Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 11.3 ra thông cáo nhân dịp tròn 2 năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, nhấn mạnh rằng đại dịch “còn lâu mới chấm dứt”. Đại dịch được công bố 6 tuần sau khi WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với chưa đầy 100 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc. Đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 453 triệu người nhiễm và 6 triệu người tử vong, trong khi nhiều nước nỗ lực thích ứng với Covid-19 một cách an toàn để hồi phục kinh tế, đồng thời tiếp tục đối diện nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.
Hiện trạng đại dịch
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm vào ngày 10.3, con số cao nhất trong ngày kể từ khi nước này kiểm soát đợt bùng phát dịch vào đầu năm 2020, với số ca không biểu hiện triệu chứng gia tăng do biến thể Omicron, theo Reuters.
Châu Á vượt cột mốc 1 triệu ca tử vong vì Covid-19 |
Cần nói rõ rằng quy mô của đợt dịch mới nhất nhỏ hơn đáng kể so với nhiều nơi khác, nhưng việc số ca nhiễm gia tăng có thể gây áp lực lên chính sách của Trung Quốc nhằm quyết liệt dập dịch để không có ca nhiễm.
Nhiều nước trong khu vực đang đẩy mạnh tiêm vắc xin, cung cấp mũi vắc xin bổ sung và chứng nhận khẩn cấp thuốc chữa Covid-19 để đối phó làn sóng gia tăng tại một số nơi. Nhật Bản đang cân nhắc tiêm mũi thứ 4 trong năm nay và quyết định sẽ dựa trên mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Philippines đã chứng nhận sử dụng khẩn cấp thuốc Paxlovid của Pfizer.
Một công nhân đào huyệt tại một nghĩa trang ở London (Anh) vào ngày 11.1 |
Tại châu Âu, Đức ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong bối cảnh nước này chuẩn bị dỡ bỏ hầu hết các quy định giới hạn nhằm phòng dịch từ ngày 20.3. Đức ghi nhận thêm 262.752 ca nhiễm và 259 ca tử vong vào ngày 10.3. Bộ Y tế Đức cho rằng đỉnh dịch đã qua vào tuần trước và cho phép mở cửa lại các hộp đêm. Anh cũng ghi nhận số ca nhiễm gia tăng ở nhóm trên 55 tuổi với nguyên nhân được cho là tiếp xúc xã hội gia tăng, khả năng miễn dịch của mũi bổ sung giảm dần và biến thể Omicron có mức độ lây lan cao. Tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã dỡ bỏ mọi quy định phòng dịch.
Còn tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) cho hay khoảng 98% dân số nước này đang sống tại những nơi có cấp độ Covid-19 thấp ở mức mọi người không cần đeo khẩu trang tại môi trường công cộng trong nhà. Tuy nhiên, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay nước này vẫn cần thêm ngân sách để đối phó đại dịch, sau khi Thượng viện không thông qua đề xuất chi 15,6 tỉ USD vốn đã được thông qua tại Hạ viện. Mỹ dự kiến gia hạn quy định buộc hành khách đeo khẩu trang trên máy bay, tàu điện cho đến ngày 18.4, trước khi cơ quan chức năng đánh giá lại.
Trẻ em đi học vào ngày 7.3 khi quy định đeo khẩu trang trong nhà tại New York (Mỹ) được dỡ bỏ |
Reuters |
Tránh “phục hồi 2 tầng”
Phát biểu với báo giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý rằng nhiều nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối diện số ca nhiễm và tử vong gia tăng. “Dù số ca nhiễm và tử vong được ghi nhận đang sụt giảm trên toàn cầu và một số nước dỡ bỏ các giới hạn, đại dịch còn lâu mới kết thúc”, ông cảnh báo và cho rằng đại dịch không thể kết thúc tại riêng một nơi nào mà phải kết thúc đồng loạt trên toàn cầu. Theo ông, SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi và thế giới vẫn đang gặp nhiều trở ngại lớn trong việc phân phối vắc xin, xét nghiệm và điều trị tại tất cả những nơi có nhu cầu.
Theo Bloomberg, đã có hơn 10,9 tỉ liều vắc xin được tiêm tại 184 nước trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo về “sai lầm trầm trọng” nếu cho rằng đại dịch đã qua, đồng thời nhắc lại rằng việc phân phối vắc xin đang “bất bình đẳng một cách đáng hổ thẹn”. “Các hãng đang sản xuất 1,5 tỉ liều hằng tháng, nhưng gần 3 tỉ người vẫn đang chờ mũi đầu tiên”, ông nhấn mạnh và cảnh báo rằng những biến thể mới có thể dẫn đến phong tỏa, chịu đựng và chết chóc tại tất cả các nước. “Thế giới của chúng ta không thể có sự phục hồi 2 tầng từ Covid-19”, theo ông Guterres.
Trong khi đó, chuyên gia kỹ thuật trưởng về Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho hay biến thể kết hợp giữa chủng AY.4 của Delta với BA.1 của Omicron đã được ghi nhận tại Pháp, Hà Lan và Đan Mạch, dù ở mức rất thấp và giới khoa học chưa ghi nhận thay đổi về mức độ nghiêm trọng. Bà kêu gọi các nước tăng cường hệ thống giám sát và phân tích trình tự gien nhằm kịp thời phát hiện các biến thể mới.
Bình luận (0)