Đại biểu đề nghị ‘rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ của cán bộ trung, cao cấp’

Mai Hà
Mai Hà
28/10/2022 16:57 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau ) cho rằng, nhân sai phạm “lò ấp tiến sĩ” bị xử lý, cần tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của bộ máy nhà nước.

Phát biểu tại thảo luận Quốc hội về kinh tế - xã hội chiều 28.10, đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất cần ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách thể chế, tập trung vào thể chế nhà nước phân công kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính hướng tới nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

quochoi

Bên cạnh đó, theo ông Vân, nhân việc cơ quan Đảng các cấp xử lý kỷ luật một số cán bộ chủ chốt tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam liên quan đến “lò ấp tiến sĩ”, đề nghị tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ, trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của bộ máy nhà nước để sàng lọc chất lượng nhân sự, đảm bảo điều hành.

Đại biểu Quốc hội đề nghị ‘rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ của cán bộ trung, cao cấp’

Với các bất cập trong cơ chế tự chủ hiện nay, theo ông Vân, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết riêng về tự chủ toàn diện với các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và y tế trên 4 phương diện: độc lập tự chủ về mô hình và phương thức hoạt động, tự chủ nhân sự, tự chủ ngân sách tài chính và tự chủ về đầu tư.

“Có như vậy mới đột phá về chất lượng nhân sự và đơn vị sự nghiệp. Chúng ta trao quyền nửa vời khó phát huy được tính năng động sáng tạo. Quan trọng phải có giải pháp thích ứng, ví dụ ghi vào nghị quyết cho phép chào giá cạnh tranh để các cơ sở y tế được mua trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh là vấn đề cấp bách tại các bệnh viện công hiện nay”, ông Vân nói.

Dẫn lại việc các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý nghiêm một số doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, theo đại biểu Lê Thanh Vân, đây là vấn đề đúng đắn, dù chậm nhưng vẫn kịp thời, làm lành mạnh hoá quan hệ kinh tế và lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Dù vậy, có những đối tượng tung tin thất thiệt, hoài nghi chính sách này, cần xử lý thích đáng.

Bên cạnh đó, đại biểu Vân cho rằng, “cần có chính sách khoan hồng với các doanh nhân biết ăn năn hối cải, lập công chuộc tội, vì lực lượng doanh nhân sẽ tạo ra của cải vật chất cho xã hội”.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

quochoi

Đề xuất lập Ủy ban Năng suất quốc gia

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) băn khoăn có một nghịch lý đang diễn ra với năng suất lao động và thị trường lao động. Cụ thể, năng suất lao động chưa cao, trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật thì ngày càng tăng.

Chỉ rõ nguyên nhân của sự chênh lệch về cung cầu lao động và năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là do quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động.

Thứ hai, do sự chênh lệch giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường, các ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics là những ngành thu hút FDI lớn, tạo giá trị gia tăng cao. Song tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 20 - 25% và năng suất lao động lại thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, điện, nước, bất động sản.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu, thực hiện nhiệm vụ điều phối phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi luật Giáo dục nghề nghiệp, luật Việc làm phù hợp với hình thái việc làm, nghề nghiệp mới, quan hệ lao động mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.