'Đại dịch cô đơn'
Nhà văn trẻ Quách Lê Anh Khang đã sang Mỹ thăm gia đình khi TP.HCM chưa áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Giờ đây, chưa có chuyến bay thương mại về nước, ngóng về quê nhà, nhớ người thương, anh đứng giữa nước Mỹ và tràn ngập nỗi cô đơn.
Anh viết: “Trở lại New York - nơi từng là tâm dịch Covid-19 của Mỹ lẫn thế giới - sau hơn một năm, nhìn mọi thứ đã về lại với vẻ tất bật thuở trước. Như chưa hề có những ngày đường phố im lìm vắng bặt tiếng người. Như chưa hề trải qua bao đoạn tối sầm với số ca nhiễm cao nhất nhì Bắc Mỹ.
Mình vẫn giữ thói quen cũ của bao lần đến đây. Đứng giữa Times Square nhìn người ngợm xiên quàng chen chúc, nhìn nhịp sống hối hả dời chân. Times Square - đúng như tên gọi - luôn là nơi khiến mình nhận thức rõ ràng nhất sự hiện hữu của Thời Gian. Và cả sự chóng vánh trôi qua của nó. Times Square và cả New York, lúc nào cũng vội. Vui vội, quên vội, tụ tán cũng vội, thăng trầm cũng vội. Mà chắc nhờ vội, nên những tan tác thời kỳ hậu Covid-19, cũng vội. Và người người, cũng vội tràn xuống đường để vội bỏ lại những ngày tháng tĩnh mịch của hơn một năm phong toả đã qua…”.
Anh Khang cô đơn ở nước Mỹ, nhưng giữa đại dịch Covid-19, cũng có hàng triệu người trẻ đang cô đơn. Năm 2020, theo một cuộc khảo sát của tổ chức YoungMinds về những ảnh hưởng của đại dịch lên sức khỏe tinh thần của người trẻ, 83% đồng ý rằng đại dịch Covid-19 đã làm cho sức khỏe tinh thần của họ trở nên tồi tệ hơn từ mức độ ít đến rất nhiều. Các nhà tâm lý học lo lắng rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra “đại dịch cô đơn”. Nghiên cứu mới của ĐH Harvard cho thấy cảm giác bị cô lập với xã hội đang gia tăng và những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thanh thiếu niên.
|
Mặt khác, giới trẻ thời nay dễ dàng rơi vào cảm giác cô đơn hơn thế hệ trước. Theo một khảo sát của công ty dịch vụ y tế toàn cầu Cigna (Mỹ) hồi năm 2018 cho thấy thế hệ gen Z (18-25 tuổi) là thế hệ cảm thấy cô đơn nhất và có sức khỏe tinh thần kém hơn thế hệ trước. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2019 với hơn 2.000 người trưởng thành ở Vương quốc Anh cũng cho thấy gần 88% người Anh ở độ tuổi từ 18 - 24 cho biết họ cảm thấy cô đơn ở một mức độ nào đó với 24% thường xuyên phải chịu đựng và 7% nói rằng họ luôn cô đơn. Vào tháng 3.2020, trong một cuộc khảo sát của tổ chức YoungWells, khi giới trẻ được hỏi về mối quan tâm hàng đầu của họ về cách đối phó với đại dịch Covid-19, thì mối quan tâm nhất của họ là về sự cô đơn và cô lập.
Vì sao chúng ta cô đơn?
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Tân, nghiên cứu sinh tiến sĩ về sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, cho đến nay, có hai giả thuyết trái ngược nhau liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội và sự cô đơn. Một giả thuyết cho rằng thời gian dành cho trực tuyến thay thế thời gian dành cho ngoại tuyến (là thời gian dành cho bạn bè), do đó chất lượng các mối quan hệ bị giảm sút. Một giả thuyết gọi là “giả thuyết chuyển đổi” (displacement hypothesis) kết luận rằng sử dụng mạng xã hội làm tăng cảm giác cô đơn.
