Những kế hoạch lập trường chip (vi mạch), được nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ủng hộ, được đưa ra trong bối cảnh các công ty chip đổ hàng tỉ USD vào việc mở rộng công suất để tạo ra những “bộ não” điều hành mọi thứ từ điện thoại thông minh đến chiến đấu cơ, trong lúc nguồn cung toàn cầu đang thiếu, theo Reuters. Chỉ một mình Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) trong năm nay sẽ đầu tư 44 tỉ USD và thuê hơn 8.000 nhân viên.
“Chạy đua với thời gian”
Ông Jack Sun, trưởng công nghệ của TSMC về hưu vào năm 2018 và trở thành hiệu trưởng của một trong số trường đào tạo về chất bán dẫn hồi năm ngoái, mới đây nhận định với Reuters rằng các công ty chip cần thêm nhiều nhân tài để cạnh tranh trên toàn cầu.
“Trong việc nuôi dưỡng nhân tài về chất bán dẫn, chúng ta đang chạy đua với thời gian”, bà Thái nhấn mạnh tại lễ ra mắt Trường Nghiên cứu chất bán dẫn thuộc Đại học Thanh Hoa quốc gia ở Đài Loan hồi tháng 12.2021.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn từng tuyên bố nhiệm vụ của bà là bảo vệ nền dân chủ Đài Loan |
Chụp màn hình SCMP |
Chính quyền Đài Loan phối hợp với các công ty chip hàng đầu để chi trả cho những trường chip. Bốn trường như thế đã được thành lập tại những trường đại học hàng đầu của Đài Loan trong năm ngoái, với mỗi trường được giao hạn ngạch đào tạo khoảng 100 nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ, theo Cơ quan Giáo dục Đài Loan.
“Tôi đặc biệt yêu cầu những trường này mở quanh năm, không có kỳ nghỉ hè hay đông để chúng ta có thể cho ra nhiều nhân tài một cách nhanh chóng”, bà Thái phát biểu tại lễ thành lập một trường chip khác.
Tình trạng thiếu nhân tài về chip là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Đài Loan, vốn xem công nghiệp chip rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế và an ninh, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan, theo Reuters. Nhiều năm qua, Đài Loan là một trong những nền kinh tế có nhiều ưu thế trong lĩnh vực chip bán dẫn.
Trong khi đó, Trung Quốc đại lục đang đối mặt nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung ứng chip bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Vì thế, thời gian qua, công nghiệp sản xuất chip được xem là "vũ khí" quan trọng để Đài Bắc củng cố sức mạnh trước các áp lực từ Bắc Kinh.
“Ưu tiên hàng đầu”
Trước khi xảy ra tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, các công ty lo sợ tình trạng thiếu nhân tài có thể gây khó khăn cho sự bùng nổ của ngành, theo ông Terry Tsao, chủ tịch công ty SEMI Taiwan. Vào tháng 9.2019, ông Tsao và khoảng 20 giám đốc điều hành người Đài Loan và nước ngoài gặp bà Thái để đề nghị chính quyền Đài Bắc giải quyết tình trạng thiếu nhân tài về chip. “Mọi người nghĩ đây là ưu tiên hàng đầu”, ông Tsao nhấn mạnh.
Hồi tháng 5.2021, Đài Loan đã thông qua một quy định tạo điều kiện cho các trường và công ty phối hợp với nhau trong những lĩnh vực chủ chốt liên quan đến các lợi ích của Đài Loan, mở đường cho các trường chip mọc lên. Ngoài ra, nhiều quy định được nới lỏng nhằm cho phép những trường này nhận nguồn đóng góp của doanh nghiệp và tăng lương cho đội ngũ giảng dạy. Ngoài việc cung cấp kinh phí, công ty sẽ hỗ trợ các trường thiết kế chương trình đào tạo, cung cấp chuyên gia dạy các khóa học và tư vấn cho những dự án nghiên cứu.
Trung Quốc cứng rắn "không thỏa hiệp" trong vấn đề Đài Loan |
Khi công nghệ chip phát triển nhanh, “có một khoảng cách giữa những gì bạn học và những gì bạn cần dùng tại công ty”, theo ông Su Yan-kuin, hiệu trưởng của một trường chip thuộc Đại học Thành công quốc gia ở Đài Loan. “Chúng tôi làm việc chặt chẽ với ngành, kết nối ngành với giới học thuật, nên thu hẹp được khoảng cách”, ông Su cho hay.
Ngoài ra, anh Lin Chun-yu (24 tuổi), một nghiên cứu sinh tiến sĩ sắp học tại trường của ông Su, cho hay anh sẽ nhận 40.000 Đài tệ (hơn 32 triệu đồng)/tháng, mức tiền lương mà không phải nghiên cứu sinh tiến sĩ nào ở Đài Loan cũng được nhận. “Sự phối hợp gần gũi với ngành giờ đây sẽ rất hữu ích cho việc nghiên cứu của tôi và cho công ăn việc làm”, anh Lin cho hay.
Bình luận (0)