|
Mở đầu phần làm việc buổi sáng, chủ tọa gọi bị cáo Huyền Như lên xét hỏi. Như thừa nhận bản cáo trạng nêu đúng hành vi bị cáo thực hiện, và cho biết bắt đầu huy động vốn từ giữa năm 2008 và ngụp lặn luôn trong vòng vây tín dụng đen.
Như khai, năm 2007 có kinh doanh chứng khoán, bất động sản bên cạnh công việc chính là làm tại Phòng Kinh doanh Vietinbank Chi nhánh TP.HCM. Theo trào lưu lúc đó, mọi người ai cũng kinh doanh nên bị cáo cũng lấy vốn của gia đình kinh doanh có lãi và chủ yếu chỉ liên lạc mua bán qua điện thoại. Năng lực vốn của bị cáo cũng trên 50 tỉ đồng.
"Làm gì phải vay lãi cao?", vị chủ tọa hỏi. Như thưa: "Bị cáo thấy có lãi nên huy động thêm vốn. Đến 2009, bị cáo bắt đầu bị xoáy vào dòng tiền do vay lãi cao không có tiền trả, bị lãi suất phạt và lãi nhập vốn trong khi chứng khoán, bất động sản bán không được. Bị cáo phải vay của người này trả cho người kia".
Như cho biết, đầu tiên huy động tiền của tín dụng đen gồm: Phương, Lành, Lý, Dung, chị Hòa, anh Phương, chị Giang... Mỗi cá nhân vay một ít, số ngàn tỉ là đối chiếu sổ sách, tính theo doanh số mới lên ngàn tỉ.
Ban đầu, mỗi đợt vay 5 - 10 tỉ, không trả được nên lãi nhập vốn tính tiếp chứ không phải số tiền thực vay. Sau đó, vay tăng lên 40 - 50 tỉ.
Bị cáo nói có kinh doanh, làm đáo hạn nên mọi người cho vay. Ban đầu gọi điện thoại, đến ký giấy nhận nợ, sau này quen không cần ký giấy nhận nợ. Đến thời hạn thì bị cáo và chủ nợ ký giấy chốt nợ. Lãi suất 3,5 - 5%/ngày. Lúc đó, bị cáo phải chấp nhận vì không có tiền trả nợ gốc nên bị Lý ép. Tiền lãi 10 ngày trả một lần, không trả bị lãi phạt 1,2%/ngày.
"Có sức mạnh nào ép buộc, cưỡng chế phải trả nợ không?", chủ tọa hỏi. Như đáp: "Chị Lành, Lý bảo là nếu không thanh toán kịp sẽ lên ngân hàng quậy, làm lớn chuyện. Bị cáo cứ nghĩ sẽ kinh doanh bất động sản, chứng khoán có lãi và sợ ảnh hưởng uy tín, sợ lời lẽ Lý đe dọa nếu không trả tiền sẽ cho người đập vỡ mặt nên càng ngày càng phải tìm cách huy động tiền. Bắt đầu từ giữa 2009 vay của người sau trả cho người trước, chứ không kinh doanh. Số tiền bán tài sản không thấm vào đâu so với lãi tín dụng đen. Bị cáo có bán lỗ rồi nhưng có bán hết cũng không có tiền trả".
"Nếu đã mất cân đối, nếu đã sợ thì không nên gây ra những hành vi vi phạm khác chứ tại sao lại làm con dấu giả, chuyển sang huy động của pháp nhân?", chủ tọa hỏi. "Sợ ảnh hưởng, sợ xấu hổ nên bị cáo cứ hy vọng sẽ có khoản kinh doanh nào đó có lãi cao trả nợ. Vì cứ sáng đi làm là bị cáo nhận được tin nhắn, điện thoại đe dọa đòi nợ nên khủng hoảng làm sai ạ", Như cho biết. "Bị cáo nghĩ huy động của cá nhân lãi suất cao hơn, còn của công ty thì thấp hơn, chỉ cao hơn lãi suất của ngân hàng. Coi như vay lãi suất thấp, trả vay lãi suất cao", Như nói tiếp.
