Đại học tư cần tự chứng minh năng lực

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
07/05/2019 07:07 GMT+7

Nếu ví đại học công lập và tư thục là hai 'cánh chim' của giáo dục đại học thì theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, 'cánh chim' tư thục vẫn còn yếu ớt và cần phải chứng minh năng lực trước xã hội.

Tọa đàm “Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại VN” do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội tổ chức diễn ra hôm qua (6.5) tại TP.HCM với nhiều ý kiến tìm hướng phát triển cho hệ thống giáo dục ĐH này.

Thay đổi nhận thức

Ưu thế của trường tư thục là tự chủ, đó là điều tốt hơn so với trường công. Mọi thứ sẽ tốt hơn vì luật lệ sẽ tốt. Vấn đề là các trường sẽ thực hiện như thế nào?
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
Theo phê duyệt mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020, có từ 30 - 40% sinh viên học tại các cơ sở giáo dục ĐH tư thục. Thế nhưng, đến thời điểm này, số lượng sinh viên các trường ĐH, CĐ tư thục chỉ mới chiếm khoảng 14%.
PGS-TS Nguyễn Văn Áng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng tuy số lượng sinh viên chưa nhiều bằng trường ĐH công lập nhưng các trường ĐH tư thục đang ngày càng lớn mạnh. Điều này tạo ra sự cạnh tranh và chính trường công lập không thể ngồi yên nữa. Nhưng hiện nay vẫn còn sự phân biệt công - tư. Nguyên nhân sâu xa là trường công được hưởng lợi thế, dẫn đến có thể thu học phí thấp. Điều này khiến các trường tư khó cạnh tranh được.
Tuy nhiên, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, không đồng ý. Từ cương vị lãnh đạo trường công sang lãnh đạo trường tư, ông Xê nhận định hiện nay đã có “thị trường cạnh tranh hoàn hảo” trong lĩnh vực giáo dục ĐH.
“Sống hay chết là tùy vào bản thân các trường. Giai đoạn hiện nay, nhiều trường tư có thể có chất lượng cao hơn cả một số trường công. Vì vậy, sự cạnh tranh rất lớn. Ưu thế của trường tư là thoáng hơn nên sẽ đi nhanh hơn trường công lập. Trong khi đó, học phí trường công bị giới hạn, kinh phí nhà nước cấp cũng chỉ giới hạn”, ông Xê nhấn mạnh.
PGS-TS Phan Thanh Bình cho rằng: “Chúng ta phải chứng minh chất lượng trước xã hội. Luật Giáo dục ĐH sắp tới sẽ dựa vào hiệu quả, chứ không phân biệt công - tư nữa. Nếu có nhiều học sinh thi vào thì sẽ được chú ý, được đầu tư”.
GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, lại cho rằng để phát triển giáo dục tư thục, suy cho cùng vẫn nằm ở nhận thức. Ngoài phụ huynh, người học thì chính là nhận thức của lãnh đạo cao cấp nhà nước. Các trường phải làm mọi cách để thay đổi nhận thức của xã hội. Hiện nay độ tin cậy của giáo dục tư thục chưa cao, một phần lỗi do bản thân các trường nhưng một phần do nhận thức của lãnh đạo các cấp.

Chuẩn bị cho thời đại số

PGS-TS Phan Thanh Bình nhận định xã hội sắp tới sẽ thay đổi rất nhanh. Như vậy, các trường ĐH tư thục phải chuẩn bị ra sao, nhất là ở các trường ĐH tư thục được xem là năng động? Theo ông Bình, có hai điều mà các trường ĐH cần phải lưu ý là sinh viên cần năng lực gì và hệ thống giáo dục sẽ phải chuyển đổi ra sao.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, nêu ra những vấn đề rất đáng chú ý trong tương lai là văn hóa số cũng như toàn cầu hóa. Theo ông Minh, hoạch định giáo dục cho 10 năm tới phải hướng đến chuyện các trường ĐH có đóng góp gì cho nền kinh tế - xã hội của đất nước? “Các cấp quản lý cần cho ra đời hành lang pháp lý nào? Rào cản phân biệt công - tư cần phải gỡ bỏ để hai “cánh chim” hài hòa hơn”, ông Minh đề xuất.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cũng nhận định hiện tại là thời đại số và ĐH hiện nay là dành cho số đông chứ không chỉ dành cho tinh hoa nữa. Với bối cảnh mới, các trường cũng phải thay đổi rất mạnh mẽ. “Ưu thế của trường tư thục là tự chủ, đó là điều tốt hơn so với trường công. Mọi thứ sẽ tốt hơn vì luật lệ sẽ tốt. Vấn đề là các trường sẽ thực hiện như thế nào?”, ông Phong nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.