Đại biểu Quốc hội: ‘Tôi đã từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hoá’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/01/2020 13:36 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hoá vì “quá hình thức và quá tốn kém lãng phí, phản cảm”.

Sáng 16.1, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, tiếp tục làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành để nghe giải trình các vấn đề liên quan.

Tình hình xâm hại trẻ em đang rất bức xúc

Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, các số liệu, thống kê trong các cơ quan Chính phủ gửi tới Đoàn giám sát có chỗ chưa đủ, chỗ lại thiếu thống nhất nên khó đưa ra các đánh giá khách quan.
Trong khi đó, dẫn lại vụ việc đường dây mua bán trinh tiết trẻ em ở Ba Vì (Hà Nội) vừa qua, ông Lưu khẳng định “tình hình xâm hại trẻ em không phải là bình thường mà rất nghiêm trọng, bức xúc”.
“Tôi nêu ví dụ đó để thấy vấn đề không đơn giản, tại rất nhiều cuộc làm việc tôi vẫn nói con số ở báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng. Do đó các bộ báo cáo xem hiệu quả công việc trong phạm vi quản lý thế nào nhất là thực hiện luật Bảo vệ trẻ em, phòng chống bao lực gia đình, nguyên nhân nào là chính dẫn đến tình trạng hiện nay", ông Lưu nói.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch nói rõ hơn vai trò quản lý gia đình trong vấn đề này vì khi đi giám sát thì tỷ lệ người thân thích trong gia đình xâm hại trẻ em chiếm tỷ lệ cao, xâm hại tình dục, dâm ô, bạo lực diễn ra trong gia đình rất nhiều.
Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, ngành văn hóa đã làm rất nhiều việc trong đó có việc ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, bà Thuỷ cho biết đã cụ thể hoá thành các tiêu chí, có chung, có riêng để xây dựng đạo đức lối sống, nâng cao giá trị truyền thống các gia đình Việt Nam trong ứng xử của các thành viên.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao – Du lịch, khi thực hiện thí điểm bộ tiêu chí này thì các địa phương rất phấn khởi, kết quả rất đáng mừng. “Qua 1 năm triển khai thực hiện đã có hơn 7.200 gia đình đã đăng ký thực hiện thí điểm cho thấy tác dụng của bộ tiêu chí này”, bà Thủy thông tin.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga ngắt lời: nếu trước tình trạng ông xâm hại cháu, bố xâm hại con, mà theo giáo dục thì con cái phải nghe lời bố mẹ, thương yêu cô chú, như thế thì rõ ràng trẻ phải có kỹ năng phòng chống xâm hại trong gia đình vì nếu giáo dục ngược lại thì không đúng.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu câu hỏi: Chúng ta có bộ tiêu chí ứng xử rồi nhưng cách thức tuyên truyền đã đúng đối tượng chưa? Đặc biệt là với trẻ em đã được tuyên truyền, được tập huấn chưa? Địa phương đã xác định gia đình các cháu có nguy cơ bị xâm hại để tập trung vào đó chưa?
“Thực tế có trường hợp xâm hại trẻ em xảy ra rất nhiều lần mà không ai biết, đến khi xảy ra hậu quả như các cháu mang thai thì mới biết, như thế có thể nói phòng ngừa chưa hiệu quả”, Trưởng Đoàn giám sát nhận định.

Quá hình thức và tốn kém, lãng phí

Nêu ý kiến sau đó, ông Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hoá. Bởi theo ông thì việc này “quá hình thức và quá tốn kém lãng phí”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch phát biểu tại cuộc họp

Ảnh Hải Ninh

Nhận xét Bộ Văn hoá -Thể thao - Du lịch mới chạy theo việc ban hành văn bản, ngay như bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình mà Thứ trưởng Thủy vừa nêu cũng cần phải xem lại, trong khi có nhiều quy định của pháp luật thì chưa áp dụng triệt để.
Khẳng định việc trao danh hiệu gia đình văn hoá nhiều trường hợp rất phản cảm, trong làng ma tuý tràn lan vẫn gắn biển làng văn hoá, đại biểu Bộ cho biết vừa qua ông đã từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hoá.
“Ngành văn hoá cần xem lại những cái lãng phí không cần thiết, phải đi vào thực chất. Đó là yếu tố đạo đức lâu nay bỏ rơi, giá trị đạo đức bị đảo lộn. Ban hành tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế mà phải bằng công cụ quản lý”, ông Bộ nói.
Đồng tình quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho cho rằng, bên cạnh ban hành tiêu chí cũng rất cần đưa các tiêu chí vào đời sống gia đình và ứng xử đúng theo tiêu chuẩn thì là trách nhiệm của chúng ta. “Hiện nay khâu tổ chức thực hiện rất yếu”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì thẳng thắn cho rằng, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch chưa trả lời thẳng vào câu hỏi của Đoàn giám sát mà chỉ chú trọng báo cáo thành tích.
"Tỉ lệ trẻ em bị xâm hại trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất. Bộ báo cáo hết văn bản nọ tới văn bản kia nhưng quan trọng là văn bản có sát thực tiễn hay không và phối hợp với bộ ngành liên quan để triển khai thực hiện hay không?", bà Thúy nêu đồng thời đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch cần thẳng thắn thừa nhận cái gì làm được, cái gì chưa được để khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.