK tự đề ra định mức để chung chi cho lãnh đạo cục. Đến khi Đặng Việt Hà làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN thì bị cáo này đưa ra yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm VN phải đặt quyền lợi của Hà là cao nhất.
Bị cáo phạm tội do lỗi chủ xe !?
Đối với quan điểm của một số luật sư cho rằng, bị cáo phạm tội một phần do lỗi của chủ xe, khi chủ động bỏ tiền vào xe đi đăng kiểm, hơn nữa chuyện đi đăng kiểm rồi bỏ tiền vào xe đi đăng kiểm là hết sức bình thường.
Viện kiểm sát đối đáp, nếu không có việc bị các đăng kiểm viên làm khó khi đi đăng kiểm, không có cái gọi là chủ trương nhận tiền từ lãnh đạo, thì mọi người khi đi đăng kiểm có buộc phải bỏ tiền trên xe khi đến đăng kiểm hay không?
Quá trình điều tra thể hiện rất rõ, khi kiểm tra xe, nếu không có tiền trên xe, đăng kiểm viên báo cho nhau biết, để người kiểm định kiếm lỗi không đạt. Khi chủ xe quay lại kiểm định, buộc phải bỏ tiền.
Hồ sơ vụ án đã thể hiện rất rõ, mỗi trung tâm có một cách kiểm tra, báo hiệu cho nhau biết xe không có tiền, như TTĐK 05V, khi kiểm tra xe, nếu không có tiền trên xe, đăng kiểm viên nhận xe sẽ bật đèn khẩn cấp của xe lên; TTĐK 06V, khi vào kiểm tra có tiền, sẽ bật đèn chiếu sáng trước và bật đèn cảnh báo khẩn cấp, đến công đoạn 3, đăng kiểm viên kiểm tra lại, lấy tiền và và tắt đèn để các đăng kiểm viên khác cùng biết khi kiểm định.
Viện kiểm sát khẳng định, hành vi sai phạm trên thực sự là vấn nạn, là tệ nạn của xã hội, là cố tình kiếm tiền bất chấp, chứ không đơn giản là chủ xe tự nguyện bỏ tiền như một số luật sư, một số bị cáo là đăng kiểm viên, đặc biệt là lãnh đạo TTĐK trình bày trong phần bào chữa.
Luận tội, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, từ tháng 1.2014 - 7.2021) từ 18 - 19 năm tù về tội "nhận hối lộ", từ 5 - 6 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt từ 23 - 25 năm tù.
Bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, từ tháng 8.2021 - 12.2022) 20 năm tù về tội "nhận hối lộ".
252 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 1 năm tù treo tới 30 năm tù giam.
Bình luận (0)