Trong khi đó, các nghiên cứu khác lại phản biện rằng dành nhiều thời gian trực tuyến hơn sẽ nâng cao chất lượng của tình bạn, và do đó cái gọi là "giả thuyết kích thích" (stimulation hypothesis) lại cho rằng việc sử dụng mạng xã hội làm giảm sự cô đơn.
Hiện việc sử dụng mạng xã hội quá mức có dẫn đến cô đơn hay không vẫn còn đang là dấu chấm hỏi. Điều quan trọng chúng ta cần có cái nhìn đa chiều, không nên quá bài xích hay quá phụ thuộc vào mạng xã hội và thực sự tỉnh táo khi sử dụng chúng.
Khủng hoảng vì dịch Covid-19, thiên tai, mất mát người thân hay mạng xã hội được xem là những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến cảm giác cô đơn của giới trẻ. Vậy đâu là ngọn nguồn của sự cô đơn? Theo bác sĩ Tân, đó là lòng sự tự ti trong mỗi con người. Nghiên cứu trên 495 sinh viên ở ĐH Khoa học công nghệ Ain (Các Tiểu vương quốc Ả Rập) cho thấy rằng lòng tự trọng thấp và tính hiệu quả thấp có liên quan đến mức độ cô đơn cao.
|
Trong 2 yếu tố này, nổi bật là yếu tố lòng tự trọng thấp. Một người có lòng tự trọng thấp cho rằng bản thân họ không xứng đáng nhận được tình yêu thương, họ sợ làm phiền những người xung quanh, và họ không xứng đáng nhận được sự giúp đỡ. Chính những suy nghĩ này đã khiến họ thu mình lại với thế giới, khiến họ có nhiều vấn đề hơn trong những mối quan hệ hiện tại và điều này lại tiếp tục gợi lên cảm giác lạc lõng, cô đơn và không ai có thể hiểu mình.
Cô đơn để hiểu mình hơn!
Theo Quách Lê Anh Khang, giữa đại dịch Covid-19, mọi người sẽ thấy cô đơn hơn. Nhưng cũng nhờ cô đơn giúp anh hiểu được bản thân hơn.
“Không được đi ra ngoài dung dăng khám phá, thì mình đi vào bên trong chính mình để hiểu rõ bản thân thực sự cần và muốn gì hơn. Đây là cơ hội để chúng ta hưởng thụ cảm giác cô đơn. Vì vậy, thay vì vẫy vùng than vãn thì hãy tập làm bạn với cô đơn vậy!”, Anh Khang chia sẻ.
Bác sĩ Minh Tân cũng chia sẻ: “Hãy tưởng tượng nếu thế giới này chẳng hề có một ai cô đơn, tất cả mọi người đều hạnh phúc, ai ai cũng tươi cười thì thế nào? Nghe có vẻ đó là thiên đường đáng sống. Nhưng với cá nhân tôi, thế giới ấy thật một màu, đơn điệu và thật cực đoan. Trong thế giới ấy, liệu chúng ta sẽ có cơ hội được mãn nhãn với những mảnh đời hết sức buồn, day dứt nhưng đầy chất thơ như nhân vật Tô Lệ Trân của đạo diễn Vương Gia Vệ, hay liệu ta còn đó được nghe những bản tình ca nhưng vô cùng triết lý tồn tại theo thời gian của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?”.
|
Theo bác sĩ Tân, sẽ thực sự không quá tồi tệ khi chúng ta cảm thấy cô đơn trong đại dịch Covid-19 lúc này. Vì có cô đơn thì ta mới có cảm giác hân hoan khi chung đôi cùng ai đó hoặc có nơi nào đó để ta trở về. Điều quan trọng là ta nhận thức, quan sát và ôm ấp bản thân mình khi ta cô đơn. Như rapper Datmaniac đã có câu: “Sau cuối ngày về ôm lấy mình trong gương. Đó là người gần nhất ta trông thấy mà không thương?”.
Bình luận (0)