(TNO) Ngày xét xử thứ 3 vụ án Huyền Như, Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn về quy trình tiếp nhận giải quyết cho vay đối với những tài sản mà Huyền Như thế chấp. Các cán bộ ngân hàng có liên quan trong vụ án đều cho rằng "do tin tưởng Huyền Như nên duyệt sai quy trình".
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Chi triệu đô làm thẻ xanh đi Mỹ
>> Đại án lừa đảo: Siêu lừa Huyền Như trong vòng vây tín dụng đen
|
Theo cáo trạng, Huyền Như sử dụng 474,05 tỉ đồng của ACB và 59,5 tỉ đồng của Navibank ký hợp đồng gửi tiết kiệm tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Sau đó, Như tự trích lập thành các thẻ tiết kiệm, đem thế chấp tại 2 phòng giao dịch Điên Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM, vay tổng cộng 514,54 tỉ đồng rồi chiếm đoạt.
Bị cáo Như còn sử dụng thẻ tiết kiệm giả gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để thế chấp vay 480,3 tỉ đồng tại Ngân hàng VIP chi nhánh TP.HCM để chiếm đoạt 180 tỉ đồng. Để Như chiếm đoạt được số tiền này có sự giúp sức của một số người là lãnh đạo, cán bộ, giao dịch viên của Vietinbank phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng và VIB TP.HCM.
Sáng ngày làm việc thứ ba, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, gọi Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng Vietinbank phòng giao dịch Điên Biên Phủ) lên xét hỏi về quy trình thẩm định hồ sơ cho vay. Theo cáo trạng, Tống Nguyên Dũng lập 59 hồ sơ tín dụng cho 16 cá nhân đứng tên vay 274 tỉ.
Dũng khai mặc dù không tiếp xúc khách hàng, hồ sơ thiếu chữ ký liên quan, không kiểm tra thẻ tiết kiệm... nhưng vì tin tưởng Như, vì Như nói "đây là khách hàng của chị ". Tại tòa, Dũng khai: " Chị Như nói đã kiểm tra và chị Như là cán bộ gương mẫu còn tôi là nhân viên trực tiếp của chị Như nên phải tuân thủ chỉ đạo".
"Bị cáo là nạn nhân trong vụ án này, không biết chị Như lừa đảo", Dũng nói.
Tiếp đó, vị chủ tọa gọi Trần Thanh Thanh (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điên Biên Phủ thay cho Như) lên xét hỏi về việc tham gia giải ngân cho 6 hợp đồng tín dụng. Thanh thừa nhận đã bỏ qua quy trình, không có khách hàng trực tiếp lên ký giải ngân. Thanh lý giải vì mới được bổ nhiệm ngày đầu tiên, đã nhận được điện thoại của một phó giám đốc ngân hàng nói tạo điều kiện giúp đỡ cho các hồ sơ này, và kiểm tra trên hệ thống thì thấy đúng có sổ tiết kiệm, nên muốn linh hoạt giải quyết.
Đối với Hoàng Hương Giang (nguyên là giao dịch viên phòng giao dịch Điên Biên Phủ) đã nhận 4 hồ sơ do Tống Nguyên Dũng lập mang tên Nguyễn Thị Thủy số tiền vay 20 tỉ. Mặc dù tài sản đảm bảo là 4 thẻ tiết kiệm nhưng thiếu chữ ký của khách hàng vay và khách hàng bảo lãnh nhưng Giang vẫn lập thủ tục giải ngân, chuyển khoản vào tài khoản mà Như chỉ định.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, Phạm Thị Tuyết Anh (giao dịch viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết đã thực hiện giải ngân cho 55 khoản vay với tổng số tiền 254,6 tỉ đồng của 15 khách hàng. Tài sản thế chấp là 42 thẻ tiết kiệm trị giá 265,9 tỉ đồng của 11 cá nhân, thiếu chữ ký khách hàng, thực hiện lệnh chi không có mặt chủ tài khoản.