Sau đó, Như bắt đầu khai chuyển sang vay tiền của pháp nhân, đầu tiên là Công ty Thái Bình Dương do anh Trần Hoàng Trung giới thiệu tiếp xúc với Phạm Anh Tuấn. Đầu tiên, Như nói huy động vốn cho Vietinbank dưới dạng Ủy thác vốn đầu tư, lãi suất 10,49%/năm. Từ hợp đồng thứ hai làm trực tiếp với Tuấn, đòi thêm phí 0,4%/ngày và rất nhiều phí. Một khoản trả tiền mặt, một khoản trả bằng chuyển khoản.
Lúc đầu, Như giới thiệu Phạm Anh Tuấn cho Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè) do thấy có nguồn vốn lớn muốn huy động thật cho Vietinbank Nhà Bè tiếp cận nguồn vốn nhưng Vietinbank Nhà Bè không đồng ý vì lãi suất ngoài hợp đồng cao quá nên bị cáo sử dụng hợp đồng của Nhà Bè vay. Tổng cộng, bị cáo Như vay 1.500 tỉ, còn nợ 80 tỉ, trả ngoài hợp đồng 121 tỉ cho Phạm Anh Tuấn, trả lãi 50 tỉ.
Như khai thêm: trong số hợp đồng làm với Công ty Thái Bình Dương có hợp đồng Phạm Anh Tuấn ký thật với Võ Anh Tuấn và Võ Anh Tuấn ký sẵn một số giấy tờ khác cho đầy đủ thủ tục nhưng sau đó không thực hiện được nên bị cáo giữ lại bản hợp đồng này, sửa chữa lại để sử dụng cho bị cáo. Sau đó hết hợp đồng thật, bị cáo làm giả.
Bằng hình thức tương tự, Như thuê người làm giả 8 con dấu của Vietinbank Nhà Bè, Phúc Vinh, Thịnh Phát, Bảo hiểm Toàn Cầu, An Lộc, Đức Minh Quang... và giả chữ ký của nhiều cá nhân để rút tiền khi họ mở tài khoản chuyển vào Vietinbank.
Tháng 5.2011, thông qua Nguyễn Thị Nga, Như huy động được hơn 2.500 tỉ đồng của 3 pháp nhân: Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên với thỏa thuận mức lãi tiền gửi là 18 - 22%/năm tùy vào số tiền và thời hạn gửi. Sau khi tiền của các công ty này được chuyển vào tài khoản của họ tại Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, Như đã làm giả 127 lệnh chi, chữ ký của các giám đốc công ty để rút tiền đem trả nợ cho những người Như đã vay trước đó, đến nay còn chiếm đoạt gần 1.600 tỉ đồng.
Từ tháng 10.2010 đến tháng 9.2011, thông qua Huỳnh Bảo Ngọc (Phó phòng Quản lý quỹ) và Huỳnh Thị Ngọc Ánh (Phó phòng Kế toán, Ngân hàng ACB), Như đã huy động của ACB hơn 1.100 tỉ đồng dưới danh nghĩa tiền gửi của 19 nhân viên ngân hàng đứng tên với mức lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8 - 4,5%/năm.
Sau đó, Như làm giả lệnh chi, chuyển tiền từ những tài khoản các khách hàng này mở tại Vietinbank TP.HCM và Nhà Bè để trả nợ và chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỉ đồng. Trong đó, Như khai đã chi cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc hơn 3,7 tỉ đồng chênh lệch ngoài hợp đồng.
Tương tự, Ngân hàng Navibank thông qua 14 nhân viên gửi 1.543 tỉ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM với lãi suất từ 16,5% - 22,5%/năm cũng bị Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng. Như cò huy động của Công ty CP chứng khoán Phương Đông và Đầu tư An Lộc gửi vào Vietinbank Chi nhánh TP.HCM 1.860 tỉ đồng với lãi suất 14%/năm, trả ngoài hợp đồng 5 - 5,5%/năm đã bị Như chiếm đoạt 550,35 tỉ đồng…
Lê Nga
>> Xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Các luật sư “làm nóng” phiên khai mạc
>> Xét xử vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng
>> Vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng: Nhiều cán bộ ngân hàng hầu tòa
>> Sắp xét xử vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng
>> Sắp xét xử ‘siêu lừa’ gần 4.000 tỉ đồng Huỳnh Thị Huyền Như
>> Khởi tố thêm cán bộ ngân hàng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo
>> Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> “Phù thủy” ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
Bình luận (0)