Đại biểu tranh luận bộ trưởng về giá vé máy bay tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/03/2024 14:23 GMT+7

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận với Bộ trưởng khi ông nói: giá vé máy bay tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn đang lỗ.

Sáng 18.3, nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An), đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao giá vé máy bay thời gian qua tăng cao và giải pháp để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại nhằm kích cầu ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh thời gian tới.

Đại biểu tranh luận bộ trưởng về giá vé máy bay tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ- Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tranh luận với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

GIA HÂN

Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu, theo quy định tại luật Giá, giá vé máy bay sẽ do Bộ GTVT quy định khung giá, còn giá vé cụ thể do các công ty kinh doanh bay quyết định căn cứ theo nhu cầu.

"Vừa qua, giá máy bay dù tăng nhưng các hãng bay vẫn lỗ. Hiện nay, Bamboo cắt giảm rất nhiều đường bay, Vietjet cũng khó khăn. Vietnam Airlines hiện đã lỗ tới 37.000 tỉ rồi. Năm nào lãi nhiều nhất cũng chỉ được 3.000 tỉ, cho nên vẫn khó khăn", ông Phớc nêu.

Tranh luận với Bộ trưởng Phớc, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), bày tỏ không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng khi cho rằng "giá vé máy bay tăng cao nhưng các doanh nghiệp dịch vụ hàng không vẫn lỗ".

"Trong hoạt động kinh doanh không phải lúc nào chúng ta cũng đạt doanh thu cao bằng cách chúng ta tăng giá vé. Bởi chúng ta phải tìm được điểm doanh thu tối ưu, căn cứ vào cung cầu. Có khi giá giảm nhưng số lượng bán tăng lên thì doanh thu cao lên. Tôi nghĩ các công ty cũng cần phải nghiên cứu", đại biểu Huân phân tích.

Vẫn theo vị đại biểu Bình Dương, giá vé máy bay là việc của Bộ GTVT nhưng Bộ Tài chính với chức năng quản lý chung về giá đồng thời quyết định này là quyết định của Chính phủ, ảnh hưởng toàn xã hội. "Đề nghị Bộ trưởng hết sức cân nhắc, có thể có ý kiến thêm vấn đề này", đại biểu Huân nêu.

Nghịch lý càng tăng giá doanh nghiệp lại càng lỗ

Cũng giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận định, việc giá vé máy bay tăng cao thời gian vừa qua không hẳn do vấn đề nhiên liệu hay cung cầu. Theo đại biểu, hiện nay pháp luật quy định về giá rất đầy đủ song thực tế đang tồn tại nghịch lý như Bộ trưởng Phớc nêu: càng tăng giá doanh nghiệp lại càng lỗ.

Đại biểu An góp ý, vấn đề là phải xác định được đầu vào, đầu gia, các chi phí cấu thành giá. "Đối với giá máy bay, đặc biệt với Vietnam Airlines, tôi cho rằng chi phí cao quá, ảnh hưởng ngay đến giá chứ không phải liên quan đến vấn đề cung cầu và liên quan đến vấn đề về nhiên liệu", ông An nhìn nhận.

Đại biểu tranh luận bộ trưởng về giá vé máy bay tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ- Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các đại biểu

GIA HÂN

Tương tự, với giá điện, đại biểu Đồng Nai cho rằng, giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không bao giờ xuống, song thực tế thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn lỗ.

"Chúng ta tính giá trên cơ sở quy định pháp luật song có vấn đề chưa ổn. Chúng ta đã tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch hay chưa?", ông An đặt vấn đề.

Theo đại biểu An, với vai trò quản lý chung về giá, Bộ Tài chính cần rà soát, thậm chí thanh tra, kiểm tra để làm cho đúng, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp.

"Nếu cứ lỗ thế này mãi cũng không ổn nhưng cũng phải bảo đảm được lợi ích của người dân. Tôi cho rằng để bảo đảm được cả lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân thì cần vai trò của Bộ Tài chính với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giá", ông An nói.

Hồi đáp lại hai tranh luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói sẽ tiếp thu các ý kiến, song ông nhấn mạnh, giá vé máy bay hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện theo đúng quy định. 

"Khung giá máy bay do Bộ GTVT ban hành thì có giá trần với 15 mức và hiện nay các hãng bay đang điều chỉnh trong khung đấy chứ chưa vượt ngoài khung, không vi phạm pháp luật về giá", ông Phớc nêu.

Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, một số quốc gia bỏ giá trần của máy bay và để cho doanh nghiệp tự quyết định giá theo cung, cầu của thị trường. Tuy nhiên, luật Giá hiện hành vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay và khung trần đấy là do Bộ GTVT quy định.

Theo ông Phớc, 4 năm trở lại đây, giữa đại dịch Covid-19, các chuyến bay gần như ngưng trệ, đến nay thì kinh tế suy giảm nên lượng khách đi máy bay cũng hạn chế. Khi kinh tế suy giảm thì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hệ thống hàng không.

Về vấn đề giảm chi phí đầu vào, ông Phớc nói, trong các hãng hàng không thì chỉ có Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước chiếm trên 50% cổ phần, còn lại là tư nhân. Theo ông, vấn đề quản trị và hạ giá thành thì tư nhân quan tâm hơn ai hết. Còn Vietnam Airlines, hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng như Bộ GTVT rất quan tâm và về phía Bộ Tài chính cũng yêu cầu tái cơ cấu, làm thế nào để tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, ông Phớc nói, đây là cả quá trình và vẫn cần phải cố gắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.