Tại tòa, bị cáo Tuyết Anh cũng khai "là do Như chỉ đạo": "Đây là khách hàng VIP cứ giải ngân, sau này chị (tức Huyền Như - PV) sẽ bổ sung sau nên linh hoạt giải quyết, bị cáo không trực tiếp xúc khách hàng, theo quy định cũng không buộc bị cáo phải tiếp xúc, hay có mặt khách hàng".
Còn Bùi Ngọc Quyên (nguyên phó phòng giao dịch Điên Biên Phủ) từ ngày 25.7.2011-17.9.2011 phê duyệt cho vay 29 hồ sơ do Tống Nguyên Dũng lập cho 7 người vay 132,2 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo là 20 thẻ tiết kiệm có tổng giá trị 135 tỉ đồng.
"Bị cáo không phê duyệt cho vay vì không có thẩm quyền. Có 4 hồ sơ bị cáo không ký tên, tương đương 122 tỉ đồng. Xét 25 hồ sơ chỉ thì ký để xác định tài sản đảm bảo và ký phiếu nhập kho nên cũng chỉ là bị hại, nghiệp vụ non kém", Quyên khai.
"Hồ sơ vẫn còn khiếm khuyết, đúng không?", chủ toạ hỏi. Quyên: "Dạ, còn thiếu chữ ký khách hàng nhưng chị Như nói khách hàng bận đi công tác, là người có quyền cao nhất ở phòng giao dịch nên bị cáo tin tưởng".
"Từng công đoạn mỗi người bỏ đi một chút thì quy định sẽ không còn giá trị sẽ không ngăn chặn được hành vi vi phạm, không hạn chế được rủi ro gây thiệt hại lớn", vị chủ tọa phiên tòa nói.
Sau thời gian nghỉ giải lao, thẩm phán Lê Văn Ban cho gọi các nhân viên, cán bộ ngân hàng Đoàn Lê Du (nguyên trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Huỳnh Trung Chí (nhân viên phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Nguyễn Thị Phúc Ngân (giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Vũ Nguyễn Xuân Tiên (Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), tiếp tục thẩm vấn.
Trước tòa, Vũ Nguyên Xuân Tiên khẳng định mình "không làm sai, phê duyệt đúng vì hồ sơ chuyển sang cho bị cáo đã đầy đủ chữ ký, thủ tục mới ký giải ngân". Thẩm phán Ban dẫn chứng lời khai trong quá trình điều tra Tiên thừa nhận mình sai. Tiên nói: "Bị điều tra viên đánh, ép ký" và tiếp tục khẳng định Tiên không làm sai.
Thẩm phán Ban chuyển sang thẩm vấn Huỳnh Hữu Danh (nhân viên Ngân hàng VIP chi nhánh TP.HCM). Theo cáo trạng, từ 1.2011 - 8.9.2011, Danh làm thủ tục cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến VIP chi nhánh TP.HCM vay 480,3 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là 40 hợp đồng tiền gửi (giả) mang tên các cá nhân đang gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Danh không đến Vietinbank Nhà Bè kiểm tra, phong tỏa các hợp đồng tiền gửi này mà xác nhận phong tỏa giả do Như làm, dẫn đến bị Như chiếm đoạt 180 tỉ đồng. Danh khai mình chỉ là nạn nhân không biết Như lừa đảo chiếm đoạt tiền và không nghĩ được hậu quả lớn như vậy.
"Nạn nhân của ai không biết nhưng đối chiếu pháp luật đúng hay sai?", thẩm phán hỏi. "Dạ sai ạ", Danh thừa nhận.
Chiều nay Hội đồng xét xử tiếp tục phần thẩm vấn.
Bài, ảnh: Lê Quang
>> Xét xử vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng
>> Vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng: Nhiều cán bộ ngân hàng hầu tòa
>> Khởi tố thêm 6 bị can trong vụ lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng
>> Xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Các luật sư “làm nóng” phiên khai mạc
Bình luận (0)